Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận Di tích quốc gia. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với di sản có một không hai ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Không thể biết được đồng bào dân tộc ở Hoàng Su Phì đã phải mất bao nhiêu năm để biến những ngọn núi đất thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, chỉ biết rằng, ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, thay thế cho việc làm nương làm rẫy, hết đời này qua đời khác, con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.
Ông Long Chính Phong, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang hồ hởi chia sẻ: “Ruộng này mỗi năm tôi thu được 3 tấn lúa. Thế có đủ ăn không? Đủ chứ, thừa là đằng khác, thừa 7-8 tạ”...
Nhìn hàng nghìn ha ruộng bậc thang trải dài khắp thung lũng mới thấy không quá khi gọi ruộng bậc thang Hoàng Su Phì chính là công trình kỳ vĩ của đồng bào địa phương. Từ những khó khăn trong canh tác nông nghiệp ở địa hình đồi núi, người dân đã sáng tạo ra phương thức canh tác này để thay đổi cuộc sống. Hiện tại, Hà Giang cũng đã xây dựng kế hoạch bảo tồn ruộng bậc thang sau khi được công nhận Di tích quốc gia.
“Đặc biệt là phải thu hút các công ty du lịch, các đoàn du lịch đến khảo sát, xây dựng các tour du lịch... từ đó người dân người sẽ thấy rằng, việc được công nhận Di tích quốc gia sẽ tạo nguồn thu nhập mới từ các hoạt động du lịch và bà con tự có ý thức hơn trong việc bảo tồn di sản ruộng bậc thang” - ông Hoàng Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang nói.
Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang gắn chặt với cuộc sống, sinh hoạt tín ngưỡng nông nghiệp cũng đã được hình thành và trở thành di sản quý của đồng bào địa phương gồm 13 dân tộc với khá nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ cúng ma khô của người người Mông, Lễ hội lùng tùng của dân tộc Tày, lễ cúng thần rừng, lễ mừng cơm mới của người La Chí...