Xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 20 trong bối cảnh "đìu hiu" của sân khấu kịch phía bắc, lại phải cạnh tranh với sự bùng nổ của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác, kịch hình thể Việt Nam dù đã trải qua hơn mười năm phát triển vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức để đi tìm chỗ đứng trong lòng công chúng.
Trước hết, cần khách quan nhìn nhận, với việc phá cách, coi ngôn ngữ cơ thể là phương tiện chủ đạo để truyền tải nội dung thông điệp, kịch hình thể đã mang đến một luồng gió mới, trở thành nhánh rẽ song song tồn tại với dòng hài kịch và chính kịch trên bản đồ sân khấu đương đại Việt Nam. Kể từ sau thành công của vở "Giấc mơ hạnh phúc" (năm 2000) với Giải đặc biệt trong Liên hoan Kịch ngắn quốc tế tổ chức tại Trung Quốc, Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị tiên phong và duy nhất tính đến nay thể nghiệm loại hình kịch hình thể đã có "đà" để tiếp tục "trình làng" hàng loạt vở diễn ấn tượng như: Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, Vườn thiên đàng, Khúc ngẫu hứng từ cô bé bán diêm (do NSND Lê Hùng dàn dựng); Nhật nguyệt thực, Con bệnh bí hiểm, Biến vĩ tình yêu, Chuyện từ một ngã tư, Hamlet và gần đây nhất là Tâm linh Việt, Nguyễn Du với Kiều (do NSND Lan Hương dàn dựng). Tuy nhiên, sau chừng ấy năm với khoảng mười tác phẩm được công diễn, kịch hình thể vẫn chỉ dừng lại ở hai từ "thể nghiệm" bởi tới giờ cũng vẫn đang loay hoay đi tìm cách định nghĩa chính mình. Phải làm bật lên tính kịch nhưng không được mô phỏng như kịch câm, phải lấy ngôn ngữ cơ thể của diễn viên làm chất liệu chủ đạo nhưng không được quá bay bổng, trìu tượng như múa, đôi khi còn dung nạp thêm một số đoạn, lời thoại cần thiết cùng vũ đạo của ba-lét, rối, xiếc, múa đương đại..., chính tính đa dạng, phức hợp này đã biến kịch hình thể trở thành một người khách phương xa mà tới nay cũng chưa thể thật sự hòa nhập cảm thức của số đông công chúng Việt, dù hầu như ai cũng thấy lạ lẫm, tò mò trước hình thức trình diễn sân khấu mang nhiều tính đột phá mới mẻ này. NSND Lan Hương, một trong những người đầu tiên có công khai phá dòng kịch hình thể Việt Nam cho biết: Khi mang những vở kịch hình thể phục vụ miễn phí cho học sinh, sinh viên cả nước, đoàn diễn luôn nhận được sự hưởng ứng, yêu thích của các bạn trẻ, song từ hưởng ứng tới mua vé vào rạp xem vẫn là cả một hành trình tương đối gian nan. Với đặc tính kiệm lời, phát huy cao nhất khả năng cảm nhận, tưởng tượng của khán giả, kịch hình thể chủ yếu hướng tới phục vụ bộ phận công chúng trẻ có trình độ, tuy nhiên, phần nhiều nhóm đối tượng này lại chưa có đủ khả năng kinh tế để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của bản thân. Vì thế, con đường tìm kiếm khán giả của kịch hình thể vốn đã khó xem ra càng khó trăm bề. Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, từ sau khi Ðoàn Kịch hình thể được thành lập năm 2005, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động của Nhà hát vẫn không có gì thay đổi, và con số này vẫn được giữ nguyên cho tới thời điểm hiện tại. Vì thế, Ðoàn Kịch hình thể luôn phải chịu thiệt thòi hơn so với các đoàn khác dựng vở bán được vé. Các vở kịch hình thể từ trước tới nay được dàn dựng hầu như dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa lấy từ dự án hợp tác và các nhà tài trợ. Do đó, các diễn viên kịch hình thể dù phải bảo đảm hội tụ nhiều tài năng từ diễn xuất, biểu cảm đến múa, nhảy vẫn chỉ được hưởng mức thu nhập khiêm tốn...
Mặc dù kịch hình thể vẫn còn là một món ăn tương đối "lạ miệng" ở Việt Nam, nhưng nó đã sớm xuất hiện và phát triển tại Âu - Mỹ vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, được đánh giá là một "trình thức sân khấu mới, một văn phạm thị giác được "viết" ra theo những mã số nhận thức tinh nhạy, đòi hỏi người xem phải bước vào một thế giới đầy cảm giác và tinh tế để cảm nhận" theo cách nói của nhà nghiên cứu sân khấu B.Ma-ran-ca. Vì thế, tuy còn non nớt, song kịch hình thể Việt Nam hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một diện mạo tươi sáng hơn trong tương lai nếu biết đi đúng hướng và có chiến lược lâu dài để chinh phục khán giả. Ðể làm được điều đó, theo PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, vở kịch trước tiên phải hay và hấp dẫn. Sự thành bại ấy phụ thuộc phần lớn vào tài nghệ của người đạo diễn, bởi đến nay hoàn toàn không có một kịch bản nào được viết riêng cho kịch hình thể. Người đạo diễn phải có kỹ năng, nghệ thuật xử lý, tái cấu trúc lại kịch bản sao cho những động tác có mã hình trên sân khấu đủ sức tả thực, tả thần và truyền rung cảm đến người xem. Hơn nữa, một loại hình sân khấu được tiếp thu từ nước ngoài như kịch hình thể chỉ có thể trở nên gần gũi với đời sống tâm hồn của người Việt khi được sáng tạo trên cơ sở thừa hưởng nguyên tắc mỹ học từ sân khấu truyền thống. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: "Ngay trong kho tàng kịch hát truyền thống dân tộc là tuồng, chèo cũng luôn dồi dào những kinh nghiệm quý báu về vẻ đẹp và sức mạnh truyền cảm của ngôn ngữ hình thể mà kịch hình thể hiện đại hoàn toàn có thể vận dụng và tạo nên cốt cách bản sắc văn hóa dân tộc".
Trong bối cảnh vẫn chưa có nhiều người xem, kịch hình thể Việt Nam cần chủ động tìm đến với công chúng, sáng tạo những không gian biểu diễn mới để thu hút nhiều người xem, dàn dựng thêm những vở kịch hướng đến trẻ em, bắt kịp hơi thở thời sự xã hội. Vấn đề thu hút người xem cho kịch hình thể cũng cần được quan tâm đầu tư như một nội dung trọng điểm. Theo NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: "Trước mắt, phải chọn những người xem trẻ tuổi là sinh viên và học sinh lớp lớn là chính, nhưng phải ươm mầm những người xem tương lai từ các học sinh nhỏ tuổi hôm nay. Ðừng bắt họ xem vội, mà hãy dẫn giải họ vào thế giới kỳ ảo của những động tác cơ thể biết nói, bằng các bài tập như kiểu tìm hiểu ngoại khóa của chương trình sân khấu học đường, Câu lạc bộ dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng...". Và tất nhiên, bên cạnh sự đam mê, quyết liệt và kiên nhẫn của đội ngũ sáng tạo, biểu diễn kịch hình thế, còn cần lắm một chỗ dựa vững chắc và sự định hướng nghệ thuật từ Nhà nước, cũng như sự quan tâm đầu tư của cả xã hội, vì một nền sân khấu Việt Nam đa dạng, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.