Tuổi 70 của “Dế mèn phiêu lưu ký”

17:15, 21/11/2012

Không giấu niềm vui, nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt đẹp lão, nhà văn Tô Hoài liên tục cảm ơn thịnh tình của bạn đọc, những người yêu mến Dế mèn, Dế trũi qua bằng ấy năm ròng.

Cả cha đẻ, nhà văn Tô Hoài, các nhà văn nhà thơ nhiều lứa tuổi và nhất là, rất đông độc giả tí hon đã tới chung vui trong buổi lễ ấm cúng, do Hội nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sáng 20/10, kỷ niệm 70 năm ngày ra mắt thiên truyện đồng thoại được yêu thích bậc nhất ở Việt Nam: “Dế mèn phiêu lưu ký”...

 

Khỏi phải nói, nhà văn Tô Hoài đã phấn chấn khấp khởi thế nào. Ngoài 90 tuổi, giọng nói không còn tròn vành rõ chữ, bước chân đi cũng run hơn mọi lần, nhưng ông vẫn nhớ như in từng chi tiết, sự kiện trong chuyến phiêu lưu dằng dặc dài của Dế mèn suốt 70 thập kỷ qua.

 

Năm 1941, vừa sang tuổi 21, Nhà văn Tô Hoài viết truyện “Con dế mèn” cho tủ sách Truyền bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Năm 1942, ông hoàn thành nốt phần 2 “Dế mèn phiêu lưu ký”, và bắt đầu hành trình số phận của một nhân vật văn học có sức sống lâu bền. Tạo nên một “hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lý tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp” như lời bình trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 2, Dế mèn, Dế trũi cùng bạn bè của các chú, đã trở thành người tâm giao gần gũi, thân thuộc của thanh thiếu niên các thế hệ.

 

Nhà giáo Vũ Nho tha thiết: “Không biết có tác phẩm văn học nào khi mới ra đời đã nổi tiếng và sau đó, gần như luôn đồng hành với các thế hệ học sinh trong nhà trường như Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài không? Không biết trước đó các bậc cha chú của tôi có thích chú Dế mèn không, nhưng trong ký ức của tôi, cuộc đấu võ giữa Dế mèn và Bọ muỗm, của Dế mèn với Bọ ngựa là một cuộc đấu võ tuyệt vời”.

 

Năm 1960, “Dế mèn phiêu lưu ký” được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Từ đó, hàng triệu bản sách gồm cả truyện tranh, truyện có minh họa đã nối nhau chào đời, liên tiếp tạo nên những kỷ lục khó bề xô đổ. Bởi vậy, ở hội trường đọng dấu vết thời gian của Hội nhà văn Hà Nội trên phố cổ Hàng Buồm, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã trưng bày 14 bản minh họa khổ lớn rút tỉa từ các ấn bản sách đã phát hành, do những họa sỹ nổi tiếng các thời kỳ thể hiện: Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long… 70 năm, không chỉ bó gọn trong lãnh thổ quốc gia, “Dế mèn phiêu lưu ký” còn được cấp visa đi khắp năm châu bốn biển, bằng các bản dịch ra hầu khắp các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc…

 

Ngay trong những ngày đánh Mỹ, Dế mèn đã như một đại sứ thiện chí được chào đón nhiệt tình ở nhiều nơi, để giới thiệu về đất nước Việt Nam trẻ trung hồn hậu, yêu chuộng hòa bình và muốn làm bạn với cả thế giới. Hiện tại, nhà văn Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng tiết lộ, “Dế mèn phiêu lưu ký” đã hoàn tất quá trình thương thảo, để chuẩn bị dịch và phát hành ở Hàn Quốc, theo lời đề nghị từ nước bạn.


Không giấu niềm vui, nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt đẹp lão, nhà văn Tô Hoài liên tục cảm ơn thịnh tình của bạn đọc, những người yêu mến Dế mèn, Dế trũi qua bằng ấy năm ròng. Ông cũng nhấn mạnh về một thế giới đại đồng, không có chiến tranh, chỉ tràn đầy tình yêu mà những người bạn Dế coi như lý tưởng để chung tay xây đắp.

 

Sinh năm 1920 tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, là chứng nhân của hầu hết các sự kiện lịch sử suốt thế kỷ XX, cả sự chuyển mình của đất nước trong những năm đầu thế kỷ XXI, ngoài tuổi 90, đại thượng thọ, Nhà văn Tô Hoài vẫn giữ vẹn nguyên khí chất của một người Hà Nội thanh lịch hào hoa, tinh tế và hóm hỉnh. Ông viết đều đặn hàng ngày, coi công việc viết văn là bài thể dục tinh vi cho trí não và sức khỏe đang ngày một hao gầy.

 

Cùng dịp chào mừng 7 thập niên góp mặt trong thế giới văn chương của “Dế mèn phiêu lưu ký”, Nhà Xuất bản Kim Đồng còn giới thiệu tiếp hai tác phẩm mới ấn hành của nhà văn Tô Hoài, được in đẹp kèm những minh họa dễ thương: Nói về cái đầu tôi và Chú bồ nông ở Sa Mác Can. Bất chấp sự xâm lấn của các phương tiện nghe nhìn khác, sách của Tô Hoài luôn là lựa chọn hàng đầu của trẻ em khi tìm đến văn hóa đọc.

 

Lý giải sự quyến rũ mê hoặc mà những nhân vật đồng thoại của Tô Hoài đã tác động tới độc giả trẻ thơ, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ: “Hãy quan sát thế giới nghệ thuật của ông: Toàn những nhân vật quen thuộc sinh sống quanh ta. Người cũng vậy, con vật cũng thế, con chó, con mèo, còn gà, con vịt, con chuột, con dế, con kiến, con cóc, con nhái, ai mà chẳng thấy trong sân trong nhà. Vậy mà con mắt tinh quái của Tô Hoài đã phát hiện ra bao nhiêu chuyện ngộ nghĩnh lạ lùng. Tôi gọi ông là nhà văn của chuyện lạ đời thường là như thế”.