Dân ca luôn gắn liền với phong tục tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Hát Ayray là làn điệu dân ca truyền thống của người Êđê ở Tây Nguyên. Thế nên, nghệ nhân Y Gông Buôn Đắp cũng như người dân Êđê lo lắng là làm sao để thế hệ hôm nay và mai sau của Tây Nguyên mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Một ngày đầu Xuân, chúng tôi về thăm gia đình nghệ nhân Y Gông Buôn Đắp và H’Uynh Byă (ở buôn Ea Khiết, xã Ea Bhôr, huyện Cư Kuin) để được nghe điệu hát Ayray mê hồn của đại ngàn. Đã qua gần 85 mùa rẫy, ông vẫn còn quắc thước, vững vàng như cây Kơnia, giữ cho đại ngàn vốn văn hóa dân tộc mình khỏi bị mai một.
Quây quần bên ché rượu cần thơm nồng, hai nghệ nhân già lại đàn và hát cho khách nghe điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Tiếng đàn Đinh Năm sâu lắng như tan cùng làn điệu Ayray. Người hát, người nghe thả hồn mình theo lời ca trữ tình.
Sợ khách không hiểu hết ý nghĩa của ca từ bằng ngôn ngữ Êđê, già thong thả cho biết đây là lời một bài hát Ayray vui, kể về công ơn của Đảng đối với đồng bào mình, dân tộc mình. "Ngày xưa buôn làng nô lệ, cả dân tộc đau khổ, bây giờ có Đảng đem lại ấm no, khôi phục những truyền thống tốt đẹp, gìn giữ cho đến muôn đời..."
Nghệ nhân Y Gông cho biết trong các làn điệu dân ca, dân vũ của người Êđê thì hát Ay ay là độc đáo và đặc sắc nhất. Hát Ayray thực chất là lời đối đáp tự sự, trữ tình của người Êđê. Đàn Đinh Năm thường dùng để đệm theo lời hát. Giai điệu mô phỏng âm vang núi rừng, tiếng gió thổi, tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng ào ào thác đổ...
Theo luật tục của người Êđê, Ayray không hát trong buôn làng mà chỉ được hát trên đường lên nương rẫy, hát trong lễ bỏ mả, trong mùa hội. Tuy hát trong lễ bỏ mả nhưng Ayray không chỉ có lời ca buồn mà có cả những bài hát vui. Bởi người Êđê quan niệm chết không phải là mất đi mà là sự sinh sôi. Theo tín ngưỡng Êđê, sau lễ bỏ mả, hồn người chết sẽ hết đau khổ, sẽ về cõi an lành.
Ayray còn là điệu hát giao duyên để các chàng trai cô gái tìm ý chung nhân cho mình. Những câu hát chất chứa chất men say diệu kỳ như lời ướm ngỏ, rồi đáp từ lại; để rồi sau những dịp ấy lại có bao cô gái tìm được bạn đời trăm năm của họ.
Nhìn sang bà H’Uynh, người nghệ nhân già thong thả kể về chuyện tình của mình: “Khi mình mới mười lăm mười mười sáu tuổi đã biết chơi thành thạo đàn Đinh Năm, Kypá, Đinh puốt... Còn nó (chỉ bà H’Uynh) là người con gái hát hay và dệt thổ cẩm đẹp nhất buôn. Có biết bao chàng trai để ý nhưng nó không ưng cái bụng. Nó mê tiếng đàn của mình và bảo với gia đình đến bắt mình về làm chồng. Cũng vì câu hát mà nên nghĩa vợ chồng.”
Càng say sưa với làn điệu Ayray, vợ chồng nghệ nhân Y Gông Buôn Đắp lại càng trăn trở trong việc làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn hóa tinh thần độc đáo này.
Nghệ nhân bảo: "Lớp trẻ bây giờ mải chạy theo nhạc trẻ, phim nước ngoài mà quên đi tiếng cồng tiếng chiêng, quên đi điệu hát Ayray truyền thống.” Điều nghệ nhân nói cũng chính là vấn đề mà nhiều người đang lo lắng: Làm sao để thế hệ hôm nay và mai sau của Tây Nguyên mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.