Hàng trăm trái bom to nhỏ xếp thành hàng dài la liệt khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Những trái bom “chết”, đã rút hết thuốc nổ và không có khả năng sát thương nữa là bộ sưu tập độc đáo của ông Nguyễn Tú Lâm, xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng, Bình Dương) suốt 33 năm qua.
Mặc dù nằm trên địa phận của huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) nhưng xã Thanh Tuyền này lại chỉ cách khu địa đạo Bến Dược (Củ Chi) vỏn vẹn vài cây số. Thế nên không có gì lạ khi trong thời gian chiến tranh, khu vực này phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đủ các loại của kẻ thù bởi vùng tam giác Củ Chi - An Tây - Thanh Tuyền chính là vùng được kẻ thù đặc biệt lưu tâm nhưng không làm sao triệt hạ được các cơ sở cách mạng của chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Nói về điều này, ông Tú Lâm chia sẻ : Lúc kháng chiến chống Mỹ, tôi còn là một cậu bé chừng hơn mười tuổi nhưng cũng ý thức rất rõ những bom đạn mà kẻ thù đổ xuống vùng quê mình. Vì thế, sau này giành được hòa bình, do công việc là một thợ rèn nên tôi thường xuyên phải tiếp xúc với vỏ bom đạn bởi người dân quanh vùng thường đào được những bỏ bom to nhỏ khác nhau mang đến cơ sở của tôi để bán. Khi ấy, mình mua và rèn lại thành những dụng cụ cơ khí thông dụng như dao, kéo, liềm… để mưu sinh chứ không có mục đích nào khác. Nhưng trong một lần sang khu Bến Dược ở Củ Chi (TP HCM), thấy nhiều du khách nước ngoài cứ mân mê xem những trái bom, đạn, pháo được trưng bày ở đây với một ý nghĩ là không hiểu sao trước đây nhiều bom đạn thế mà không hủy diệt được mảnh đất này. Từ đó, ý định lưu giữ những trái bom, đạn được hình thành trong đầu mình để hễ cứ thấy ở đâu có bom đạn đã rút thuốc nổ là tôi tìm đến mua. Sau nhiều năm dày công tìm kiếm, hiện nay trong khu vườn của tôi đã có khoảng gần một nghìn trái bom, đạn pháo, mảnh bom B52 cùng nhiều loại khác nữa. Trong đó có trái nặng cả hơn tấn, còn nhẹ nhàng cũng cả vài chục cân là kết quả công việc ròng rã, miệt mài suốt mấy chục năm đó.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vườn nhà ông Tú Lâm khá rộng, khoảng hơn hai nghìn mét vuông (có cả một ao cá) nằm ngay trên tuyến tỉnh lộ 744 nối liền từ huyện Dầu Tiếng qua Thuận An, Bến Cát rồi tới thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) nên lượng người xe qua lại nơi này rất đông đúc. Trong vườn, ngoài những cây cối lâu năm thì bom, đạn, pháo nằm rải rác khắp nơi. Những quả bom cỡ lớn được ông xếp thành từng hàng dài, đạn pháo cỡ nhỏ như bắp đùi thì xếp chồng lên nhau, ước tính khoảng hơn 500 quả loại này. Và, tất cả đều đã được cưa đầu để lấy thuốc nổ ra. Có thể nói, khu vườn của ông Tú Lâm chính là khu vườn lưu giữ những ký ức khó quên của mấy chục năm trước. Một ký ức vừa hào hùng, vừa đau thương, vừa bi tráng không chỉ của người dân vùng thượng nguồn sông Sài Gòn này mà còn phần nào là của cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ở đó, những mảnh bom đạn ấy là đại diện cho sức mạnh khủng khiếp của kẻ thù nhưng lại gục ngã trước ý chí chiến đấu và lòng gan dạ của dân tộc ta, như một điều kỳ diệu mà thế hệ trẻ, nếu không tận mắt nhìn thấy sẽ không làm sao hiểu được.
