Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, Nam Định là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ; có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo xuất hiện thời đại vương triều Trần như: múa bài bông, hát xẩm, chầu văn, ca trù. Đây là một trong những loại hình dân ca, dân vũ nguyên thể mang tính chất “đặc sản”, độc đáo trong di sản phi vật thể của vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay.
Nghệ thuật múa bài bông hay còn gọi là bắt bài bông là một trong những loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc trên 700 tuổi, xuất hiện từ thời Trần. Điệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong không gian uy nghi ở nơi cửa đình, hát tại các dinh quan, đám khao vọng, chúc thọ.
Theo sách “Việt Nam ca trù biên khảo”, điệu múa bài bông do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3. Tuy nguồn gốc và tác giả đến nay vẫn chưa có sự thống nhất, nhưng qua các nguồn sử liệu có thể khẳng định, múa bài bông là một loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của nước Đại Việt thời Trần, với trên 700 tuổi. Trước hết, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2, nhà Trần bắt được con hát tuồng tên là Lý Nguyên Cát trong đám loạn quân của Toa Đô; sau đó, Lý Nguyên Cát tự nguyện xin ở lại và dạy hát tuồng, trong đó có vở “Vương mẫu hiến đào” được các con em vương hầu rất thích, truyền nhau hát. Cũng từ đó, múa bài bông được coi là “nhã nhạc của đế vương thịnh điển nhất trong nhạc giới”.
Về nghệ thuật vũ đạo, các vũ sinh khi múa được trang phục khá cầu kỳ với áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt. Đi kèm với các vũ công là đội nhạc: có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, người đánh đàn đáy, đàn nguyệt bốn dây (tứ đoản), đàn tam, trống mảnh, lúc tấu nhạc hợp sướng giai điệu khoan thai, thể hiện không khí vui tươi ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị.
Múa bài bông gồm 9 màn, nhưng phần lớn chỉ diễn 6 màn cơ bản: màn giáo đầu, bài hát xuân (ca ngợi cảnh sắc vui tươi của đất trời và lòng người khi vào xuân), rồi tiếp đến là các bài hạ, thu, đông. Bên cạnh đó, múa bài bông được coi là “báu vật” của giáo phường. Thông thường chỉ có giáo phường nào lớn mạnh hay được đi hát thờ ở trong mỗi dịp tế lễ đình, dinh quan, hay vào kinh hát chầu ngự vua mới có được một đội múa bài bông. Về cơ bản, một đội múa bài bông ít nhất gồm 4 người, và tuỳ theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi (8 người hoặc 16 người), những dịp đại lễ có 32 người, 64 người.
Là một loại hình nghệ thuật truyền thống có 700 năm tuổi, hát xẩm có nét độc đáo gắn liền với người khiếm thị, xuất hiện thời vương triều Trần. Tương truyền, ông tổ của hát xẩm là hoàng tử Trần Quốc Dĩnh, vì bị anh trai là Trần Quốc Toán hãm hại, mù hai mắt, đã soạn thảo những khúc hát và nhạc cụ nhanh chóng lan truyền khắp vùng. Từ đó, những người có chung hoàn cảnh mù lòa, tàn tật động viên nhau học tập noi gương hoàng tử Dĩnh vượt khó vươn lên, dùng lời ca, tiếng hát bằng nghệ thuật của chính mình.
Về nghệ thuật, hát xẩm thuộc loại hình hát nói kể chuyện; giai điệu hình thành chủ yếu theo giai điệu và ngữ điệu. Khác với các vùng, địa phương lân cận, các hội xẩm, làng xẩm Nam Định thời xưa thường vận dụng 9 điệu: xẩm chợ, xẩm bong, riềm huê, ba bực, phồn huê, hò Huế, bốn mùa, hát ai, thập ân. Trong quá trình phát triển, những người hành nghề hát xẩm ở Nam Định còn vận dụng hát Ví, hát trống quân, hành vân, lưu thủy, đánh dấu bước tiến của nghệ thuật hát xẩm trên con đường chuyển hóa từ một loại hình ca nhạc tiến tới một kịch chủng.
