Phú Quang và những câu chuyện kể Hà Nội

07:55, 23/02/2013

Phú Quang khiến người ta biết yêu Hà Nội hơn, càng đi xa càng nhớ. Âm nhạc Phú Quang vẽ, lưu cảnh Hà Nội lãng mạn, nên thơ, nhất là những mùa Thu, mùa Đông bằng âm nhạc - tiếng tâm hồn. Đó là cảm nhận của công chúng về các ca khúc Phú Quang, trong đó có hàng trăm bài viết cho Hà Nội.  

Để nối tiếp cho những dư âm, ký ức về Hà Nội, về 12 ngày đêm Hà Nội gồng mình chống chọi với B52, mà trong chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội” do báo Quân đội nhân dân và Đài PT-TH Hà Nội tổ chức dịp kỷ niệm 40 năm, Phú Quang và những người con của mình ở đầu cầu tượng đài Khâm Thiên qua những chuyện kể, nốt nhạc, lời ca đã để lại trong lòng công chúng những xúc cảm sâu lắng và tới đây, trong tối 26-1 tại sân khấu âm nhạc nhỏ 46 Láng Hạ, nhạc sĩ Phú Quang tiếp tục kể chuyện Hà Nội trong chương trình “Phú Quang và Hà Nội phố”.

 

Phú Quang có tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972 ông chứng kiến. Và khi trưởng thành, Phú Quang sống tại TP Hồ Chí Minh, làm việc gần 20 năm tại Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP Hồ Chí Minh và trở về Hà Nội khi tuổi lục tuần.

 

Là con út trong gia đình bảy đời sống ở Hà Nội, Phú Quang ra đời khi mẹ ông ở tuổi 45, đó là năm 1949. Phú Quang kể, sinh thời, mẹ là người có trí nhớ tuyệt vời: “Mẹ tôi thuộc làu những Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên và mẹ đọc thơ rất hay. Tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, tôi làm một câu đối treo ngay trên bàn học: "Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi". Khẩu khí ấy tôi có là vì “nhiễm” tính cách mẹ tôi, chứ bố tôi thì khác, vì cụ cho rằng người có khẩu khí như thế sau này sẽ rất khổ.”

 

So với dòng họ, Phú Quang được cho là người nổi tiếng nhất, anh trai kế ông là nhạc sĩ Phú Ân. Gia đình âm nhạc của ông còn có 3 người con đều được học nhạc, trong đó con gái cả Nguyễn Trinh Hương (SN 1975) đã tốt nghiệp thạc sĩ Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Liên bang Nga). Năm 2006, Trinh Hương và chồng, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy (Trưởng khoa Dây học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ Moskva trở về Hà Nội, với tâm nguyện cống hiến cho công việc công tác giảng dạy và biểu diễn tại quê nhà. Hình ảnh Phú Quang trực tiếp chỉ huy dàn nhạc, chơi piano và hát, cùng con gái và con rể trưởng trong các đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tạo dấu ấn về những đêm nhạc sang trọng mà ông chỉ đạo nghệ thuật, phối khí.

 

Ông đến với âm nhạc khởi đầu bằng học kèn Cor tại trường Âm nhạc Việt Nam, sau chuyển sang học sáng tác. Mối tình đầu và mối tình đẹp nhất của ông cũng đều ở Hà Nội. Và như ông tâm sự, nhiều khi cần phải đi xa mới biết yêu thành phố của mình.

 

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca, Phú Quang viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ những tình yêu có thật và cả ảo tưởng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, ông tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính, thanh quý là nguồn cảm hứng lớn và bất tận của nhạc sĩ tài hoa. Nhạc Phú Quang có một dấu ấn, một phong cách riêng, giàu chất tự sự, da diết, có khi nó lại vút cao, đầy kịch tính. Phú Quang rất được hâm mộ với các ca khúc trữ tình, nhất là mảng bài hát về Hà Nội: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi... Những ca khúc: Điều giản dị, Nỗi nhớ, luôn làm người nghe cảm động. Phú Quang còn là một nhân vật khá “đắt sô” của các Đài Truyền hình, báo chí. Ông thích sưu tập tranh, đọc sách văn học và hoạt khẩu. Trò chuyện với ông luôn hấp dẫn vì trí tuệ và sự hài hước.

 

Là một người có biệt tài về phổ nhạc cho thơ, rất nhiều bài thơ đã có một đời sống khác khi thành ca từ. Phú Quang không phổ nguyên bài mà chọn những ý hay nhất,  linh hồn của bài để làm nên: Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24,Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Dòng sông không trở lại (thơ Vi Thuỳ Linh). Hà Nội với Phú Quang như một thiếu nữ không tuổi mang vẻ đẹp tinh khiết, quyến rũ, bí ẩn.

 

Hà Nội cất giữ và nuôi dưỡng cho ông những kỷ niệm, dấu vết số phận mất mát và khổ đau, hạnh phúc và che chở. Đó là nơi luôn đáng nhớ ngay cả khi đang ở trong lòng thành phố. Ông buồn nhiều nhưng cố giấu niềm riêng sâu tận đáy lòng. Phú Quang bảo: "Giống như đôi tình nhân yêu nhau, khi người ta kề nhau rất nồng nàn, say đắm đến không thể nghĩ được gì về nhau nữa, dù chỉ là những điều rất nhỏ như một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi. Chỉ khi dứt khỏi nhau rồi mới có thể nhận ra từng điều nhỏ bé ấy sống động, sâu sắc hơn".