Thấy chúng tôi còn phân vân không hiểu tại sao ông lại lấy đâu ra tiền để mua một số lượng khổng lồ vỏ bom đạn như vậy, ông Tú Lâm cười giải thích cặn kẽ: Từ cách đây hơn 30 năm tôi đã bắt đầu mua rồi. Khi ấy, giá sắt chỉ vài trăm đồng một ký nhưng vợ con, người thân đều bảo, ông mua về mà không sử dụng, cứ để như vậy thì lãng phí quá. Sau khi tôi giải thích ý định của mình, nhiều người vẫn cứ can ngăn vì nghĩ nên lo cho cuộc sống trước đã bởi khi ấy bốn người con của tôi đều đang tuổi ăn tuổi học, nếu bỏ ra nhiều tiền mua bom đạn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế gia đình. Tuy nhiên, ý mình đã quyết thì không ai cản được nên thấy những trái bom, đạn nào vừa ý là để lại, không sử dụng tới, đặt trang trọng trong khu vườn. Sau quãng đó chừng chục năm, con cái lớn khôn, kinh tế gia đình ổn định nhưng lúc này bom đạn khan hiếm nên giá ngày một tăng, tôi còn lén giấu vợ con mang vàng của nhà đi bán để… mua bom về chơi bởi lúc này bom đạn tồn thời chiến tranh đã bắt đầu khan hiếm hơn, giá cũng cao hơn sắt vụn một chút. Nhiều lúc, cả chỉ vàng bốn số 9 cũng chỉ ngang giá với hai trái bom lớn mà thôi. Với nhiều người, đem cả lượng vàng đi mua những vỏ bom đạn như ông Tú Lâm quả là chuyện nực cười nhưng ông lại nghĩ khác bởi đây là việc làm có ý nghĩa với những thế hệ sau này.
Phân tích về chuyện này, ông lão năm nay đã 64 tuổi bảo: Mặc dù tôi bỏ tiền ra mua bom nhưng đó không phải là một việc làm vô ích nên nếu có bom nữa, tôi vẫn mua bởi những năm qua, rất nhiều người đã ghé thăm cái “bảo tàng” bom đạn này của tôi. Từ những khách trong vùng cho tới khách nước ngoài, họ biết chuyện cũng tìm đến. Hơn nữa, ngay ở khu bảo tàng trưng bày bom đạn bên khu Bến Dược, Bến Đình (Củ Chi, TP HCM), nhà truyền thống ở khu vực huyện Dầu Tiếng này, các cô chú ấy cũng xin lại của tôi rồi đem về sơn sửa lại, đặt làm cảnh quan du lịch cho mọi người xem. Với tôi, thế là quá đủ rồi chứ chẳng mong gì hơn nữa.
Mặc dù chỉ để lưu giữ ký ức nhưng trong thời gian qua, nhiều người cũng tìm đến khu vườn bảo tàng của ông để mua lại bom đạn với mục đích mang về trang trí, làm đẹp hay lưu giữ lại quá khứ một thời của chính bản thân họ. Tuy nhiên, hầu như ông ít khi bán mà chỉ tặng, cho những ai thực sự có nhu cầu. Nói về điều này, ông Tú Lâm kể: Cách đây hơn hai năm có một ông ở dưới Biên Hòa (Đồng Nai) có tìm lên chỗ tôi để mua lại ba trái bom, loại gần một tấn về trang trí, trưng bày trong phòng làm việc của mình. Mặc dù ông ta bảo sẽ trả bất cứ giá nào theo yêu cầu của tôi nhưng tôi đã từ chối bán. Tuy nhiên, ông khách tâm sự rằng, trước đây ông từng có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ không may bị thương nên giờ ông muốn mua lại vài trái bom để tưởng nhớ tới một thời gian khổ đã qua. Thấy hoàn cảnh và tâm nguyện của ông ấy có cái gì đó giống mình nên tôi đồng ý cho ông ấy hai trái bom.
Theo ước tính, giá trị của khu vườn bom của ông Tú Lâm hiện nay cũng hơn cả tỷ đồng bởi nó rất khan hiếm nhưng đó không phải là giá trị thực của nó bởi trên hết, ý nghĩa tinh thần và những thông điệp lịch sử quý giá mà nó mang đến với các thế hệ sau mới là điều quan trọng nhất.