Xuôi đường đến đất văn, thơ

10:18, 08/08/2012

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo /   Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo /Sóng biếc theo làn hơi gợn tí / Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo...   Những câu thơ trong bài thơ “Thu điếu” nổi tiếng của Nguyễn Khuyến cứ luẩn quẩn theo bước chân tôi trong chặng đường về tỉnh Hà Nam. Và “ngõ trúc quanh co” của làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục đưa tôi đến vườn Bùi, thăm cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Con đường lát gạch phủ rêu thời gian đưa tôi đến chiếc cổng nhỏ có dòng chữ Hán: Môn tử môn (cửa của học trò). Tôi bỗng thấy mình thành một học trò nhỏ được vào diện kiến thầy đồ. Thầy Nguyễn Khuyến mặc chiếc áo dài màu trắng ngồi trên sập gụ, bên lư trầm thanh tịnh đọc sách thánh hiền.

 

Khoảnh sân nhỏ có cây vối cổ thụ, một mảnh vườn xinh trồng nhiều loại hoa thơm, nơi giản dị này có tên là vườn Bùi. Có tài liệu tôi đọc được nói về tên của khu vườn. Năm 1884, tròn 50 tuổi, Nguyễn Khuyến cáo bệnh, trả chức quan Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) về đây vui thú điền viên, khi đó, ông đã viết câu thơ này: “Vườn Bùi chốn cũ, bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”. Còn cái tên vườn Bùi, sau này người ta mới biết rằng: Quê của Nguyễn Khuyến ở Hà Tĩnh. Người quê ông gọi cây vối là cây Bùi. Cụ muốn dùng ngôn ngữ quê hương để nhắc nhủ con cháu không quên nguồn cội.


Tôi khom người bước vào gian từ đường, nơi lưu trữ các kỷ vật về cụ Tam nguyên Yên Đổ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 4 của cụ Nguyễn Khuyến hướng dẫn tôi dâng hương, nhiệt tình chỉ cho tôi xem những bảo vật thiêng liêng của dòng họ. Tôi đứng ngắm mãi bức tượng nhà thơ mặc áo dài, chống gậy trúc đang khoan thai rảo bước. Cây gậy người cầm trên tay được kể lại là của con trai cả tặng bố sau một lần trảy kinh ứng thí trở về.

 

Rời từ đường, tôi men theo con đường nhỏ lát gạch quanh co, bên đường là những cây mít gầy guộc nhưng quả sai từ gốc đến ngọn. Ao thu là đây sao? Đọc sách, tôi biết cái ao nằm trong tính toán phong thủy của cụ Tam nguyên. Nguyễn Khuyến mệnh Hỏa nên trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy gồm cái ao lớn có bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi đến cái lạch nước trong. Cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà nho. Trước là thế, còn trước mắt tôi bây giờ không thấy “lạnh lẽo nước trong veo”, mà đầy một ao sen xanh mướt. Những bông hoa cuối mùa đủ màu trắng, hồng tạo không gian vừa thơ mộng vừa đượm buồn. Tôi như nhìn thấy ngư ông bé nhỏ với chiếc thuyền “tẹo teo” đang chìm đắm suy tư bên cây cần tĩnh lặng. Một chiếc lá vàng rơi trước mũi thuyền làm người thơ giật mình thảng thốt? Tôi chợt nhẩm đọc lại “Thu điếu” và bâng khuâng một cảm giác rất lạ. Không biết vài trăm năm trước Nguyễn Khuyến có cảm giác này như tôi? 

