Gìn giữ nét đặc sắc của văn hóa Việt

16:44, 22/12/2012

Trong đời sống tinh thần của người Việt, từ bao đời nay, lễ hội có vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Bởi thế việc xây dựng Công trình phục vụ Lễ hội chùa Hang, trùng tu quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Chùa Hang (Đồng Hỷ) đã thu hút được sự quan tâm, đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần của rất nhiều tổ chức, cá nhân, Phật tử trong và ngoài địa phương. Từ những nguồn xã hội hóa ấy, công trình kiến trúc văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc này đã hoàn thành được những hạng mục đầu tiên và hứa hẹn trở thành một địa điểm sinh hoạt tâm linh du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Huyền thoại kể rằng: Nơi đây xa xưa thường có các vị tiên xuống trần du ngoạn, đánh cờ trên đỉnh núi Huyền Vũ và tắm mát tại giếng Mắt Rồng bên cạnh hang. Phong cảnh nơi đây thơ mộng như chốn bồng lai nên còn được gọi là “Tiên Lữ Động”. Đến thời Lý, Nguyên Phi Ỷ Lan trong một chuyến kinh lý Thái Nguyên, qua nơi này thấy phong cảnh hữu tình bèn cho lấy động làm Chùa và đặt tên là “Kim Sơn Tự”. Với những giá trị lịch sử văn hóa đó, ngày 26-2-1999, Chùa Hang chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa, Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia và ngày 27/6/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết công trình phục vụ Lễ hội Chùa Hang và xây dựng, trùng tu Di tích này với tổng diện tích là 8,2ha, kinh phí xây dựng dự kiến là 350 tỷ đồng (nguồn vốn công đức xã hội hóa). Công trình sẽ hoàn thành trong khoảng 10 năm và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng ngày 5/12/2011, dự kiến xây trong vòng từ 3-5 năm gồm 5 tiểu mục là: Chính điện Tam bảo, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà thờ tổ và Tam quan nội.

 

Nói về những thuận lợi khi tiến hành xây dựng giai đoạn 1 của công trình phục vụ Lễ hội Chùa Hang, Đại đức Thích Nguyên Thanh, trụ trì ngôi Chùa cho biết: Thuận lợi lớn nhất chính là sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp, bà con nhân dân, Phật tử trong và ngoài địa phương. Quá trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích, nhà Chùa đã phối hợp với chính quyền địa phương phát huy tốt công tác xã hội hóa, khơi dậy được các nguồn lực trong nhân dân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động. Trong quá trình xây dựng, những cá nhân, tập thể có điều kiện kinh tế thì công đức, đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật, với những người khó khăn thì đóng góp bằng sức người, ngày công lao động…điều này đã tạo được mối đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn các giá trị Di sản Văn hóa chùa Hang. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế thị trường đang gặp nhiều khó khăn nhưng với những điều kiện thuận lợi trên, sau 1 năm triển khai thực hiện giai đoạn 1, nhà Chùa đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc, đảm bảo chất lượng tốt. Các hạng mục đã hoàn thành gồm Lầu Chuông, Lầu Trống và cơ bản làm xong phần mộc của Chính điện Tam bảo (hạng mục quan trọng nhất của công trình). Lầu Chuông, Lầu Trống được thiết kế xây dựng trên diện tích 81m2/lầu, lầu có 2 tầng, 8 mái, khung lầu được làm bằng gỗ  với 4 cột cái và 24 cột quân. Đặc biệt, khi xây dựng xong Lầu Chuông, Lầu Trống thì Công ty cổ phần đầu tư & phát triển Yên Bình, có trụ sở tại xóm Quán Vã, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) đã công đức 1 quả chuông đồng nặng hơn 3 tấn; Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh công đức 1 quả trống Sấm có đường kính 1,2m, chiều cao 1,5m, góp phần hoàn thiện 2 hạng mục trên. Do toàn bộ Công trình này được xây dựng từ nguồn quỹ xã hội hóa nên những đóng góp của các tổ chức, cá nhân, Phật tử có ý nghĩa rất quan trọng. Đến thời điểm này, bên cạnh việc công đức tiền, các tổ chức, cá nhân còn đăng ký cung tiến vào chùa rất nhiều tượng phật, chiếm khoảng 60% số tượng cần đưa vào sử dụng khi chùa hoàn thành.

 

Giữa công trường xây dựng, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương nhưng hết sức cẩn thận, tỉ mỉ của hàng trăm nhân công chiêm ngưỡng các hạng mục đã hoàn thành, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi những đường nét nghệ thuật tinh xảo mang vẻ đẹp độc đáo được trạm nổi trên đá, trên gỗ thông qua óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Đến Chính điện Tam Bảo, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự uy nghi, bề thế của ngôi chùa khi được biết Chính điện này có diện tích trên 520m2 và cần phải sử dụng hơn 300m3 gỗ để hoàn thành phần khung.

 

Cùng với những nghệ nhân điêu khắc và thợ lành nghề đang làm việc ở công trình còn có rất nhiều phật tử đến từ Hội Phật giáo các xã, thị trấn trong và ngoài huyện cũng đang làm những công việc như dọn dẹp, chuyển vật liệu, dùng giấy ráp đánh nhẵn mặt các khối gỗ… để góp sức xây chùa. Qua trò chuyện với những người có mặt ở đây chúng tôi được biết từ khi khởi công xây dựng Chùa đến nay, hàng ngày có rất nhiều Phật tử tự nguyện đến làm việc. Bà Lê Thị Thanh, ở Hội Phật giáo thị trấn Sông Cầu cũng có mặt tại công trình cho biết: Hàng ngày tôi đến đây để cùng các Phật tử phụ giúp nhà chùa những công việc phù hợp với sức khỏe. Được đóng góp một phần công sức của mình vào việc xây chùa tôi cảm thấy lòng mình rất nhẹ nhõm. Hy vọng, mọi người sớm được ngắm nhìn vẻ đẹp của ngôi chùa hoàn chỉnh.

 

Có thể thấy việc làm tốt công tác xã hội hóa và sử dụng đúng mục đích các nguồn tài chính của Di tích để xây dựng công trình phục vụ lễ hội Chùa Hang và trùng tu quần thể Di tích-Lịch sử-Văn hóa Chùa Hang không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Đồng Hỷ nói riêng và tỉnh ta nói chung.