Có một triều đại mà trong vòng gần ba mươi năm đã tiến hành 3 cuộc kháng chiến trường kỳ và chiến thắng oanh liệt đế quốc Nguyên - Mông - một đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ 13. Có một triều đại mà "võ công văn trị" nổi tiếng trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc với sự xuất hiện của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và các tướng tài như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản... Triều đại ấy không những ngoan cường đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi mà còn nêu cao ý thức độc lập, tự chủ về chính trị, tôn giáo bằng việc sáng tạo ra một giáo phái độc lập: Thiền phái trúc lâm. Triều đại ấy là nhà Trần.
Vương triều Trần tồn tại với lịch sử dân tộc gần 2 thế kỷ. Vào thời Trần thế kỷ thứ 13, quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với ba lần đại thắng Nguyên - Mông. Chiến thắng quân Nguyên - Mông chẳng những có ý nghĩa to lớn đối với Đại Việt mà còn có ý nghĩa với cả khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Chiến thắng đó chẳng những ghi tạc vào lịch sử những chiến công oai hùng của dân tộc mà còn để lại trên đất Nam Định - quê hương nhà Trần những dấu ấn lịch sử không thể phai mờ. Đó là những tên đất, tên làng, các đền tháp, chùa chiền... mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa như Tức Mặc, Chùa Tháp Phổ Minh, đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Quang, Trùng Hoa, Phủ Đệ, thái ấp, dinh thự của cả một bộ máy thời Trần... sẽ là những chứng cứ sinh động góp phần minh chứng cho "Hào khí Đông A'' đã từng phát tích trên đất Thiên Trường một thuở. Đáng chú ý trong số đó là địa danh Tức Mặc.
Theo sử sách ghi lại thì tổ tiên nhà Trần vốn "đời đời làm nghề cá" vùng ven sông Vĩnh Giang, nơi định cư lên bờ ở hương Tức Mặc đến Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông) là đời thứ 5. Sử cũ còn ghi lại khá cụ thể, nhiều lần vua Trần về thăm hương Tức Mặc, làm lễ hưởng ở Tiên Miếu. Năm Kỷ Hợi (1239), tức 13 năm sau khi nắm giữ vương triều, nhà Trần đã phong cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó, về hương Tức Mặc dựng cung điện, nhà cửa. Từ đó hằng năm vua Trần đều về ngự ở hành cung Tức Mặc, ban yến cho các bô lão và trong một lần về quê, Trần Thái Tông đã đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường. Và nhà Trần không chỉ coi Tức Mặc, Thiên Trường là quê hương, là đất phát tích của dòng họ, nơi có miếu mạo thờ cúng tổ tiên mà còn coi đây là nơi làm việc, nghỉ ngơi của các Thượng hoàng. Tức Mặc hiện là một làng nhỏ thuộc phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định).
Ngày nay, đến đất Tức Mặc phủ Thiên Trường xưa, du khách sẽ không còn được chiêm ngưỡng quang cảnh lâu đài cung điện nguy nga như một châu tiên trong "thập nhị tiên châu" thời Trần nữa nhưng những gì còn lại trên mặt đất, trong trí nhớ và được lưu truyền trong nhân dân, trong văn hóa dân gian, trong các tên đất: Kho Nhi, Vĩnh Giang, Lựu Phố, Liễu Nha, Nội Cung, Cửa Triều, Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ một thời nổi tiếng trong lịch sử cũng đủ cho ta hình dung phần nào diện mạo vùng đất tổ các vua Trần, nơi khởi nguồn của những "võ công văn trị" hiển hách thời Trần và còn là cội nguồn hình thành nên những con người, sự việc, tư tưởng, cách ứng xử đầy tính nhân văn không phải triều đại nào cũng có như xong buổi chầu hầu, vua và các tướng lĩnh trải chiếu ra thềm điện ngủ qua đêm; vua Trần Anh Tông cứ đêm đến thích vi hành khắp trong kinh kỳ đến lúc gà gáy mới về; việc rước linh cữu của vua Trần Nhân Tông dân chúng đến đông quá đến nỗi Trịnh Trọng Tử phải sai hát điệu "Long ngâm" để dân chúng giãn ra mới đi được.
