Văn hoá nghệ thuật năm 2012: Lắng nghe những nốt trầm

16:28, 29/12/2012

Năm 2012 có vẻ là một năm quá ồn ào đối với đời sống văn hóa nghệ thuật giải trí. Dường như trên các phương tiện truyền thông đại chúng mỗi ngày, người ta chỉ còn thấy đời sống văn hóa là những scandal của giới nghệ sĩ biểu diễn: nào là trang phục “xuyên thấu”, hở hang, nào là hành động phản cảm, nào là phát ngôn gây sốc…  

Đời sống văn hóa đôi khi có cảm giác như chỉ bám quanh màn ảnh nhỏ mỗi ngày, khi mọi vui buồn, thất vọng hay hy vọng đều từ những chương trình truyền hình: các cuộc thi nhan sắc, thi tài năng ca hát, biểu diễn thời trang như Vietnam Idol, Vietnam Next top, Bài hát Việt… Dù góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đại chúng, nhưng ít nhiều cũng tạo ra những giá trị ảo.

 

Tổng kết năm qua việc bình bầu những sự kiện- hoạt động văn hóa nghệ thuật tiêu biểu trong năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lại càng có vẻ ồn ào hơn nữa. Để nhìn lại một năm hoạt động, ngành văn hóa dường như luôn luôn lấy “thước đo” là những kỳ cuộc liên hoan hội diễn, những chương trình kỷ niệm, những tượng đài được khánh thành, những danh hiệu được tôn vinh.

 

Nhưng làm văn hóa không phải là làm những việc ồn ào. Một năm cũ qua đi, thời gian qua đi, điều gì sẽ còn lại? Điều gì thực sự sống trong lòng người dân và có ích cho đời sống xã hội?

 

Lặng thầm, khiêm nhường và có lẽ cũng đôi chút lạc lõng với vẻ ngoài sôi động phù phiếm, đó là những chương trình, sự kiện, hoạt động… hoặc đơn giản chỉ là những việc làm nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa thiết thực cho đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

 

Không được quảng bá rầm rộ, không có kinh phí từ ngân sách, cũng không dồi dào tài trợ, có thể nói là khó khăn, nhưng thật đáng mừng là năm 2012, những chương trình, hoạt động như vậy đã bền bỉ thắp lên tín hiệu vui.

 

Đầu tiên, trong lĩnh vực âm nhạc, có thể nói 2012 là năm đánh dấu khởi đầu cho một giai đoạn mới: giai đoạn qua đi của những xô bồ xốc nổi của âm nhạc thị trường và dần khẳng định trở lại những giá trị âm nhạc đích thực. Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam với chương trình biểu diễn hàng tháng ở Nhà hát Lớn TP Hà Nội, lặng thầm ít ai biết, ít báo chí đưa tin, không quảng cáo rầm rộ, nhưng vẫn đều đặn duy trì và điều đáng mừng là đã dần dần bán được vé. Các buổi hòa nhạc nằm trong chuỗi chương trình tác giả như Mahler, Mozart, Brahms, Beethoven… thực sự là cơ hội hiếm cho công chúng Việt Nam tiếp cận trở lại những tinh hoa của âm nhạc cổ điển mà gần như một thời gian đã bị lãng quên. Công chúng Việt Nam sau nhiều năm “bội thực” với các chương trình nhạc nhẹ ồn ào, đã lắng lại và tìm đến với âm nhạc cổ điển như một thứ “khoa học cơ bản” cần thiết cho nền tảng của đời sống.

 

Đặc biệt, sự chú tâm đưa trở lại cho âm nhạc hàn lâm cái vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần xã hội còn được thực hiện một cách bài bản hơn. Đó là Cuộc thi piano Quốc tế Hà Nội lần thứ hai, lần đầu tiên có một đêm diễn vinh danh tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội. Mặc dù cũng diễn ra khá lặng lẽ và chủ yếu là chỉ người trong giới nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc cổ điển và học viên các Học viện âm nhạc “biết với nhau”, nhưng cuộc thi này là một nỗ lực lớn lao của những người tổ chức. NSND Đặng Thái Sơn cho rằng, với việc đăng cai những cuộc thi như vậy, Việt Nam mới có cơ hội “nhìn ra thế giới” và nhìn lại bản thân mình, để biết mình đang ở đâu trên bản đồ âm nhạc thế giới. Biết để có một chiến lược đầu tư bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn.

 

Cũng không thể ồn ào rầm rộ, nhưng hai đêm diễn vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - vở opera đầu tiên, đồ sộ và đặc sắc nhất của âm nhạc Việt Nam lại đánh dấu một sự kiện âm nhạc đáng nhớ nhất không chỉ của năm nay. Bởi sau 36 năm kể từ ngày được công diễn lần đầu, vở nhạc kịch hiếm hoi “made in Vietnam” này mới có dịp trở lại. Đó cũng là một hành trình dài đầy khó khăn và nỗ lực. 36 năm- đó cũng đánh dấu một chặng đường gần như âm nhạc đỉnh cao bị lãng quên. Sự kiện này, cùng với những đêm nhạc “tử tế” như chương trình của các tác giả Hoàng Dương, Dương Thụ, Trần Tiến, hay của các ca sĩ như Mỹ Linh, Tùng Dương được thực hiện trong năm nay cũng mở ra con đường trở lại cho những giá trị âm nhạc tưởng như đã quên lãng khác.

