Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn âm nhạc dân tộc, trong đó đặc biệt chú trọng tới giáo dục.
“Bảo tồn âm nhạc dân tộc bắt đầu từ giáo dục” - là nhận định của đa số đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống con người hôm nay”, do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Âm nhạc Dân tộc tổ chức sáng 23/10 tại Hà Nội.
Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định âm nhạc truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân, góp phần làm nên đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam.
Hiện nay nền âm nhạc dân tộc đang bị các luồng âm nhạc khác lạ xâm nhập, làm mờ dần bản sắc. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nêu ví dụ như khi quan họ hát đồng ca tách rời bối cảnh thì không còn là quan họ nữa và thanh niên không thích, cho nên việc sân khấu hóa âm nhạc cổ truyền không có tác dụng. Theo ông, trẻ con hiện nay phải đi tìm và yêu thích nhạc ngoại quốc là do không có những bài hát hay mang âm hưởng dân tộc.
Làm gì để bảo tồn âm nhạc dân tộc là trăn trở của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc tham dự hội thảo. Giải pháp cho vấn đề này, có ý kiến cho rằng cần thường xuyên tổ chức các cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống, hay xây dựng thương hiệu cho âm nhạc dân tộc, cũng có ý kiến cho rằng quan trọng là xây dựng chiến lược đầu tư, quảng bá âm nhạc dân tộc…
Tuy nhiên, phần lớn các đại biểu cho rằng cách bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc hữu hiệu nhất nên bắt đầu từ giáo dục. Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam cho rằng cần phát huy việc dạy hát trong gia đình, trong nhà trường cần phải có giờ dậy hát dân ca. Cứ như thế, nghệ thuật âm nhạc truyền thống mới thấm dần vào con người Việt Nam. Giáo sư Hoàng Chương lo lắng nếu chúng ta làm không có bài bản thì âm nhạc dân tộc sẽ tan biến đi./.