Giấy bản - nét văn hóa lâu đời của người Dao đỏ

10:39, 20/01/2013

Giấy bản là một vật phẩm mang nhiều sắc thái tâm linh không chỉ của người Dao mà của nhiều tộc người khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai bởi thường được dùng vào dịp cúng lễ, nhất là dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm.  

Đây là loại giấy độc đáo do chính bàn tay người Dao đỏ làm ra, có nguồn gốc từ rất lâu đời và công nghệ sản xuất được lưu giữ qua nhiều thế hệ như một nghề truyền thống.

 

"Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ mỗi lần đến Tết là mẹ tôi lại đi mua giấy về dán lên bàn thờ, gấp vàng hương và trang trí quanh nhà theo tục lệ của người dân tộc. Loại giấy đó rất đặc biệt, không trắng như giấy công nghiệp nhưng dai bền và thoang thoảng mùi thơm cây rừng," ông Bàn Văn Thanh, thôn Nậm Tha, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, Lào Cai tâm sự.

 

Không giống như giấy dó của người Kinh, người Dao đỏ ở Văn Bàn làm giấy bản từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Loại cây được sử dụng để làm giấy nhiều nhất là cây vầu hoặc rơm nếp sau mùa thu hoạch. Dụng cụ cơ bản là một cái khuôn tráng giấy làm bằng vải, có nhiều kích cỡ khác nhau (thường là 60cmx120cm), một nồi nấu chất liệu giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy...

 

Khi cây vầu cao chừng 3 mét, người ta chặt về, loại bỏ lá, cành rồi cắt thành từng đoạn ngắn đem luộc mềm. Vầu hoặc rơm đã luộc được ngâm với vôi và tro bếp khoảng mười ngày cho nhuyễn hẳn, rồi dùng cối để giã thành bột, khi đó sẽ được một loại dung dịch sóng sánh màu vàng xanh. Người Dao đỏ lấy dung dịch này tráng thật mỏng trên khuôn vải giống như tráng bánh cuốn, phơi khô rồi bóc ra là được tấm giấy bản đầu tiên. Việc làm giấy chủ yếu do người phụ nữ Dao đảm nhiệm.

 

Để có những tờ giấy bản vuông vắn, công đoạn cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, gấp vào, dùng thanh nứa mảnh rọc theo khổ 10x20cm hoặc 20x30cm, sau đó chạm hoa văn nổi bằng một dụng cụ kim loại.

 

Mỗi tờ giấy bản cầm lên mỏng tang, sắc vàng, độ xốp cao, dai mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và phảng phất hương thơm của cây rừng.

 

Được làm từ bàn tay khéo léo của người Dao đỏ, theo những bí quyết riêng, giấy bản là loại giấy tuy mỏng, nhưng dai và bền hơn giấy sản xuất công nghiệp. Nếu được bảo quản ở nơi khô ráo, giấy bản có thể để vài chục năm vẫn sử dụng tốt. Bởi thế, loại giấy này phổ biến và được ưa thích không chỉ trong cộng đồng người Dao.

 

Giấy bản thường được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của người Dao đỏ, như lễ Tết, cúng cầu mùa… Mỗi gia đình người Dao có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính để đánh dấu.

 

Cũng giống như người Kinh đốt vàng mã trong ngày lễ, người Dao đỏ cũng đốt giấy bản theo quan niệm tâm linh.

 

Ngoài ra, giấy bản còn được đóng thành quyển để viết chữ. Trong mỗi gia đình người Dao đỏ ở Văn Bàn nói riêng và Lào Cai nói chung đều lưu giữ một, hai cuốn sách chữ nho viết bằng mực màu trên giấy bản. Trải qua bao thế hệ, có cuốn bìa đã rách nát mà nét chữ vẫn không phai màu mực. Chính sự cẩn trọng, giữ gìn, và lòng thành kính khi sử dụng giấy bản đã cho thấy giá trị tôn nghiêm của loại giấy này trong đời sống văn hóa phong tục của người Dao đỏ.

 

Nghề làm giấy bản của người Dao ở Lào Cai tuy không phát triển thành một làng nghề truyền thống, nhưng đã lặng lẽ tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Dao đỏ ở đây.

 

Ngày nay, gia đình người Dao đỏ nào ở Lào Cai cũng biết cách làm và tự làm được giấy bản để sử dụng vì sản phẩm giấy đã đi vào đời sống tâm linh, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.