Tưng bừng khai hội Lồng Tồng ATK Định Hóa xuân Quý Tỵ

15:39, 19/02/2013

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa và du khách gần xa lại về thôn Đèo De, xã Phú Đình để tham dự Lễ hội Lồng Tồng - ngày hội xuống đồng truyền thống của dân tộc Tày, Nùng vùng đất chiến khu ATK, mang theo niềm hy vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

 

Trong ngày khai hội, núi rừng ATK Định Hóa được bao phủ bởi lớp mưa xuân lất phất, nhưng từ sáng sớm, khắp các ngả đường đã rộn vang tiếng cười, nói vui vẻ, nhộn nhịp của người dân địa phương và du khách đi trảy hội. Mọi người xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, lộng lẫy nhất ngược bước lên đỉnh Đèo De.

 

 

 

Đông đảo nhân dân trảy hội Lồng Tồng

 

Đúng 8 giờ, đoàn đại biểu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái nguyên do đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo huyện Định Hoá đã trang trọng thực hiện nghi lễ dâng hương, báo công với Bác Hồ kính yêu tại Nhà tưởng niệm Người. Từ ngọn Đèo De, tiếng chuông, khánh đã gióng lên, ngân vang âm hưởng mang theo niềm tự hào của những người con sinh thành, lớn lên trên vùng đất cách mạng ATK Định Hoá.

 

Trước giờ khai hội, tiếng đàn tính rộn ràng hoà nhịp lời then khiến cả nghìn người như  xốn xang, chờ đợi. Sau bài phát biểu khai mạc của đồng chí Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội, già làng Ma Đình Được, 72 tuổi, xóm Đồng Hoàng, xã Phú Đình trang trọng trong chiếc áo cài khuy ngang, dang rộng cánh tay, nhịp từng hồi trống vang rền. Sau tiếng trống khai hội của già làng Ma Đình Được là màn trống hội của học sinh Trường THPT Bình Yên. Tiếng trống hội thúc vào lòng người, làm bừng tỉnh bao con tim háo hức, rộn ràng… Đồng chí Lộc Kim Tuyết cho biết: Lễ hội với ý nghĩa cầu cho Quốc thái dân an; mưa thuận gió hoà; mùa màng tươi tốt; mọi người dân cùng được no ấm. Lễ hội cũng nhằm khơi dậy nét truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, như tinh thần đoàn kết trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết trong xây dựng quê hương, đất nước của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa…Năm nay, với sự tài trợ, giúp sức của các đơn vị, nhà hảo tâm, lễ hội mang đến nhiều nội dung mới như múa rối Ru Nghệ, thi kéo cóc… thu hút được đông đảo du khách dự hội tham gia…

 

 

 

Nghi lễ Cầu mùa của dân tộc Tày.

 

 

Cũng trong phần lễ đầy trang nghiêm, tôn kính, bà con và du khách thập phương được chứng kiến các nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay, lễ xuống đồng, nghi lễ cầu phúc của dân tộc Dao được tổ chức ở khu vực sân khấu Lễ hội. Các thầy cúng trong trang phục sặc sỡ đã dâng lên các mâm lễ được chuẩn bị công phu: gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, rượu, bánh dầy, bánh chưng, chè lam… tượng trưng cho trời, đất, muông thú. Khi lễ đã đủ, thầy mo sẽ thực hiện mọi nghi thức tâm linh như vái lạy trời đất, cảm tạ thần linh, nguyện cầu cho một năm Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Đặc biệt, trong lễ xuống đồng, tại một thửa ruộng nhỏ tại cánh đồng Đèo De, nhân dân chọn ra người cày giỏi nhất làng, mắc ách vào con trâu to, khỏe vạch một luống cày đầu năm mở đầu cho mùa vụ mới. Cùng với phần cày đất gọi mùa, nhộn nhịp hơn phải kể tới phần thi cấy. Ruộng cấy được tổ chức ngay thửa ruộng cạnh đó, trong tiếng trống giục thùng thùng, tiếng cổ vũ, reo hò hối thúc, các cô, các chị mang sắc phục truyền thống đang nhanh tay thoăn thoắt cấy từng rảnh mạ đều tăm tắp. Chỉ một loáng, các cô đã thực hiện xong phần thi của mình. Thí sinh Trần Thị Huệ, đại diện cho xã Tân Dương nói với chúng tôi sau khi thực hiện xong phần thi của mình: Đây là lần thứ 2 tôi tham gia Hội thi cấy trong Lễ hội Lồng Tồng nhưng cảm giác vẫn rất hồi hộp. Chúng tôi ai cũng cố gắng cấy nhanh, cấy đẹp, đảm bảo đúng kỹ thuật với mong muốn một mùa vụ mới bội thu…