 

Một lĩnh vực lặng thầm hơn, đến nỗi kể cả mất mát cũng lặng thầm: đó là di sản. Năm 2012 ghi nhận nỗ lực của các nhà quản lý văn hóa Việt Nam khi tiếp tục bỏ công sức, tiền của để chạy đua trên con đường tìm kiếm danh hiệu. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được tôn vinh Di sản ký ức nhân loại và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thế giới. Sự kiện này ghi dấu Việt Nam trên bản đồ Di sản thế giới với 15 di sản văn hoá được công nhận.

 

Nhưng niềm vui đi cùng nỗi lo. Bởi đối với di sản cha ông để lại, sự ồn ào với những danh hiệu thôi không đủ. Thực tế là đã có những di sản sau khi được vinh danh thì sự mất mát, mai một giá trị nguyên bản lại đặt ra nhiều nguy cơ hơn. Điều quan trọng không phải là danh hiệu, mà là làm thế nào để những di sản - trầm tích của văn hóa của nghìn đời ấy được gìn giữ, nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng. Việc này, cần phải ghi nhận những nỗ lực hết sức lặng thầm khác: những cá nhân, tổ chức, cộng đồng nhân dân đã ra sức vực dậy, làm sống lại và bảo vệ những di sản văn hóa đó.

 

Tại những câu lạc bộ ca trù ở Thôn Chanh (Phú Xuyên- Hà Nội), ở Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ở Lỗ Khê… người nắm giữ vốn liếng của dân tộc lại là những người nông dân giản dị một nắng hai sương ngoài đồng. Họ chẳng biết nhiều đến UNESCO, cũng vốn xa lạ với sân khấu liên hoan, hội diễn. Hay ngay tại thủ đô Hà Nội, những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc vẫn miệt mài tổ chức các buổi diễn mỗi đêm thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại vài điểm diễn nơi phố cổ mà khách nghe hằng đêm chỉ dăm ba người. Không chỉ có tình yêu, họ còn trả giá bởi muôn vàn khó khăn khi phải xoay đủ mọi cách để vượt qua khó khăn giữ cho di sản dân tộc được sống mãi.

 

Trong một năm mà quá ít những dự án nghệ thuật cộng đồng thực sự có tác động đến đời sống của công chúng, thì có lẽ sự tiếp tục một cách bài bản và “có thương hiệu” của LUALA Concert- chương trình đưa âm nhạc đỉnh cao xuống phố có lẽ là hết sức cần thiết một tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ. Thực tế thì không chỉ có các nhà hoạt động văn hóa, giới chuyên môn và truyền thông, mà công chúng cũng đã nhiệt tình hưởng ứng chương trình này như một lẽ tự nhiên. Đời sống văn hóa luôn cần những việc làm thiết thực và hữu ích như vậy.

 

Một công việc lặng thầm khác cần được vinh danh, đó là việc làm ra những cuốn sách giá trị trong điều kiện một năm hết sức khó khăn cho các nhà xuất bản. Khi kinh tế suy thoái, người dân phải cắt giảm chi tiêu thì chi phí mua sách là mục đầu tiên trong danh sách, đặc biệt trong tình trạng đọc sách cũng chưa phải là thói quen của số đông công chúng. Nhưng các NXB Tri thức, Thời Đại, NXB Trẻ, Kim Đồng, một số đơn vị tư nhân như Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông – Tây, Công ty Nhã Nam, Alphabook… vẫn rất “kiên định” trong việc tìm kiếm những đầu sách bổ ích, giá trị để mang đến cho bạn đọc Việt Nam. Công việc đó không phải vì lợi nhuận trước mắt hoặc lợi nhuận tính bằng tiền.

 

Dẫu những cuốn sách như bộ tiểu thuyết đồ sộ “Nông dân” của văn hào Ba Lan Wladyslaw Reymont (1867-1925)- giải Nobel Văn học năm 1924, hay cuốn sách ở thể loại “phi hư cấu” như “Đối thoại với Thượng Đế” của Neal Donald Walsch có “chìm nghỉm” trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì việc nỗ lực để có bản tiếng Việt cho công chúng Việt của những nhà làm sách càng cần được vinh danh.

 

Còn nhiều những việc nhọc nhằn thầm lặng khác khó có thể kể hết được, như những nốt trầm trong một bản hợp âm nhiều bè nổi, có lẽ cần nhiều hơn sự lắng nghe và đồng cảm, để đời sống văn hoá nghệ thuật bớt đi những ồn ào phù phiếm mà có những việc làm hữu ích hơn giúp công chúng trên con đường tìm kiếm những giá trị đích thực.