Những ngôi nhà trình tường cổ bị phá hủy để thay thế bằng nhà bê tông cốt thép, phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang như một bức tranh cắt ghép với những gam màu cũ mới. Đã đến lúc cần một chiến lược bảo tồn những ngôi nhà cổ từng là hồn cốt của nét văn hóa Đồng Văn.
“Tôi cũng muốn xây nhà gạch lắm”
Đến với Hà Giang, ít ai có thể bỏ qua khu phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà trình tường có tuổi từ 100 cho đến gần 300 năm cùng khu chợ cổ tấp nập đa dạng sắc màu văn hóa…Thế nhưng giờ đây, những giá trị văn hóa đặc sắc đó đang dần bị mất đi.
Theo báo cáo của huyện Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn trước đây có 87 nhà cổ, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 nhà còn giữ được nguyên vẹn. Thay vào đó là những ngôi nhà xây dựng hiện đại nằm xen kẽ với nét trầm mặc đã có gần 300 năm nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những ngôi nhà cổ được đắp bằng đất, cột kèo bằng gỗ cho nên trải qua thời gian dài đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn an toàn mỗi khi mưa to, gió lớn. Một nguyên nhân khác là do có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến sinh sống, hệ quả là họ phải xây nhà mới theo cách của riêng mình…Thực tế trên cho thấy khu phố cổ Đồng Văn vẫn chưa có được một quy hoạch, kế hoạch bảo tồn tương xứng và đang bị đời sống hiện đại xâm hại một cách tự nhiên.
Anh Giàng Seo Pùa – một người dân bản địa cho biết: “Gia đình tôi sống ở nhà cổ mãi khổ lắm. Mỗi khi mưa to gió lớn là phải chạy sang nhà khác trú nhờ, mưa lớn là ngôi nhà có thể sập bất cứ khi nào. Nhà xây bằng gạch, mái đổ bê tông chắc chắn sạch sẽ, còn nhà mình thì lúc nào cũng ẩm thấp…Tôi cũng muốn xây nhà gạch lắm rồi”.
Liền kề khu phố cổ là khu chợ cổ Đồng Văn được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ XX. Cột đỡ mái của chợ được xây bằng đá, nền lát đá tảng, mái lợp ngói âm dương. Khu chợ bề thế, vững chãi, là nơi giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa và là điểm đến của du khách khám phá kiến trúc độc đáo và nền văn hóa chợ đặc biệt ở Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tuy nhiên, từ năm 2010, toàn bộ hoạt động của chợ phố cổ đã được chuyển đến hoạt động tại chợ mới, để lại nơi đây rơi vào tình trạng trống vắng. Những dãy nhà chợ vốn là “linh hồn” của phố cổ Đồng Văn đã thâm trầm nay trở nên hoang phế vì thiếu đi người mua, kẻ bán. Chợ cổ mất đi, những hình ảnh của chảo thắng cố nghi ngút khói không còn và du khách giờ đây đã không còn được chụp những tấm ảnh lưu niệm như vậy nữa…
Làm gì?
Ông Hoàng Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết. “Do nhu cầu của người dân, họ tự ý xây dựng lại hoặc xây dựng thêm một số công trình trong nhà. Huyện có biết nhưng cũng chỉ biết vận động bà con không tự ý xây lại, chứ cấm họ xây cũng khó. Nhà cũ mục nát hết mà không cho xây sửa gì thì không được. Chợ Đồng Văn chật chội quá, người dân đề nghị xây chợ mới, rộng hơn để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bây giờ chuyển ra chợ mới rồi thì chẳng ai vào chợ cũ nữa.”
Không biết vì muốn bảo tồn kiến trúc cổ hay tạo thuận lợi cho bà con kinh doanh, chính quyền nơi đây đã dời nơi họp chợ. Nhưng đối với du khách, khi được hỏi, họ đều có chung một ý kiến: Nếu chuyển hết sang chợ mới, chợ cổ Đồng Văn chỉ còn cái xác không hồn bởi muốn bảo tồn chợ cổ, không thể không bảo tồn không gian văn hóa của nó.
Có lẽ, bài toán bảo tồn và phát triển không gian phố cổ Đồng Văn đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Với việc tu tạo các ngôi nhà đang xuống cấp, điều quan trọng không phải là nhà nước cấp bao nhiêu tiền, mà phải làm sao cho người dân có thể tạo ra thu nhập từ giá trị của khu phố cổ mà họ đang sống. Bởi vậy, ngoài việc hỗ trợ ban đầu cho một số công trình trọng điểm, chính quyền địa phương đang có kế hoạch tổ chức và hướng dẫn cho đồng bào cách khai thác các lợi thế về du lịch của mình và khi những giá trị văn hóa biến thành lợi ích vật chất, người dân sẽ tự mình gìn giữ.
Ông Sèn Chỉn Ly – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Tới đây, UBND sẽ phối hợp Sở VHTTDL xây dựng kế hoạch, phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các nhà cổ, đưa một số ngành nghề thủ công vào kinh doanh tại khu vực chợ cũ. Chợ cổ Đồng Văn là một lợi thế về du lịch của huyện Đồng Văn, bây giờ mất nó, thiệt thòi không hẳn chỉ là người dân ở đây mà còn cả của khách du lịch”.
Ông Sèn Chỉn Ly cho biết, Chợ cổ Đồng Văn sẽ được họp vào ngày thứ 7 hàng tuần, với các mặt hàng là sản phẩm của địa phương; có gian hàng làm khèn, dệt vải, may mặc tại chỗ; cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách...chợ Phố cổ Đồng Văn sẽ được “hồi sinh” trong năm 2013 và nơi đây sẽ tiếp tục mang lại những cảm xúc, những trải nghiệm quý báu cho du khách khi đến với mảnh đất vùng cao này.
Chợ và nhà cổ Đồng Văn rõ ràng đang phản ánh một mâu thuẫn trong tồn tại và phát triển.
Không thể nhắm mắt nhìn thấy trước giá trị từng ngày sẽ bị phá hủy, mất đi mà thậm chí có cái mất đi sẽ không thể khôi phục được. Nhưng cũng không thể buộc người dân nơi đây sống khổ sở, tạm bợ, bấp bệnh với một chất lượng sống thấp để làm phông, làm cảnh cho du lịch theo một nghĩa phát triển không bền vững, một phía. Lại càng không phải chỉ thương vay khóc mướn, hay chủ quan duy ý chí, hiện đại hóa bắt chấp những truyền thống văn hóa và giá trị của di sản.
Bài toán đó cần một chiến lược bảo tồn và phát huy bài bản.