Chùa Vĩnh Nghiêm còn gọi là chùa Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc dòng thiền Trúc Lâm, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII.
Không chỉ đẹp về cảnh quan, kiến trúc, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ một di sản văn hoá quý giá không đâu sánh bằng, đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là mộc thư khố. Kho mộc kinh thư đồ sộ này được bảo quản tốt, hiện lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt gồm 4 trang sách khắc ngược (âm bản) gồm khoảng 2.000 chữ Nôm hoặc Hán. Những bản khắc có niên đại sớm nhất của mộc thư khố này là từ thế kỷ XIV, còn lại được làm ở thế kỷ XVI, XVIII. Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh trụ trì tại chùa thì mộc thư khố chùa Vĩnh Nghiêm được các nhà nghiên cứu đánh giá là quý giá và độc đáo, nguyên vẹn nhất còn lại với những kỷ lục quốc gia đã được ghi nhận: có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn và đẹp nhất trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
Hình thức trình bày trên ván in cũng đạt đến độ tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân xưa. Có những ván in được khắc đan xen các bức minh hoạ có đường nét tinh tế, bố cục hài hoà xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, muốn phục dựng mộc thư có đường nét đẹp và chuẩn mực như xưa gần như vô vọng bởi công nghệ chế tác mộc bản đã thất truyền, từ lâu nhà chùa không tìm được người thợ nào có khả năng khắc chữ Nôm âm bản. Ngoài ra, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng thể hiện giá trị ở ý nghĩa quốc tế, đó là sách được in ra là tư liệu của Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhuần sâu sắc và ảnh hưởng lan toả sâu rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Các bản mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của ba vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Bên cạnh đó còn có một số mộc thư giới thiệu các cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với những sơ đồ các huyệt rõ ràng. Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết hiện nay phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau xương khớp và các bệnh về tiêu hoá.
Mặc dù việc bảo quản thô sơ nhưng mộc thư khố chùa Vĩnh Nghiêm đã tồn tại gần như nguyên vẹn mấy thế kỷ nay. Ngay cả những bản khắc có chữ nhỏ li ti, nhiều bức hoạ có đường nét tinh xảo, không bị mờ, mòn và ngày nay vẫn có thể in lên giấy rõ ràng. Để làm được điều đó, các nghệ nhân xưa chọn gỗ thị làm ván khắc vì có ưu điểm khi tươi gỗ mềm dễ khắc, khi khô gỗ rất dai, cứng, không cong vênh, thớ gỗ mịn, trắng làm chữ sắc nét. Ngoài ra còn phải luộc - phơi rồi lại luộc - phơi gỗ ít nhất 3 lần mới không bị mối, mọt huỷ hoại.
Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, y học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Với những giá trị văn hoá đặc biệt đó, trung tuần thỏng 5 năm 2012, tổ chức UNESCO đã công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.