Mặc dù các giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội là điều không thể phủ nhận, nhưng lễ hội quá nhiều, tập trung vào dịp xuân đầu năm với xu hướng khôi phục lễ hội tràn lan ở tận cấp làng, xã đã trở thành một hiện tượng xã hội không bình thường.
Các lễ hội đang tăng mạnh về lượng, nhưng cũng giảm mạnh về chất với việc xuất hiện không ít những xu hướng lệch lạc, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của người dự hội và các biểu hiện tiêu cực, thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý cùng xu hướng thực dụng, thương mại hóa lễ hội đang tồn tại đã phần nào che lấp những giá trị văn hóa vốn có của lễ hội, gây lãng phí về thời gian, công sức, tiền của và sự phiền nhiễu cho khách trẩy hội.
Thiếu ý thức và lộn xộn trong tổ chức
Do những tác động tích cực và không tích cực của cơ chế thị trường, đã và đang có những thay đổi về hình thức và nội dung lễ hội, bổ sung những giá trị mới bên cạnh những giá trị nhân văn bền vững vẫn được giữ gìn, phát huy. Song, không thể coi những biến tướng và lệch lạc là sự tiếp nhận cho phù hợp với xã hội hiện nay được. Không thể chấp nhận các liền anh, liền chị "giơ khay mời trầu" xin tiền thay cho nón như mọi năm để đối phó với việc ban tổ chức Hội Lim quan họ Bắc Ninh có quy định cấm việc chèo thuyền "ngửa nón xin tiền" và nói một cách ngụy biện rằng, quan họ bây giờ cũng cần phải đổi mới để tồn tại. Trái với quy định, thực tế năm nay Hội Lim vẫn sử dụng loa đài tăng âm "vì sợ không ai nghe nổi" và có lẽ màn "đấu âm thanh" giữa các lều quan họ trong ngày hội sẽ còn dài dài, để rồi du khách đâu còn được thưởng thức chất giọng mộc "vang, rền, nền, nảy" cùng không gian diễn xướng thân tình, gần gũi của quan họ đích thực trong ngày hội. Ngay như một số lễ hội lâu đời, vốn dĩ khá độc đáo, mang ý nghĩa phồn thực và nhân văn sâu sắc cùng tính cộng đồng rất cao như lễ hội Trò Trám ở Lâm Thao (Phú Thọ) hay đá cầu, cướp phết đình Ðông Lai, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), lễ hội chợ Chuông ở Ðông Sơn (Thanh Hóa)... cũng đã và đang bị mai một dần ý nghĩa tốt đẹp khi một bộ phận khá lớn người dự hội, đặc biệt là thanh niên đã có những hành động thái quá, lợi dụng lễ hội để có các hành động bạo lực và sàm sỡ phụ nữ.
Trong tâm thức của một bộ phận không nhỏ khách trẩy hội đầu năm, dường như đã và đang có một cách hiểu sai lệch, xa lạ với những giá trị tốt đẹp của lễ hội. Không ít người đi dự lễ hội chủ yếu là nặng về cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Bản thân các vị thần thánh, Anh hùng dân tộc cũng bị biến thành "thế lực" để phù hộ cho các thủ đoạn kinh doanh mờ ám, những phi vụ mua quan, bán tước. Từ những suy nghĩ sai lệch đó đã dẫn đến những hành vi thực dụng, trần tục như đốt vàng mã thật nhiều, sắm lễ thật to với tính toán lễ càng to thì càng được thánh thần phù hộ, người ta còn gài tiền thật ở khắp nơi, trên bàn thờ, khe cửa, gốc cây, thậm chí ở cả miệng con sư tử đá, rồi còn dám cả gan vay tiền thánh thần để "làm ăn" ở chùa Bái Ðính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Bia Bà, Phủ Tây Hồ, đền Và, đền Sóc (Hà Nội), đền Trần, Phủ Giầy (Nam Ðịnh), đền Cờn, đền Cuông, đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), chùa Bà (Bình Dương), miếu Bà Chúa Xứ (An Giang) hay chùa Bà núi Bà Ðen (Tây Ninh)... Những việc làm phản cảm đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và ham muốn lợi lộc cá nhân, đã phá vỡ không gian văn hóa và sự thiêng liêng của lễ hội và nơi thờ tự, tạo nên tệ nạn mê tín dị đoan.
