Chiêng Tha, báu vật của người Brâu

10:56, 21/12/2012

Người Brâu (một trong 6 dân tộc ít người nhất) đang sinh sống ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Trong những vật dụng của người Brâu, chiêng Tha được xem là Báu vật linh thiêng, là biểu tượng tinh thần của họ.  

Chiêng tha của người Brâu chỉ có hai chiếc, Chiêng Jơliêng (chiêng Chồng), có kích thước lớn và dày; ngược lại Chiêng Chuar (chiêng vợ) nhỏ và mỏng hơn một chút. Tuy được gọi là chiêng nhưng cả hai đều không có núm (chiêng bằng). Khi diễn tấu chiêng Tha, người Brâu thường bảo “mời Tha nói”, chứ không bao giờ họ dùng từ “đánh chiêng Tha”. Tương tự, khi trong làng có lễ trọng, người Brâu mới tổ chức “mời” Tha về. Khi mời Tha về, già làng hoặc người được cả làng tôn trọng nhất sẽ đứng ra đảm nhiệm vai trò chủ lễ mời Tha. Lễ “mời Tha” to hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của làng, nhưng ít nhất cũng phải là một ché rượu và một con gà.

 

Khi diễn tấu, chiêng Tha được treo lên giá, cách sàn diễn chừng 15 đến 20 cm. Cách diễn tấu chiêng Tha được coi là độc nhất vô nhị so với các loại cồng chiêng khác ở Tây Nguyên. Người Brâu gọi dùi đánh chiêng Jơliêng (chồng) là dùi đực, dùi đánh chiêng Chuar (vợ) là dùi cái. Người đánh dùi cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi đực thúc dùi vào lòng chiêng. Họ ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng, bàn chân nâng áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm sắc cho chiêng. Khi diễn tấu bao giờ chiêng vợ cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu rồi chiêng chồng mới tham gia. Chiêng Tha nổi lên một, hai bài thì các chiêng khác mới được vào cuộc; chiêng Tha chỉ tham gia phần lễ đơn thuần chứ không tham gia vào phần hội. Chiêng Tha tham gia vào các lễ như Lễ hội mừng chiến thắng, lễ đón khách... không tham gia vào lễ bỏ mả.

 

Theo quan niệm của người Brâu, khi chiêng Tha cất lên một tiếng có thể vang vọng lảnh lót thành ba đến bốn tiếng. Mỗi tiếng chiêng Tha phát lên sẽ được các vị thần sông, thần suối chứng giám mang lại điều tốt lành đến cho bàcon dân làng, thóc lúa đầy bồ, xua đuổi mọi bệnh tật và cái đói.

 

Ngày nay, cùng với cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, chiêng Tha của người Brâu đang được mọi người biết đến thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế. Đây là những nỗ lực vượt bậc của những người làm công tác văn hóa ở Kon Tum.