 

 

 

Nông dân Định Hóa đua tài trong Hội thi cày.

 

 

Trở lại sân khấu chính - Đèo De với lộng lẫy sắc cờ Tổ quốc, cờ hội và đủ sắc màu của từng lán trại, giữa sân được đặt một cây nêu cao 15m. Trong những tiếng hò reo, từng quả còn được ném vào điểm hồng tâm tua rua ngũ sắc. Theo quan niệm của người dân nơi đây, Hội sẽ kéo dài mãi đến khi nào điểm hồng tâm được quả còn tung trúng. Trên sân khấu Lễ hội là phần trình diễn múa rối Thẩm Rộc của các nghệ nhân "chân đất" xã Bình Yên; phần múa Rối Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh… Nhưng vui nhộn nhất phải kể tới phần trình diễn múa Lân, múa Sư tử do đơn vị thị trấn Chợ Chu thể hiện…

 

 

Tiết mục múa Lân thu hút đông đảo người xem

 

Ngày hội còn rộn rã, náo nhiệt hơn với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức rải rác ở khu vực sân lễ hội như: bắn nỏ, cờ tướng, đi cầu thăng bằng, đu quay, trò kéo cóc, bịt mắt bắt dê…đầy hấp dẫn. Trong không khí náo nhiệt, bà Triệu Thị Tày, 77 tuổi, người dân tộc Dao ở thôn Đèo De chia sẻ: Năm nào tôi cũng đi hội Lồng Tồng, nhưng năm nay tôi thấy hội vui nhất và tổ chức nhiều trò hay, mới; người đi chơi hội cũng rất đông. Còn ông Nguyễn Xuân Thêm, thôn Bá Luông (Phú Cường, Đại Từ) đi chơi hội cùng gia đình thì  bày tỏ: Hội Lồng Tồng tổ chức dịp đầu xuân rất ý nghĩa, gia đình tôi đến lễ hội với mong muốn được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống, mùa màng bội thu. Tôi hy vọng, hội được tổ chức thường xuyên để chúng tôi có dịp vui chơi, cầu phúc đầu năm mới.

 

Ngoài những hoạt động, trò chơi được tổ chức hàng năm thì năm nay, trong Lễ hội, bà con và du khách thập phương còn được tham quan, tìm hiểu lịch sử, tình cảm của Bác Hồ kính yêu với nhân dân Việt Bắc - Thái Nguyên, đặc biệt là với hình ảnh của người phụ nữ “chân lấm tay bùn” trên mảnh đất chiến khu xưa qua hơn 220 bức ảnh tư liệu được trưng bày trong Triển lãm “Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng Phụ nữ và Bác Hồ với phụ nữ ATK Việt Bắc - Thái Nguyên - Phụ nữ Thái Nguyên với Bác Hồ” được Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.

 

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa xuân Quý Tỵ 2013 dần đi đến thời điểm kết thúc, nhưng  hình ảnh ngọn lửa bùng cháy trong đêm lửa trại được tổ chức giữa sân Tỉn Keo vào đêm mùng 9 như cháy mãi. Ngọn lửa bập bùng, âm vang nhịp hát cùng điệu nhảy sạp vui nhộn đón xuân mới tràn về, ấm áp khắp vùng đất chiến khu năm xưa.