Theo Ban quản lý chùa Bái Ðính, đã từ ba năm nay, nhất là trong những ngày khai hội, mặc dù lực lượng bảo vệ đã nhắc nhở nhưng nhiều khách trẩy hội vẫn cố tình nhét tiền vào tượng Phật. Việc làm này không chỉ làm giảm giá trị thiêng liêng nơi đất Phật, mà còn khiến hành lang 500 bức tượng La Hán từ chân núi lên tượng Tam Thế đang có dấu hiệu của sự xuống cấp, bởi nhiều du khách còn lấy tay xoa lên chân, lên đầu gối, lên tay của các bức tượng lấy may khiến mầu sắc tượng bị thay đổi. Việc nhét tiền, rải tiền lẻ vô tội vạ như ở chùa Bái Ðính cũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều đền, chùa khác trong cả nước và dường như đã thành một thói quen xấu lan truyền khá nhanh. Tại đền Trần, tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, cướp lộc ngay trên ban thờ vẫn tiếp diễn cho dù Ban quản lý và chính quyền địa phương đã tăng cường lực lượng giữ gìn trật tự lên tới khoảng hai nghìn người. Ðáng buồn thay, đã xuất hiện một số kẻ rao bán lá ấn không rõ thật, giả ở ngay tại sân đền sau lễ khai ấn. Trong lễ rước ấn, du khách dọc đường liên tục ném tiền vào kiệu rước mặc cho ban tổ chức đọc loa nghiêm cấm. Bên cạnh đó là tệ nạn lừa đảo, đặt hòm công đức giả hoặc đặt hòm công đức bừa bãi, ở các đền, chùa, tại các địa phương thể hiện sự buông lỏng quản lý, không nghiêm túc trong quản lý lễ hội và thói trục lợi, chỉ biết đến lợi ích trước mắt, làm suy giảm tính linh thiêng của nơi thờ tự, cũng như ý nghĩa văn hóa của lễ hội, đồng thời vi phạm các quy định pháp luật trong quản lý sử dụng tiền tệ.
Ðến Phủ Tây Hồ và đền Bà Chúa Kho vào những ngày đầu xuân này, trong cảnh chen chúc lễ bái, đặt tiền, lâm râm tiếng cầu khấn mới biết sự lệch lạc, thiếu hiểu biết của không ít người. Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong "Tứ bất tử", được người Việt suy tôn với ý nghĩa là bậc thần linh trừ tà, mang lại điều may mắn cho cộng đồng, chống tham quan và những điều xấu xa, còn đền Bà Chúa Kho thờ tấm gương liệt nữ tận tâm, liêm khiết phục vụ quân lương trong kháng chiến chống quân xâm lược Tống thời nhà Lý. Có lẽ, không đời nào Mẫu Liễu Hạnh hay Bà Chúa Kho lại chấp nhận những lời cầu cúng và tiền bạc "hối lộ" nhằm thăng quan, tiến chức, tham nhũng, mưu lợi cá nhân, "buôn một, bán mười", xin lộc rơi, lộc vãi, "vay - trả" đầy thực dụng, sòng phẳng. Chính nhận thức lệch lạc này đã tạo điều kiện cho tệ nạn buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan, bói toán có đất nảy nở khắp nơi. Ở một số địa phương, cơ sở mê tín dị đoan cứ ngang nhiên hoạt động, thậm chí có nơi còn được "tạo điều kiện" của chính quyền với cái mác "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".
Tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã và đang dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, chạy theo xu hướng thương mại hóa, coi lễ hội và những di tích, nơi diễn ra lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương. Chính từ nhận thức sai lệch đó mà người ta chỉ quan tâm, chú ý đến giá trị kinh tế mà coi nhẹ giá trị văn hóa của lễ hội. Cũng bởi nhận thức như vậy mà lễ hội ở nhiều địa phương đang có chiều hướng mở rộng về quy mô và mang tính ganh đua, phô trương khiến bức tranh toàn cảnh chung của lễ hội trở nên xô bồ, dễ mang lại cảm giác mạnh ai nấy làm. Nhiều lễ hội đã để không gian "chợ búa", thương mại lấn át không gian văn hóa, các loại hình diễn xướng, thể thao, trò chơi dân gian bị mai một hoặc biến tướng, phổ biến là các hình thức cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng và có nơi còn tồn tại cả những chiếu bạc công khai, trong khi các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý.
