Từng đoạt giải bông sen Bạc, cánh diều Vàng, nhưng, “Mùi cỏ cháy” được chọn dự giải Oscar với rất ít hy vọng đoạt giải.
Một bộ phim xúc động, đáng xem...
“Mùi cỏ cháy” là một bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội, chiến tranh. Kịch bản của nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lấy cảm hứng từ thời trai trẻ của chính ông và từ nhật ký của các liệt sĩ: Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... kết hợp với truyện ngắn “Bức tượng” (của Đoàn Tuấn). Chuyện phim kể về 4 chàng trai trẻ: Hoàng, Thành, Thăng, Long đã rời giảng đường đại học để nhập ngũ theo lệnh tổng động viên cho mặt trận Quảng Trị năm 1971.
Hoàng như hiện thân của Hoàng Nhuận Cầm; Thăng mang bóng dáng Nguyễn Văn Thạc; những người lính trong phim có khí chất của các liệt sỹ Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao, những chàng trai tài hoa và hào hoa nhất mực, những người trẻ tuổi đã đã từ bỏ những ước mơ nơi giảng đường để đến với chiến trường Quảng Trị ác liệt và góp phần làm nên 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho biết: “4 nhân vật mỗi người mang một dáng vẻ nhưng tất cả tạo thành tượng đài của một thế hệ xếp bút nghiên ra đường chiến trận, không tiếc thân mình vì Tổ quốc. Những người lính cách đây 40 năm đã chiến đấu ở Quảng Trị đều thấy mình ở trong 4 nhân vật này...”
Gần một nửa thời lượng của bộ phim tái hiện cuộc chiến bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến tranh đã qua đã được tái hiện trên màn ảnh rộng. Sự khốc liệt của cuộc chiến, chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972 vốn được ví như “cối xay thịt” được mô tả khá thật. 107 người vượt dòng Thạch Hãn thì chỉ 49 người sang được bờ bên kia. Trong số những người nằm lại trong dòng nước lạnh lẽo, chẳng mấy thân xác được nguyên vẹn. Bom đạn đã xẻ họ thành nhiều mảnh. Những mảnh thân thể ấy lập lờ trong dòng nước đỏ ngầu…
“Mùi cỏ cháy” kết thúc bằng tiếng ve oi ả dóng diết. Những người lính trẻ vẫn sống trong ký ức, tình yêu của đất nước, quê hương, gia đình. Các anh trở về vây quanh bức tượng trong công viên trước ngày ra trận, trở về với mẹ, về với sân trường mùa hạ dậy tiếng ve ngân...
Mô tả trực diện về 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và sự hy sinh vô giá của 16.000 người lính trẻ ở nơi đây, “Mùi cỏ cháy” là một khúc tráng ca đầy tự hào về lòng yêu nước, niềm tin và tinh thần sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, của non sông xứ sở.
Khi xem phim, khán giả dù là những cựu chiến binh mái tóc đã điểm bạc hay những khán giả trẻ chỉ hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến qua các dòng nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm...họ đều có chung nỗi xúc động nghẹn ngào...
Cũng giống phim “Ngã ba Đồng Lộc”, vì nhân vật chính là tập thể nên “Mùi cỏ cháy” không có nhiều đất diễn cũng như ấn tượng sâu sắc ở một nhân vật cụ thể. Kinh phí làm phim thấp, đạo diễn chưa nổi danh và dàn diễn viên không ngôi sao, thậm chí nhiều diễn viên chính và phụ là những gương mặt rất mới, phim vẫn tạo được sức hấp dẫn lớn, vẫn gieo vào tâm khảm khán giả sự chiêm nghiệm lại quá khứ, những câu chuyện của gần 40 năm trước để làm điểm tựa cho cuộc sống thanh bình hôm nay.
Một cuộc chơi ...ít hy vọng
Bộ phim “Mùi cỏ cháy” hoàn thành năm 2011, ngay sau đó tham dự LHP Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên và đoạt giải bông sen Bạc. Sau đó, “Mùi cỏ cháy” tiếp tục giành giải cánh diều Vàng năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đó là sự đánh giá rõ ràng nhất về mặt chuyên môn với “Mùi cỏ cháy”.
Phim đã được chiếu trong Liên hoan Pháp ngữ tại Việt Nam diễn ra từ ngày 16/3 đến 10/4, rồi được in 35 bản phim nhựa và lần lượt chiếu tại các tỉnh, thành trong cả nước vào dịp lễ 30/4 và 27/7. Đây cũng là một trong những lý do khiến “Mùi cỏ cháy” vượt qua 20 bộ phim để trở thành ứng viên dự giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar lần thứ 85 năm 2013. Điều kiện đối với phim dự giải Oscar là phải được chiếu thương mại ít nhất 7 ngày trong khoảng thời gian từ 1/10/2011 đến 30/9/2012).
Kể từ năm 2006, khi Việt Nam chính thức tham gia giải Oscar, “Mùi cỏ cháy” là bộ phim thứ 6 sau các phim: Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt và Khát vọng Thăng Long tham dự giải thưởng điện ảnh hàn lâm danh giá nhất thế giới. Ngay sau khi nhận được tin vui này, chia sẻ cảm xúc trên một tờ báo, nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho biết ông rất xúc động và tự hào. Tuy nhiên, chuyện phim có đoạt giải hay không đoạt giải với ông không quan trọng. Việc gửi phim tranh giải như vậy chân dung một thế hệ sẵn sàng hy sinh, đặt Tổ quốc lên trên hết không chỉ đến với khán giả trong nước mà sẽ còn đến được với bạn bè quốc tế.
Có lẽ, đó là một suy nghĩ hoàn toàn chính xác, bởi lần nào cũng vậy, trước mỗi kỳ tuyển chọn phim tham dự Oscar đều khá rầm rộ, thậm chí, còn vướng phải chuyện lùm xùm, nhưng khi vào tranh giải thì lại...vô cùng im ắng. Chính những người trong cuộc đều hiểu rằng, đây chỉ là một cuộc chơi rất ít hy vọng lọt vào đề cử hoặc đoạt giải. Thực chất việc mang phim đi tranh giải cũng chỉ là cơ hội để học hỏi, giao lưu, để quảng bá, giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra với bạn bè thế giới mà thôi!
Trong lịch sử giải thưởng Oscar đến nay, thành tích cao nhất đối với phim Việt Nam mới chỉ là bộ phim Mùi đu đủ xanh từng lọt vào vòng đề cử hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (năm 1994). Tuy nhiên, đây lại là phim của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Với thực trạng phát triển của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay, có thể nói, mơ ước một ngày nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam được vinh danh trên thảm đỏ Hollywood vẫn còn...quá xa vời./.