Gò Tháp: Di tích Quốc gia đặc biệt

09:56, 27/12/2012

Khu di tích (KDT) Gò Tháp nằm trên địa bàn ấp 1, xã Tân Kiều và ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Gò Tháp gồm nhiều gò nhỏ, thấp nằm trên một giồng đất pha cát, ở trung tâm khu vực Đồng Tháp Mười, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái rừng tràm phát triển mạnh. Đặc biệt, nơi đây chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hóa của dân tộc và nhân loại, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của du khách thập phương.

Chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa

 

KDT Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ 19 do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện. Về sau, nhiều nhà khảo cổ học phát hiện nhiều dấu tích di vật, hiện vật cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo, đồng thời tìm ra được 3 loại hình di tích quan trọng là di tích cư trú với các di vật như: bếp lửa, những mảnh nồi, thanh củi cháy dở, cọc nhà sàn...

 

Di tích mộ táng được phát hiện ở các gò cát, qua nhiều đợt khai quật đã phát hiện 13 mộ táng, thu được trên 1.000 hiện vật, tùy táng chôn theo như: mảnh vàng có chạm khắc hoa văn, đá quí, đầu tượng, đồ gốm, nhẫn vàng,... Di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Gò Minh Sư, Gò Tháp Mười, Miếu bà Chúa Xứ, Chùa Tháp Linh... Hầu hết di tích kiến trúc tìm thấy nằm sâu trong lòng đất, được xây dựng công phu có tường thành bao bọc xung quanh để chống sự xâm thực của gió và nước, kiến trúc xây dựng ở trình độ cao.

 

Di vật, hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Siva bằng đá sa thạch, cột đá có chốt, các phiến đá có chạm khắc hoa văn và minh văn. Với kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm cho thấy cư dân cổ Gò Tháp về đây định cư khi biển vừa mới rút. Họ có nền văn minh khá cao.

 

Ngoài giá trị về khoa học khảo cổ học, KDT Gò Tháp còn chứa đựng giá trị lịch sử cách mạng. Nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp (1864 - 1886).

 

Từ năm 1946 - 1948, Gò Tháp là căn cứ địa của Xứ Ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, Khu ủy khu 8, nơi đây từng in dấu chân hoạt động cách mạng của cán bộ cao cấp của Đảng ủy như đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Bình, Nguyễn Thị Thập,... Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 502 anh hùng đã đánh sập Viễn vọng đài cao 42m do chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng để quan sát khống chế các hoạt động của quân giải phóng vào tháng 12/1959.

 

KDT Gò Tháp còn là một điểm danh lam thắng cảnh của vùng sinh thái ngập nước. Nơi đây môi trường sinh thái còn mang nhiều dấu vết hoang dã đã và đang bảo tồn được các thảm thực vật, động vật như: tràm, sen, sậy, năng, lúa trời, trăn, rắn, các loài chim cá,... Gò Tháp còn là một điểm chứa đựng các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng lâu đời.

 

Nơi đây có Chùa Tháp Linh, Miếu bà Chúa Xứ, đền thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, mộ Hoàng Cô - theo truyền thuyết dân gian cho rằng đây là em gái Vua Gia Long (Nguyễn Phúc Hồng Nga) trong thời kỳ chạy loạn về đây ẩn mình và mất tại nơi này.

 

Nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng

 

Hàng năm, ở KDT Gò Tháp có hai kỳ lễ hội: rằm tháng 3 tưởng niệm bà Chúa Xứ, được nhân dân tôn thờ là người có công khai phá, tạo dựng, cai quản vùng đất này; rằm tháng 11 tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều - người có công đánh giặc cứu nước, cứu dân thời kỳ đầu chống thực dân Pháp.

 

Lễ hội Gò Tháp mỗi kỳ diễn ra hai ngày từ chiều 14 đến rạng ngày 16 âm lịch. Cũng như các lễ hội khác, lễ hội Gò Tháp có hai phần: Phần lễ thức và phần hội hè. Ở phần lễ thức: ngoài lễ cúng chính bà Chúa Xứ, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, Ban tế lễ còn tổ chức các lễ phụ như: lễ Cầu an, lễ Cúng thần nông, lễ Thỉnh sanh.

 

Ở phần hội hè, Lễ hội Gò Tháp là dịp cho mọi người tìm đến với nhau trong khoảng khắc cộng cảm chung là tấm lòng hướng thiện. Tại đây khách thập phương sinh hoạt hội hè như múa hát, chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu tình cảm,... để cho mỗi con người gần gũi nhau hơn, đây cũng là dịp phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian do nhân dân sáng tạo.

 

Lễ hội Gò Tháp là hoạt động sinh hoạt văn hóa tổng hợp bao gồm: tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, thiêng liêng và đời thường. Đến với lễ hội Gò Tháp người ta sẽ bắt gặp một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính xã hội cao. Mỗi người đến đây cùng hòa quyện với thiên nhiên, tiền nhân bằng tâm linh, với người quen, người lạ để tìm sự cộng cảm của tấm lòng hướng thiện, cầu nguyện cho mình những điều tốt đẹp.

 

So với các lễ hội trong tỉnh, lễ hội Gò Tháp có qui mô tổ chức lớn nhất, mỗi kỳ lễ hội thu hút trên 100 ngàn lượt khách từ mọi miền hành hương về. Vào những ngày chính của lễ hội, trên bộ, dưới sông, xuồng, ghe, xe cộ tấp nập, từng đoàn người nối tiếp nhau đổ về trung tâm lễ hội, làm cho cả khu Gò nổi trên 4km2 đông nghẹt người với muôn màu, muôn sắc.

 

Việc từ thiện của khách thập phương đã góp phần làm cho lễ hội tăng thêm ý nghĩa. Hàng trăm tấn gạo, hàng chục tấn rau, quả, hàng trăm người tự nguyện nấu nướng, phục vụ vui vẻ đầy trách nhiệm cho hàng chục ngàn người ăn uống suốt ngày. Đây là nét đẹp, là tấm lòng bác ái của người dân địa phương đối với du khách hành hương về đây.

 

Gò Tháp được xem là tâm điểm của vùng Đồng Tháp Mười, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. KDT Gò Tháp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử phong phú. Với ý nghĩa ấy, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định KDT Gò Tháp là di tích Quốc gia đặc biệt.