Đề nghị đưa hát then vào di sản văn hóa phi vật thể

14:47, 26/11/2012

Ngày 26/11, ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành hồ sơ lý lịch nghi lễ then (hát then) của dân tộc Tày để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo hồ sơ, nghi lễ then dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, then có nguồn gốc từ chữ “Tiên” có nơi gọi là “Sliên” là người của trời.

 

Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc… do những người làm nghề then thực hiện. Đây là những phong tục có từ lâu đời của dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang.

 

Vùng hát then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại 2 dòng then. Dòng then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng then thứ 2 là dòng then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ.

 

Về nội dung, then Tuyên Quang được chia làm 2 nhóm: Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và then lễ hội. Then kỳ yên có nội dung chủ yếu, cầu chúc, chữa bệnh. Lễ cầu yên được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu năm tùy thuộc vào từng nơi để thết đãi tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ. Còn then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ. Loại then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ: lễ cầu mùa, lễ vào nhà mới, cấp sắc, cầu mùa, lễ cốm.

 

Để bảo tồn và phổ biến hát then tỉnh Tuyên Quang đã đề ra các giải pháp như: thành lập các câu lạc bộ hát then để dạy cho thế hệ trẻ; dạy hát then trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, dân tộc nội trú, giúp trẻ em lĩnh hội và yêu thích âm nhạc dân gian của chính dân tộc mình; khuyến khích các nghệ nhân lưu giữ, ghi chép lại đầy đủ những khúc hát then; tôn vinh và có chính sách thỏa đáng về kinh phí đối với các nghệ nhân. Xây dựng đề án làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các nghi lễ then tại các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang.