Hội Lim 2013: Tìm lại giá trị vốn có

09:58, 22/02/2013

Hội Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã khai hội vào ngày 21/2 (12 tháng Giêng). Một lễ hội với những thay đổi mang tính đột phá trong quản lý, tổ chức ít nhiều làm vừa lòng du khách gần xa. Đặt chân đến vùng đất Kinh bắc, những câu hát chan chứa tình người của liền anh, liền chị "Mỗi khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà, trà này ngon lắm người ơi, mỗi người một chén cho tôi vừa lòng"... như gọi, như mời. Mưa sụt sùi mấy ngày đến chiều qua bỗng nhiên tạnh hẳn. Làn điệu quan họ cũng vì thế mà thêm trong, thêm mượt, thêm nghĩa, thêm tình.

Năm nay, Ban tổ chức (BTC) lễ hội cho dựng bốn lán quan họ trên đồi Lim để liền anh, liền chị quan họ các làng đến hát "chay" (không dùng loa đài). Liền anh khăn đóng, áo cặp the hoa gấm, cầm ô lục soạn, liền chị xúng xính áo mớ bảy mớ ba, nón, quai thao cất tiếng "vang, rền, nền, nảy"... Du khách lắng lòng như thấy cả bầu thơ, bản nhạc của đất trời, của tình người rót vào tai, lâng lâng, xao xuyến. Tiếc rằng, nhiều người đi chơi hội nhiều hơn là thưởng thức quan họ cho nên tiếng nói chuyện, tiếng gọi nhau í ới, tiếng mặc cả mua bán hàng hóa đôi khi lấn át lời quan họ. Vào mùa lễ hội trước (Hội Lim năm 2011), các lán quan họ hát "chay" cũng đã được dựng lên ở đồi Lim, nhưng chỉ vài giờ sau khi khai hội, kế hoạch của BTC bị thất bại. Năm nay, hiện tượng này chưa tái diễn, đó là thành công bước đầu của những người quyết tâm tìm lại giá trị đích thực cho quan họ, cho hội Lim. Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch (xóm Trùng, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim) tâm sự : "Hơn nửa thế kỷ gắn bó với hội Lim, chứng kiến hội Lim, năm nay tôi mới thấy an lòng. Nếu hội Lim duy trì được những canh hát cổ, những lán hát chay, lớp trẻ sẽ dễ dàng nhận ra giá trị đích thực của di sản quan họ, từ đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy".

 

 

Ngày khai hội, quan họ dưới thuyền ở các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh… cũng đã nhộn nhịp. Một liền chị quan họ Lũng Giang vừa hát "Mời nước mời trầu", vừa ngả nón quai thao duyên dáng liền có người rút tiền thả vào nhưng liền chị này kiên quyết không nhận. Tiếng loa của BTC trên bờ thỉnh thoảng lại nhắc nhở "đề nghị liền anh, liền chị không lấy tiền của khách". Anh Nguyễn Văn Khánh, đến từ xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: Lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát Môn năm nào cũng mời đoàn quan họ về biểu diễn phục vụ du khách. Tôi hy vọng năm nay hát quan họ trên thuyền ở lễ hội Hai Bà Trưng cũng sẽ chấm dứt cảnh ngả nón xin tiền". Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Hànộimới, ở những nơi thành viên BTC lễ hội không túc trực cảnh "ngả nón xin tiền" thỉnh thoảng vẫn diễn ra.

 

Về "thủ đô" của di sản quan họ, nhiều người tìm đến nhà các nghệ nhân ở Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, Đình Cả, Lộ Bao… tham dự các canh hát cổ. Mặc dù các canh hát bắt đầu từ 22 giờ đêm cho tới gần sáng, nhưng các liền anh, liền chị đã tề tựu đông đủ ngay từ chiều. Cũng như mọi năm, canh hát tại nhà ông Đỗ Văn Chiến, một nghệ nhân hát quan họ ở xóm Trinh (thuộc thôn Lũng Giang, thị trấn Lim) là một trong những địa chỉ dành cho người sành quan họ. Canh hát có sự tham gia của những chị cả, chị hai, anh cả, anh hai thuộc ít nhất trên 150 câu hát, từng đoạt giải trong các cuộc thi quan họ. Anh cả Chiến nói: "Từ ngày không còn tiếng súng, chẳng năm nào nhà tôi không mở canh hát để liền anh, liền chị đối đáp". Trong số hàng chục người chờ tới canh hát ở nhà anh cả Chiến có ông Đặng Dũng, đến từ phố Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang). Theo ông Dũng, nghe các liền anh, liền chị biểu diễn ở nơi khác, vùng khác cùng lắm chỉ nghe được những làn điệu phổ biến như: "Ngồi tựa mạn thuyền", "Tương phùng, tương ngộ", "Mời nước mời trầu" bằng chất giọng bỉ, giọng vặt… Nghe canh quan họ tại nhà, du khách được nghe chị cả Sứ, anh hai Tùng ca bằng giọng lề, giọng lối với những câu hát khó như La rằng, Đường bạn, Ngõ thắm sen hồng, Đường trường Vĩ Thụy, Giã bạn… Để có thể chiều lòng khách phương xa, nhà ông cả Chiến, cả Biển… phải gác lại toàn bộ công việc đồng áng, trang hoàng cửa nhà, phục vụ nước uống cho các thượng khách. Đi hội Lim năm 2013 và chứng kiến cái tình, cái nghĩa của người quan họ với người mê quan họ, du khách phần nào hiểu được vì sao di sản quan họ có sức sống mãnh liệt đến thế, được nhiều người yêu mến đến thế.

 

Không thể phủ nhận sự chuyển biến tích cực của hội Lim năm nay, tuy nhiên du khách vẫn cảm thấy chạnh lòng khi phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc dư luận trong những mùa hội trước còn tái diễn. Các quầy hàng dịch vụ được BTC đưa sang khu Đồng Chuông - khu đất mới bên kia quả đồi để tránh ảnh hưởng đến các lán hát quan họ của liền anh, liền chị nhưng tiếng loa quảng cáo bán hàng, giới thiệu sản phẩm vẫn oang oang. Trò chơi điện tử, ném vòng, bắn súng ăn tiền vẫn diễn ra công khai. Người ăn xin chẳng ngại ngần, van vỉ du khách cho lộc đầu xuân. Dịch vụ gửi xe cũng tranh thủ những ngày đông khách mà "chặt chém" bỏ đầy túi tham…

 

Hy vọng BTC hội Lim năm 2013 sẽ kịp thời chấn chỉnh, nghiêm túc xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm như đã công bố trong các buổi họp báo trước mùa lễ hội, để hội Lim tìm lại được các giá trị tốt đẹp vốn có, để di sản quan họ thực sự được bảo tồn, nuôi dưỡng trong cộng đồng.

 

Như thường lệ, sáng nay (13 tháng Giêng), 4 làng thuộc xã Nội Duệ tập trung tại đình thôn Đình Cả tổ chức đoàn rước về lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim, sau đó dâng hương tại chùa Hồng Ân và các đình, đền, chùa khác ở Nội Duệ và thị trấn Lim. Lễ rước có quy mô lớn hơn mọi năm, với khoảng 800 người tham gia.