Với việc tận thu trong dịp lễ hội ở nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng "bung ra" của dịch vụ bán hàng, trông giữ xe. Bên cạnh các bãi xe của địa phương thì nhà nhà, cá nhân, cơ quan cũng mở cửa trông xe với mức giá "trời ơi". Theo ghi nhận của chúng tôi, mức giá trông giữ xe máy, xe ô-tô ở nhiều nơi trong dịp lễ hội này đều tăng gấp hai, ba, bốn ngày thường. Một chiếc xe máy phải trả tiền vé xe từ mười nghìn đến 20 nghìn đồng/xe, ô-tô từ 25 nghìn đến 40, thậm chí là 50 đến 100 nghìn đồng/xe. Phần lớn lối đi dẫn vào các đền, chùa đều tràn ngập, tấp nập cảnh bán đồ hương hoa, vàng mã, ghi sớ, mời chào, chèo kéo khách mua.
Mặc dù dư luận lên tiếng nhiều về những tệ nạn núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng dường như người ta càng ngày càng kéo nhau đi cầu xin đông hơn khiến ý nghĩa và mục đích tổ chức lễ hội tốt đẹp đang trở nên xa vời. Từ đó mới bung ra các tệ nạn mê tín, bói toán, hầu đồng, dị đoan cùng những kẻ "cò mồi" ăn theo lễ hội và nảy nở nạn đốt vàng mã tràn lan, làm mất đi vẻ đẹp văn hóa thuần khiết và ý nghĩa tâm linh thiêng liêng, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và các dịch vụ xem bói, đoán số tử vi, viết sớ giải hạn, rút quẻ. Chính vì nếp sống tùy tiện, thiếu ý thức, mạnh ai nấy làm của khách trẩy hội cùng sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý văn hóa và các cấp chính quyền đã gây nên sự xô bồ, nhếch nhác, mất trật tự vệ sinh, tạo "đất sống" cho nạn móc túi, ăn cắp, lừa đảo, sư giả đi khất thực, ăn xin ở nhiều lễ hội. Tệ nạn ăn xin đã được chính quyền nhiều nơi chú ý giải quyết và thu gom đưa về địa phương hoặc các trung tâm xã hội, song do không tiến hành thường xuyên hay "mặc kệ" khi nó tái diễn đã trở nên trầm trọng, nhất là ở các đền thờ như: đền Bà Chúa Kho, đền Cờn, miếu Bà Chúa Xứ... Có những địa điểm, sau lễ hội, rác đã chất thành đống ngay bên cạnh di tích lịch sử, văn hóa, rất phản cảm. Nhiều bãi rác được phía Ban quản lý dọn dẹp, nhưng chỉ sau ít phút, đâu lại vào đó, rác vẫn vô tư được người dân ném xuống dưới chân mình. Ý thức và nếp sống văn minh dường như bị người đi hội bỏ quên, không mấy ai quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan nói chung.
Không gian của lễ hội đang dần bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa khiến cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, lượng khách tham gia lễ hội ngày càng đông, đến mức quá tải, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy, ách tắc giao thông thường thấy ở các lễ hội lớn, dài ngày. Có chứng kiến cảnh chèn ép, xô đẩy nhau trước cửa động Hương Tích - chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Ðịnh), những người trải qua mới thấy rùng mình, giả dụ có một biến cố nào đó thì có lẽ việc giẫm đạp lên nhau dẫn đến thương tích, mất mạng là điều khó tránh khỏi. Cũng có không ít người lại lý giải một cách thiếu hiểu biết khi chấp nhận việc chen lấn thiếu trật tự khi cho rằng "đi hội là phải tơi tả" như thế.
Trách nhiệm của quản lý văn hóa và chính quyền
Cộng hưởng với các tiêu cực nêu trên từ ý thức người dự hội còn có phần lỗi trách nhiệm không nhỏ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền các cấp ở địa phương. Dư luận hằng năm đều bức xúc với các tiêu cực tồn tại những năm qua ở các lễ hội lớn, dài ngày, nhưng dường như việc giải quyết vẫn không mấy tiến triển. Phải nói thẳng, để diễn ra những tiêu cực, phản cảm ở các lễ hội là do sự buông lỏng, yếu kém không kiên quyết trong công tác quản lý.
Công tác tổ chức quản lý lễ hội cần có sự phân cấp quản lý minh bạch rõ ràng; thống nhất trong xác định chủ thể quản lý, bởi có nơi thì do chính quyền, có nơi lại do ngành văn hóa hoặc ban quản lý di tích, thủ từ... Cơ chế quản lý, quy mô tổ chức cũng phải được xác định thống nhất. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội không những thuộc trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa mà còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị nhân văn của lễ hội đối với cá nhân và cộng đồng. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần phải tiến hành một cách thường xuyên, kiên quyết và triệt để, bên cạnh việc sắp xếp, chấn chỉnh lại các hoạt động dịch vụ đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực, nhất là các lễ hội dài ngày. Siết chặt công tác quản lý tài chính và nguồn thu từ lễ hội, khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích. Thiết nghĩ, diện mạo văn hóa của lễ hội chỉ có thể trở nên gần gũi với truyền thống khi người tổ chức, quản lý lễ hội và người tham gia lễ hội thật sự am hiểu về giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó điều chỉnh hành vi và có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội.