Về nhạc cụ, hát xẩm sử dụng đàn song, đàn bầu, nhị là chủ yếu; giữ nhịp chờ cho tiếng hát là tiếng sênh cặp kè, tiếng trống mảnh làm tăng tính kịch cho câu ca. Theo thống kê, có gần 400 bài hát xẩm và chuyện xẩm có nội dung, cốt truyện. Nhìn chung, các bài hát xẩm rất phong phú về đề tài. Thời kỳ đất nước bị đô hộ, các nghệ nhân hát xẩm với tấm lòng yêu nước, căm thù giặc đã sáng tác nhiều bài hát xẩm tố cáo sự bóc lột vô nhân đạo của bè lũ thực dân, phóng kiến đương thời; ca ngợi những tấm gương anh hùng dân tộc đã xả thân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong loại hình diễn xướng dân gian, theo các nhà nghiên cứu, Nam Định là cái nôi của nghệ thuật chầu văn. Trong sách Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi: “Thời Trần có lối hát trước mặt đế Vương, gọi là hát chầu.” Về mặt văn học (tức là ngôn ngữ và thể loại), hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bạt. Tỉnh ta có hai lễ hội lớn là lễ hội Trần và lễ hội Phủ Dầy.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, hát chầu văn ra đời từ nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Trong nghệ thuật chầu văn, ngoài việc vận dụng các làn điệu dân ca phối hợp với các bộ gõ, bộ dây (nhạc cụ), chầu văn Nam Định được biết đến các làn điệu độc đáo như: điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Không gian của chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị nhân thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; đặc biệt, các Mẫu của tứ phủ (Mẫu thượng thiên, Mẫu địa, Mẫu nhạc, Mẫu thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc.
Như vậy, từ trong các đền, phủ, với vai trò như một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu có sức sống lan toả trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Các bài hát văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.
Về cơ bản, các bài hát văn có chất liệu và giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật chầu văn cổ truyền mang hơi thở và nhịp sống đương đại. Năm 1962, tại hội diễn ca múa nhạc dân tộc khu vực phía Bắc, tiết mục “Nam Định quê tôi” do đoàn văn công Nam Định biểu diễn đã tạo nên sức sống mới của nghệ thuật chầu văn. Và từ đó, các tiết mục hát văn do diễn viên độc tấu, song tấu, tam ca, tốp ca, tốp múa xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu, được công chúng đón nhận, trở thành phương tiện nghệ thuật phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Đất Thiên Trường xưa cũng được xem là nơi phát tích của nghệ thuật Ca trù xuất hiện từ thế kỷ XIII và phát triển sâu rộng tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức thành các giáo phường được nhà nước phong kiến công nhận và đặt định một chức sắc trông coi giáo phường (gọi là quản giáp). Đến thế kỷ XV, ca trù có bước phát triển từ không gian cung đình đến các vùng thôn quê, từ môi trường nghi lễ tín ngưỡng tại cửa đình, cửa đền cho tới các đám hội làng, hội vùng, hát mừng thọ, hát khao vọng, động viên binh sỹ.
Nghệ thuật ca trù Nam Định còn gắn liền với tên tuổi của các đào nương đã vang danh sử sách cũng như phong trào diễn xướng của loại hình nghệ thuật độc đáo này tại các làng quê trong tỉnh. Đó là ca nương tài, sắc Trần Thị Ngọc Đài vùng đất Thiên Bản xưa, nay là xã Cộng Hoà (Vụ Bản), được dân gian phong là Bà Chúa Thông Khê, trở thành một trong 6 sự tích kỳ lạ của vùng đất “Thiên Bản lục kỳ”.
Về giá trị nghệ thuật, Ca trù Nam Định có hơn 40 thể, chia làm 3 lối hát chính: hát cửa đình, hát thi và hát chơi. Hát cửa đình là lối hát gắn với tục thờ thần hoàng làng, có nội dung ca ngợi công đức của các bậc anh hùng dân tộc, những danh nhân, các vị tổ nghề đã có công khai ấp, lập thôn, trong sự nghiệp xây dựng và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước… Lối hát này có các thể chính như: dâng hương, đọc phú, tấu nhạc, múa bài bông, giáo trống, giáo hương. Lối hát thi thường gắn với đời sống được tổ chức tại cửa đình.
Trong nghệ thuật ca trù, bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc có vai trò rất quan trọng, gồm cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Âm hưởng trống chầu trong ca trù khác biệt so với nghệ thuật tuồng, hát bội; lối hát ca trù và phách đệm rất phức tạp, kết hợp phức điệu tinh tế với đàn đáy và trống chầu trở thành một bản hoà tấu đa âm sắc, tỏ rõ nội dung lời ca và cảm xúc của người hát. Trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc, nghệ thuật ca trù có vị trí quan trọng, tuy nhiên, con đường phát triển của loại hình nghệ thuật này cũng gặp nhiều vướng mắc, gian truân. Đầu thế kỷ XX, ca trù từ không gian cung đình, nơi vùng quê có xu hướng phát triển “nở rộ” tại chốn thị thành. Các nhóm hát từ các làng quê, “ly hương” đua nhau về các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, văn hoá để hành nghề mưu sinh, xuất hiện các đào nương chuyên nghề ca hát, tiếp rượu, phục vụ nhu cầu nghệ thuật các tầng lớp quan lại, tiểu tư sản.
Những năm qua, thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, di sản văn hoá dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW 5 (khoá VIII), Nam Định triển khai có hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể chính là nền tảng, gốc rễ để sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới trong sự nghiệp phát triển đất nước với mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc./.