Đặc biệt, chính sách "Khoan thư sức dân", chú trọng đến nông nghiệp, thủy lợi, đê điều là một trong những sức mạnh "nội sinh" góp phần làm nên chiến thắng quân Nguyên - Mông thế kỷ 13. Thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước thời Trần đã ảnh hưởng sâu sắc đến các giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc ta, đưa nền văn hóa của nước ta đến đỉnh cao chưa từng có trước đó đúng như cuốn "Lịch sử Việt Nam" tập I nhận định: "Nền văn hóa đời Trần đã đạt đến một trình độ cao. Đỉnh cao nhất của nền văn hóa đó là khoa học và nghệ thuật quân sự của nhà chiến lược quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn".
Trên đất làng Tức Mặc hiện nay còn nhiều công trình kiến trúc ghi lại dấu ấn của một thời oanh liệt. Đó là đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch tương truyền là nhà cũ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, giờ là nơi thờ ông và gia quyến cùng các tướng tâm phúc đã từng nằm gai nếm mật cùng ông xông pha trận mạc, vào sinh ra tử chống đế quốc Nguyên - Mông. Sát đó, cạnh đền Thiên Trường, đền Trùng Hoa là ngôi đền được khôi phục vào năm 2000 trên nền tảng cung điện Trùng Quang - Trùng Hoa của các Thái Thượng hoàng thời Trần, do UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí cùng UBND tỉnh Nam Định xây dựng với mục đích nhằm khơi dậy Hào khí Đông A một thời và cũng để tạo dựng lại một phần kinh đô Thiên Trường - kinh đô thứ hai sau Thăng Long của vương triều Trần có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cả ba ngôi đền nằm cạnh nhau trên một khu đất ở làng Tức Mặc. Xung quanh là các khu vực trước đây mang tên cánh đồng Cửa Triều, Nội Cung, Kho Nhi với nhiều di vật, vật liệu xây dựng cổ, dấu vết của công trình xây dựng bị đổ nát. Nhiều năm qua những hiện vật này đã và đang được khai quật, nghiên cứu nhằm làm rõ hơn một giai đoạn lịch sử huy hoàng của dân tộc.
Cạnh khu di tích đền Trần là chùa Tháp Phổ Minh. Tháp Phổ Minh cao 14 tầng được xây dựng từ thời Trần vẫn sừng sững uy nghiêm cùng trời đất hơn 7 thế kỷ, nơi đặt hòn đá đựng "xá lỵ" của vua Trần Nhân Tông. Cùng với sân cung điện Đệ Tứ, chùa Phổ Minh nổi tiếng khắp đất nước với tòa tháp cao 14 tầng bằng chất liệu đá xanh, bây giờ là biểu tượng văn hóa của tỉnh Nam Định.
Cách đền Trần - chùa Tháp không xa về phía Bắc là đền Bảo Lộc, nay thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc. Nơi đây thời Trần là ấp An Lạc của thân phụ Trần Hưng Đạo là An sinh vương Trần Liễu. Nơi mà thuở nhỏ, Trần Hưng Đạo sống ở đó và rèn luyện võ nghệ, binh thư, binh pháp.
Tháng 8, hành hương về Tức Mặc - Thiên Trường - nơi đất tổ các vua Trần, du khách sẽ được sống lại một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc khi được đến thăm các địa danh trên. Và đặc biệt vào tháng 8, đúng vào dịp diễn ra lễ hội Trần, du khách về dự lễ hội Trần để tưởng nhớ ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, ôn lại truyền thống văn hiến và tìm hiểu những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm của thời Trần. Lễ hội đền Trần là hoạt động văn hóa thường niên, hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa tâm linh, được cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định gìn giữ từ bao đời nay.
Với ý nghĩa tâm linh vốn có, lễ hội Trần nói riêng, các địa danh lịch sử như Phù Nghĩa, Liễu Nhai, chùa Tháp Phổ Minh, đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, Phủ Đệ, thái ấp, dinh thự của cả một bộ máy thời Trần còn lại đến ngày nay đã và đang là dòng lịch sử, là mạch nguồn truyền thống nuôi dưỡng lòng yêu nước trong mỗi thế hệ người dân Nam Định nói riêng, người dân cả nước nói chung nối tiếp truyền thống của ông cha, tiếp tục tạo nên những thành tích mới trong kinh tế chính trị, văn hóa xã hội góp phần xây dựng đất nước, quê hương./.