Chuyện một đời cây ở Lương Sơn

09:36, 03/11/2012

- Giáp Thành phố mình có một cây to lắm, dễ có đến năm, sáu trăm tuổi…Thông tin này của một người bạn khiến tôi quan tâm. Mò mẫm, tìm kiếm mãi, cuối cùng tôi đến được địa chỉ “cụ” cây đang trú ngụ là xóm Nha Làng, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên).

Quả không phụ công tìm kiếm của tôi, đó là một cây Sui sừng sững, gốc khoảng chừng 15-17 mét. Nếu tính các bẹ cây tỏa ra xung quanh thì khoảng hơn 20 mét. Nghển cổ nhìn mãi không thấy ngọn cây, tôi chỉ thấy các chạc ba, chạc bẩy uốn lượn thành hình rất đẹp, lá sum suê tươi tốt.

 

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Chu Văn Thước, cách nơi cây ở vài trăm mét và được cụ kể cho nghe nhiều câu chuyện thú vị về đời cây, đời người nơi này.

 

Cụ Thước (82 tuổi) và cụ bà (85 tuổi) đang sống với con trai út cùng các cháu trên mảnh đất cha ông để lại. Nhà cụ có thế đất vuông vức, thoai thoải từ cao xuống thấp. Trước nhà có một bể nước xây cách đây gần 200 năm và một khoảnh sân lát gạch cổ. Cụ kể: Tính đến tôi là đời thứ 8 sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Trước cách mạng, làng chỉ có 20 nóc nhà mà có 8 người làm lý trưởng, 1 chánh tổng, 1 phó chánh tổng. Rồi cụ Thước tỉ mỉ kể tên từng người làm quan thời ấy. Trong đó có cụ Chu Văn Dung (Phó chánh tổng) là ông nội của cụ và bố vợ của cụ là Nguyễn Văn Thục (Lý trưởng). Cũng theo lời cụ Thước kể, có một kỷ vật để lại từ hơn 100 năm trước là cỗ đòn đưa ma bằng gỗ đinh do ông nội của cụ làm cho làng đến nay vẫn đang sử dụng.

 

Nói về cây Sui, cụ Thước cho biết: khi tôi lớn lên cây đã to lớn như thế. Dạo ấy, trong xóm có nhà làm nghề rèn, bố tôi và một số thanh niên lấy những thanh sắt dài đóng lên cây để làm bậc trèo lên bắt chim. Năm 1954, đất rừng chia ra để sản xuất, mọi người bàn nhau riêng cây Sui không chia mà làm tài sản chung của làng. Có lần, chúng tôi nghe tin xã bán cây Sui cho một người ở xa đến mua, lúc ấy tôi làm Trưởng xóm bàn với ông Nguyễn Văn Tráng (công an viên) lên Ty Nông nghiệp trình báo. Các anh trên ấy bảo: đã là tài sản chung của làng thì xã không được bán, nếu có người đến cắt cây các anh báo cho chúng tôi. Thế là chúng tôi giữ được cây.

 

Những năm Mỹ đánh bom, dân làng tôi chạy đến nấp dưới những bẹ cây này thay xuống hầm trú ẩn. Năm 1972, dân làng lập ở đây một miếu thờ Sơn thần bằng gỗ, lợp rạ, nay đã được xây bằng gạch kiên cố.

 

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng xóm Nha Làng cho biết: Không ai biết cây đã mấy trăm tuổi, nó tồn tại gắn bó với dân làng và trở thành vật gần gũi không thể thiếu của quê hương chúng tôi. Năm 2011 có một người đến lập bàn thờ xem bói, cúng bái tại gốc cây, nhưng chúng tôi đã báo cáo với chính quyền kiên quyết dẹp bỏ. Chúng tôi không muốn cây của làng bị lợi dụng vào việc mê tín dị đoan.

 

Người viết bài này thiết nghĩ, chúng ta đang có rất nhiều hoạt động bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, trong đó có sự ra đời của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Hội này đã vinh danh 300 cây là cây di sản để được bảo vệ tốt hơn. Nếu xét các tiêu chí để được công nhận cây di sản, thì cây Sui của Nha Làng, Linh Sơn rất có thể được công nhận nếu được các cơ quan của tỉnh quan tâm đề nghị.

 

                Tiêu chí Cây Di sản Việt Nam

Sau khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam (Vasne) đưa ra các tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam như sau:

A. Đối với cây tự nhiên

1) Cây sống trên 200 năm

2) Cao to hùng vĩ: -  Cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân; -  Cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, si thuộc chi Ficus.

3) Có hình dáng đặc sắc.

4) Đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử.