Dịch giả Bích Lan ra mắt tự truyện

14:46, 07/01/2013

Dịch giả Bích Lan, một trong 8 phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh, vừa cho ra mắt cuốn tự truyện của cuộc đời chị với tên gọi “Không gục ngã”.

Tự truyện “Không gục ngã” đã tái hiện sinh động những ngày tháng chị cùng cả gia đình vượt qua căn bệnh hiểm nghèo - bệnh loạn dưỡng cơ đã biến chị từ một cô gái khỏe mạnh chỉ còn da bọc xương. Cuốn sách của Bích Lan ra đời với niềm hy vọng như chính cô chia sẻ: “Không gục ngã” là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”.

 

Năm 13 tuổi, khi bị bệnh loạn dưỡng cơ, từ một cô bé mạnh khỏe bình thường, Bích Lan sụt ký chỉ còn da bọc xương, đến chén cơm cũng khó nâng nổi. Việc học phải dừng lại dang dở vì bệnh tật, triền miên mỏi mệt đau yếu, sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Biến cố trong cuộc đời tưởng chừng như sẽ lấy đi sức mạnh và niềm hy vọng từ cô gái nhỏ. Thế nhưng, Bích Lan không cho phép mình tuyệt vọng, chị đã nỗ lực ngồi dậy tự học để hoàn thiện chương trình trung học phổ thông. Và vượt lên số phận, Bích Lan đã nỗ lực tự học để trở thành một dịch giả tiếng Anh.

 

Đến với con đường dịch thuật, từ cuốn sách đầu tiên năm 2002, cho đến giờ, Bích Lan đã sở hữu 24 đầu sách dịch. Chị là tác giả của cuốn “Sống trong chờ đợi” và hơn hai chục đầu sách dịch khác như: “Tuyển tập truyện ngắn” (Rabindranath Tagore), “Rời bỏ thế giới” (Douglas Kennedy), “Tiếng nói của tình yêu” (Angela Young), “Triệu phú khu ổ chuột” (Vikas Swarup), “Người đàn ông đào hoa” (Naeem Murr), “Từ sông Nile tới sông Jordan” (Ada Aharoni)…

 

Năm 2010, chị vinh dự nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Triệu phú khu ổ chuột”, đồng thời trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày 20/10/2010, Bích Lan trở thành một trong 8 người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh tại phần trưng bày mới của bảo tàng.

 

Dịch giả Bích Lan hiện vẫn còn phải đương đầu với căn bệnh loạn dưỡng cơ và căn bệnh này đã biến chứng sang suy tim. Sức khỏe của chị yếu hơn nhiều so với người bình thường và cân nặng chỉ có 30 kg. Nhưng với sự hy vọng vào những tiến bộ của y học và ý chí mãnh liệt, cuộc sống của chị vẫn tràn đầy ánh sáng và màu sắc.