Mặc dù tổ chức lễ hội theo phương thức xã hội hóa nhưng không thể phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng. Tổ chức lễ hội phải có định hướng rõ ràng và quản lý hiệu quả, chứ không thể để lễ hội diễn ra một cách tự phát, mang tính thương mại hóa như ở không ít lễ hội hiện nay. Các quy định, quy chế về lễ hội cũng phải rõ ràng, đầy đủ hơn bên cạnh việc tăng cường lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý các vi phạm. Nếu để lễ hội phát triển một cách tự phát, chắc chắn nó còn sai lệch và tiêu cực.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, đòi hỏi phải nhanh chóng có quy hoạch tổng thể lễ hội của cả nước, đây là trách nhiệm lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cần thiết phải quy hoạch tổng thể lễ hội trong toàn quốc, đưa hoạt động này vào nền nếp, nhằm mục tiêu: Bảo tồn và kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa của lễ hội dân gian. Quá trình quy hoạch chính là sắp xếp lại lễ hội một cách khoa học giúp cho công tác tổ chức, quản lý ngày càng có chất lượng và hiệu quả. Cần biết "gạn đục, khơi trong" trong khôi phục các lễ hội dân gian. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nên kiểm kê và nhận diện lễ hội nào thật sự cần thiết, gắn bó mật thiết với người dân để tiến hành gìn giữ và thực hành lễ hội sao cho vừa văn hóa, vừa hiệu quả, tiết kiệm. Qua đó, xác định rõ các lễ hội đặc trưng tiêu biểu, từng bước hình thành mạng lưới lễ hội gắn kết với phát triển du lịch, kinh tế và dịch vụ.
Những vấn đề liên quan đến văn hóa lễ hội không thể giải quyết vội vàng, vì thế bên cạnh cơ chế xử lý tệ nạn lễ hội mang tính trực tiếp, tại chỗ, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch dài hạn gắn liền với những biện pháp mang tính xây dựng đồng bộ. Chiến lược quan trọng nhất là cần đầu tư ngay cho việc đào tạo những người làm công tác quản lý, tổ chức văn hóa nói chung, cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực quản lý lễ hội nói riêng. Ðây phải là đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, sâu sát với cộng đồng, am hiểu lễ hội dân gian và cách thức tổ chức lễ hội, tránh tình trạng áp đặt, hành chính hóa.
Cộng đồng là chủ thể của lễ hội, muốn giữ được vai trò đó thì mỗi người tham gia phải có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh. Thực tế ngày càng cho thấy bên cạnh việc tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội thì việc nâng cao ý thức người tham gia lễ hội là rất quan trọng. Ðã có những lễ hội phải huy động hàng trăm người ở đủ các ban, ngành nhưng vẫn quản lý không xuể. Nếu như mỗi người dự lễ hội đều có ý thức đúng đắn, chấp hành mọi quy định thì tình hình chắc chắn đã khác hẳn, sẽ không còn thái độ ứng xử thiếu văn minh và sẽ không còn nạn đốt vàng mã, xả rác bừa bãi. Lễ hội có thể rất đông nhưng nếu mỗi người đều có ý thức thì lễ hội sẽ trở nên văn minh, trật tự và an toàn hơn. Ðiều này đòi hỏi bên cạnh sự nhắc nhở, tuyên truyền phải có biện pháp xử phạt hành chính kiên quyết và sự tác động của các tuyên truyền viên, tình nguyện viên. Nếu tất cả mọi người đều có ý thức xây dựng nếp sống văn minh nhất định lễ hội sẽ dần dần đi vào nền nếp, khuôn khổ, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Sự nhắc nhở thường xuyên và kiên quyết trong xử lý sẽ tạo nên ý thức và nền nếp của lễ hội. Có như vậy, các hoạt động của lễ hội mới đi vào quy củ, mang lại một không gian văn hóa trong sạch, lành mạnh cho nhân dân và du khách trẩy hội, đồng thời qua đó những tệ nạn sẽ tự khắc triệt tiêu.