Vĩnh biệt NSND Hải Ninh, cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam

08:36, 07/02/2013

Ðạo diễn, NSND Hải Ninh, cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội sáng 5-2. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước đó vì ông tuổi cao và bệnh trọng, nhưng người thân, bạn bè cũng như nhiều nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam vẫn hết sức bàng hoàng, thương tiếc.

Ðạo diễn điện ảnh, NSND Hải Ninh tên thật là Nguyễn Hải Ninh, sinh ngày 31-12-1931 tại xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nghèo. Cha mẹ mất sớm, ngay từ tuổi thiếu niên, ông đã rời quê hương theo bộ đội chống thực dân Pháp, được học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp lớp quay phim và đạo diễn đầu tiên của Trường Ðiện ảnh Việt Nam, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.

 

Bộ phim Một ngày đầu thu là bộ phim tốt nghiệp ông tham gia  với vai trò phó đạo diễn cho đạo diễn Huy Vân. Từ bước khởi đầu đó, NSND Hải Ninh đã làm đạo diễn chính của rất nhiều tác phẩm như phim Người chiến sĩ trẻ, xây dựng hình tượng Anh hùng Cù Chính Lan (giải Bông sen Vàng Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ nhất năm 1964), bằng khen của Hội Ðiện ảnh và của Ðoàn Thanh niên Côm-xô-môn (Liên Xô trước đây) tại LHP quốc tế Mát-xcơ-va năm 1965. Bộ phim Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm là một tác phẩm mà ở đó đời sống riêng của cô Dịu đã gắn liền với số phận dân tộc, số phận của đất nước, là bộ phim khiến bạn bè quốc tế hết sức bất ngờ. Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm cũng là tâm điểm của báo giới tại LHP quốc tế Mát-xcơ-va năm 1973. Cũng tại sự kiện đó, NSND Trà Giang được trao giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất, và giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới cho tác phẩm điện ảnh này. Nếu ai đã từng một lần xem phim Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh khó có thể quên hình ảnh cô bé Ngọc Hà với ánh mắt ngây thơ trong trẻo đi tìm bố và em gái trong đợt rải thảm B52 của không quân Mỹ xuống Hà Nội năm 1972. Một câu chuyện xúc động và tràn đầy tình người, về đời sống của người dân Thủ đô những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trên đường đi tìm người thân, cô bé Ngọc Hà mới 12 tuổi đã phải chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Trong hành trình đó, hai chị em cũng đã gặp được những con người nồng hậu. Tác phẩm này đã nhận giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP quốc tế Mát-xcơ-va năm 1975, giải thưởng Mặt trận giải phóng tại Pa-le-xtin tại LHP quốc tế Xi-ri.

 

Trong cuốn sách "Ðiện ảnh Việt Nam trên những ngả đường thế giới" xuất bản năm 2011, đạo diễn, NSND Hải Ninh chia sẻ: "Sự ra đời của điện ảnh Việt Nam được bạn bè thế giới coi như một chuyện "thần kỳ". Vì điện ảnh là một công nghệ kỹ thuật cao, chỉ có thể ra đời ở các nước có nền công nghiệp hiện đại, nhưng ở Việt Nam lại ra đời trong rừng rậm, trên những cánh đồng hoang, trong khói lửa của chiến tranh và thật khó hiểu đối với họ là chiến tranh càng ác liệt thì nền điện ảnh Việt Nam càng phát triển đầy đủ các thể loại, đặc biệt là thể loại phim sản xuất có quy mô và phức tạp như phim truyện...".

 

Gắn bó với nghệ thuật điện ảnh hơn 40 năm, đạo diễn, NSND Hải Ninh đã làm 10 tác phẩm phim truyện gồm: Một ngày đầu thu  năm 1962; Người chiến sĩ trẻ năm 1964; Rừng O Thắm  năm 1967; Vĩ tuyến 17 - Ngày và Ðêm  hai  tập, năm 1972; Em bé Hà Nội năm 1973; Mối tình đầu năm 1977; Ðất mẹ năm  1980; Ðêm hội Long  Trì  năm 1988 và năm 1989  (gồm hai phần là Cầu hôn và Quả báo); Kiếp phù du  năm 1990;  Tình yêu bên bờ vực thẳm năm 1992,  bên cạnh đó ông còn thực hiện bốn phim tài liệu: Thành phố lúc rạng đông; Một ngày hòa bình; Hòn đảo tự do; Ở nơi đẻ đất đẻ nước và  là tác giả của một số kịch bản phim chưa đưa vào sản xuất như: Thung lũng vua; Nỗi đau oan trái; Người mẹ Hà Nội.  Trong suốt cuộc đời sáng tác, gắn bó với nghệ thuật thứ bảy, NSND Hải Ninh đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Ông đã được Ðảng và Nhà nước trao tặng: Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng; Huy chương chống Pháp hạng nhất; Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng nhất; Huy chương văn hóa; Huy chương Vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam; Huy chương Vì thế hệ trẻ. Với những cống hiến trọn đời cho nghệ thuật, đạo diễn Hải Ninh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 1984; Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2007; năm 2008 tại Lễ trao giải Cánh Diều vàng, ông đã được tôn vinh trọn đời cho sự nghiệp Ðiện ảnh  Việt Nam.

 

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Ðiện ảnh Việt Nam kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập "Ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15-3-1953 -  15-3-2013), vậy mà ông, một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà đã không còn nữa. Sáng nay, ngày 7-2, gia đình cùng nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh và công chúng tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng trong sự tiếc nuối bởi vẫn còn nhiều dự án phim ông chưa kịp thực hiện. Sự hy sinh và cống hiến cả tâm, lực cho nghề, vì nền Ðiện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong 60 năm qua của đạo diễn, NSND Hải Ninh mãi là tấm gương để cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh học hỏi, phấn đấu.