Tối 4/11, tại T.P Lạng Sơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh có các dân tộc đang lưu giữ nghệ thuật hát then, đàn tính như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Đắk Nông tổ chức Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ 4 năm 2012.
Năm nay, Liên hoan hát Then, đàn Tính lần thứ 4 được tổ chức là dịp để tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Qua đó, cơ quan chức năng từng bước chuẩn bị tiến tới lập Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát Then, đàn Tính là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đêm khai mạc Liên hoan thực sự là một ngày hội giới thiệu, quảng bá các làn điệu Then tiêu biểu. 300 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của 10 tỉnh đã mang tới cho công chúng "bữa tiệc" phong phú, đa dạng, từ các làn điệu Then cổ trích trong các nghi lễ Then, đến các tiết mục văn nghệ mới sáng tác dựa trên các làn điệu then, của các vùng Then, múa Then, tấu đàn Then.
Với đồng bào các dân tộc Tày Nùng Thái, Then nghĩa là thiên, thiên nghĩa là trời, hát Then là điệu hát của thần tiên truyền lại, được truyền tụng trong dân gian, trở thành sản phẩm văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái và có sức lan tỏa trong đời sống lao động của người dân với các loại hình Then: Cầu mong, Chúc tụng, Trung lễ, Đại lễ Cấp sắc.
Người làm Then là người thực hiện các nghi lễ thời cúng, truyền tải những thông điệp trần gian tới thần linh thông qua việc đàn và hát. Thầy Then là những người hát hay, đàn giỏi, lịch lãm, am hiểu truyền thống văn hóa dân tộc, có lòng nhân ái, luôn giữ phẩm chất lấy việc cứu người làm trọng.
Khi hành lễ, ngoài yếu tố tâm linh, thầy Then thể hiện sự cuốn hút của diễn xướng then bởi nghệ thuật hát hay, đàn ngọt, múa dẻo. Họ tạo ra 3 thành tố nghệ thuật trong các lễ then, đó là nghệ thuật tạo hình; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật ngữ văn dân gian thu hút người nghe, người xem ở cả hai phần chính: nghi lễ và phần hội.