Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Và tại phiên biểu quyết thông qua Luật Thủ đô chiều 21-11, 385/468 đại biểu đã đồng ý với việc chọn biểu tượng này. Toàn văn Luật Thủ đô cũng đã được 377/466 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, chiếm 75,7%.
Về biểu tượng của thủ đô quy định tại điều 6, theo báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, bên cạnh đa số kiến tán thành biểu tượng Khuê Văn Các, có ý kiến đề nghị cân nhắc làm rõ hơn tiêu chí lựa chọn và cần tổ chức cuộc thi để lựa chọn biểu tượng; xem xét có thể lựa chọn Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội… làm biểu tượng của Thủ đô. Có ý kiến đề nghị giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định.
Theo ông Phan Trung Lý, việc xác định biểu tượng của Thủ đô phải được cân nhắc, lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố, tiêu chí khác nhau, gắn chặt với lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển của Thủ đô. Một số hình ảnh khác cũng rất gắn với Thủ đô Hà Nội, như Tháp Rùa - Hồ Gươm, Chùa Một cột, Cột cờ Hà Nội, sông Hồng, núi Tản Viên…
Tuy nhiên, sau khi xem xét các lần bình chọn, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chọn Khuê Văn Các, công trình văn hóa - lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, vừa thể hiện được truyền thống hiếu học của người Việt Nam, vừa thể hiện được nền văn hiến lâu đời của nước ta, vừa bảo đảm tính thẩm mĩ và trang trọng làm biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội.
Hình ảnh Khuê Văn Các cũng đã được thành phố Hà Nội sử dụng làm biểu tượng Thủ đô trong nhiều năm qua và được nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế công nhận và trân trọng.
Theo kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, cũng đã có 307/363 đại biểu tán thành với quy định này.