Tối 25/2, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đón nhận Bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới và Bằng công nhận di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết lễ đón được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, có sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội và tổ chức UNESCO tại Việt Nam.
Buổi lễ cũng tái hiện lại lễ vinh quy bái tổ, một lễ nghi thường được thực hiện để vinh danh tiến sỹ sau khi đỗ đạt, cùng với phim tư liệu giới thiệu về lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám và chương trình nghệ thuật đặc sắc trình diễn những tác phẩm liên quan tới di sản này.
Sáng cùng ngày, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức một buổi tọa đàm với sự tham dự của các nhà khoa học để đánh giá lại giá trị của Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng hoạt động bảo tồn, phát huy của trung tâm sau 25 năm tiếp quản, quản lý, khai thác.
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 thờ Khổng Tử cùng các bậc tiên thánh, tiên hiền, tiên nho. Năm 1076, trường Quốc Tử Giám được xây dựng thành nơi học của con em tầng lớp quan lại, sau đó phát triển thành trường quốc học đầu tiên của Việt Nam để đào tạo những người học rộng trong cả nước.
Trải qua gần 1.000 năm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn là biểu tượng của nền văn hóa và trí tuệ Việt, là biểu tượng văn hóa nho học tiêu biểu nhất của Hà Nội và cả nước.
Sau 25 năm được Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám quản lý và khai thác, lượng khách đến tham quan, tìm hiểu tăng từ 300.000 lượt người lên trên 2 triệu lượt người/mỗi năm.