  

 

Nguyễn Khuyến sinh năm Ất Mùi (1835). Lúc nhỏ tên Nguyễn Thắng. Nguyên quán: Nghệ An, sau chuyển về làng Yên Đổ, huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam. Năm 1864, 30 tuổi, Nguyễn Khuyến thi hương đỗ Giải Nguyên. Năm 1871, lúc đó ông 37 tuổi, Nguyễn Khuyến thi đỗ Hội Nguyên rồi Đình Nguyên. Là người đỗ đầu 3 kỳ thi nên ông được vua phong tặng danh hiệu "Tam nguyên Yên Đổ". Sau đó, Nguyễn Khuyến làm việc ở nội các Huế. Năm sau, làm đốc học Thanh Hóa rồi án sát Nghệ An. Năm 1876, ông làm biện lý Bộ hộ. Năm 1877, làm thăng bố chánh Quãng Ngãi. Năm 1879, làm Quốc Sử Quán Huế. Năm 1884, ông được đề cử chức Tổng Đốc Sơn, Hưng,Tuyên nhưng ông không nhận và cáo quan về quê năm ông 50 tuổi. Từ năm1891 đến 1893, ông làm nghề dạy học. Năm 1909, ông mất, thọ 75 tuổi. Ông để lại cho đời sau một kho tàng khổng lồ: Quế sơn thi tập gồm hơn 200 bài thơ chữ Hán và hơn 100 bài thơ chữ Nôm.

 

 

*Vừa là tình cờ, vừa là cơ duyên, trong chuyến đến Hà Nam vào cuối tháng 7, tôi lại được về viếng mộ nhà văn, liệt sĩ Văn Cao. Trước đó, khi vừa đặt chân đến đây, tôi được bạn bè đãi đặc sản chuối tiến vua (còn gọi là chuối Ngự Đại Hoàng). Quả chuối vàng ươm, chỉ nhỉnh hơn ngón tay, ăn dẻo, thơm, ngọt lạ lùng. Thấy tôi tấm tắc khen ngon rồi hỏi cách trồng, bạn tôi bảo: Giống chuối quý đang ươm ở vườn Nam Cao và chỉ ở đây có loại chuối quý này… Vậy nên khi về làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đến viếng mộ Nam Cao, tôi không thể không ghé thăm vườn chuối. Hóa ra nơi gặp gỡ nên thơ của Chí Phèo và Thị Nở năm xưa với những tấm lá chuối “dãy lên đành đạch” dưới ánh trăng chính là vườn chuối ngự. Cách đó vài bước chân, mộ Nhà văn Liệt sĩ Nam Cao xây bằng đá trắng tinh khiết. Trên bia mộ khắc chân dung nhà văn và  trang sách mở có dòng tuyên ngôn của ông: “Văn chương không cần sự khéo tay, làm theo cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có” (trích “Đời thừa”, 1943). Quan điểm sáng tác của Nhà văn đến tận giờ vẫn là thách thức đối với người cầm bút. Hy sinh khi mới 36 tuổi, nhưng ông đã tạc được thế đứng sừng sững trong nền văn học đất nước.

 

Có điều tôi thấy lạ lùng, đã gần 70 năm kể từ khi Nam Cao viết Chí Phèo, mà sao làng quê này, con người ở đây cứ như từ tác phẩm bước ra: Nhà Bá Kiến vẫn nguyên 5 gian cột gỗ lim đen bóng, làng Đại Hoàng vẫn lách cách tiếng thoi đưa. Hiện thực đã hóa thân vào văn chương hay văn chương đã hóa thân thành hiện thực?. Tôi bỗng lẩn thẩn đọc lại đoạn văn trong “Trăng sáng” của ông: Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than...

 

Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, sinh ngày 29/10/1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, Phủ Lý Nhân, nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

 

Thuở nhỏ ông đã có chí học hành, tự học và học giỏi Pháp ngữ, là trí thức, sớm có tinh thần yêu nước. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông đã cùng với các nhà trí thức lớn của Việt Nam tham gia cách mạng, cùng với ngòi bút chống lại cường quyền, áp bức và phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chuyến đi công tác vào vùng địch hậu thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình, ông đã bị địch phục kích và sát hại, khi đó ông vừa tròn 37 tuổi. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1, năm 1996).