Ðó là những con người, những cái tên còn mãi, đã được vinh danh trong lịch sử xây dựng ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam (ÐACMVN) hơn sáu thập kỷ qua.
Ðầu tiên xin được nhớ về các đạo diễn, các nhà quay phim thuộc Tổ Ðiện ảnh Khu 7, 8, 9 của bưng biền Nam Bộ và các nghệ sĩ ở chiến khu Việt Bắc, thế hệ những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền điện ảnh cách mạng bằng hàng trăm thước phim tài liệu nóng hổi tình hình chiến sự những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám như: Trận Mộc Hóa, Trận La Ngà (1948), Chiến dịch La Ban-Cầu Kè, Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Chiến dịch Cao Bắc Lạng (1950), Chiến thắng Tây Bắc, Chiến dịch Sóc Trăng, Xưởng dệt chị Thơm, Trận Trảng Bàng, Trận Trảng Bom... Ðó là các nghệ sĩ: Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Thế Ðoàn, Tô Cương, Lê Minh Hiền và nhiều nghệ sĩ khác của điện ảnh Nam Bộ; đồng thời cùng nhiều cán bộ, công nhân, nghệ sĩ hoạt động điện ảnh tại chiến khu Việt Bắc trong đó có: nhà quay phim Phan Nghiêm, đạo diễn Phạm Văn Khoa, Vũ Phạm Từ... Riêng nhà quay phim Phan Nghiêm, người chưa thật sự được công chúng điện ảnh biết đến nhiều, song lại là một người nổi tiếng từ ngày điện ảnh Việt Nam mới bắt đầu xây dựng với sự chế tạo thành công "máy in tiếng quang học" (chiếc máy có tên "Tự Cường 1", sau đó là được nâng cấp dần gọi là "Tự Cường 2", "Tự Cường 3") để in chuyển đường tiếng từ tính thành đường tiếng quang học trên phim, đưa kỹ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển sang một bước ngoặt trọng đại là từ những thước phim câm (khi chiếu phải có người thuyết minh) sang những bộ phim có âm thanh. Hai bộ phim được áp dụng thành tựu này là Ðại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất và Giữ làng giữ nước. Ông và nhiều cán bộ kỹ thuật khi ấy còn cải tạo một máy in tiếng quang học cũ thành máy ghi âm phim từ 35 mm để có thể chạy đồng bộ với máy in tiếng quang học để in tiếng vào phim. Những công việc này đã góp phần không nhỏ vào kỹ thuật của bộ phim truyện đầu tiên của ÐACMVN Chung một dòng sông (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam) ra đời năm 1959. Ông còn chế tạo các thiết bị để in tráng phim mầu (ông đặt tên là CT (Chiến thắng) và AH (Anh hùng), mở ra một giai đoạn mới cho việc gia công in tráng phim mầu ở nước ta.
Ngược trở lại thời kỳ đầu tiên nhiều khó khăn, gian khổ của ÐACMVN, những ai đã từng gắn bó với ngành đều thật sự cảm động, trân trọng và ngưỡng mộ nhiệt huyết lao động sáng tạo nghệ thuật, tình yêu nghề, tinh thần dũng cảm hy sinh đối mặt với đạn bom của thế hệ các nhà điện ảnh chiến trường để ghi hình trực diện nhiều trận đánh, cho ra đời hàng trăm bộ phim đã được vinh danh cho đến mãi sau này. Ngày hôm nay, xem lại những tác phẩm như Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Giữ làng giữ nước... phải nghiêng mình tưởng nhớ, cảm phục các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu quả cảm thời đó như: Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Quý Lục, Nguyễn Ðăng Bảy, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Như Ái, Nguyễn Thụ, Nguyễn Thu Vân...
Giai đoạn 1954-1965, thế hệ các nghệ sĩ được bổ sung nhiều, hầu hết trong số đó đều khẳng định được vị trí của mình trong sự nghiệp; đó là các nhà quay phim, đạo diễn như Phan Trọng Quỳ, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Xã Hội, Trần Bảo, Nguyễn Giá, Trần Quang Thịnh, Nguyễn Thái Dũng, Lý Cương, Vũ Trọng... Cũng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt này, năm 1964, đạo diễn Lý Thái Bảo cùng những đồng nghiệp của mình là đạo diễn Nguyễn Nhất Hiên, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, quay phim Lưu Xuân Thư, diễn viên điện ảnh Trần Phương, Phi Nga, Huy Công, Lâm Tới ... đã hoàn thành bộ phim Trên Vĩ tuyến 17. Sau đó, đạo diễn Lý Thái Bảo và đồng đạo diễn Bùi Ðình Hạc, tác giả chắp bút kịch bản Phù Thăng, nhà quay phim Lưu Xuân Thư, Nguyễn Xuân Chân cùng nhiều người khác thực hiện bộ phim truyện Nguyễn Văn Trỗi. Trước đó, năm 1952, lúc vẫn đang trong quân đội, đạo diễn Lý Thái Bảo và 15 cán bộ quân đội được Tổng cục Chính trị cử sang Phòng Ðiện ảnh - Nhiếp ảnh để nghiên cứu nghiệp vụ điện ảnh và công tác chiếu phim để về xây dựng điện ảnh trong quân đội. Như nhiều đồng nghiệp của mình gắn bó với ngành điện ảnh, đồng hành với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, phản ánh mọi giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, đạo diễn Lý Thái Bảo đã làm bộ phim tài liệu Những chặng đường cách mạng vẻ vang cùng các đồng nghiệp của ông ở Xí nghiệp phim Tài liệu - Thời sự Trung ương.
Hai tên tuổi lớn nữa mà tôi không chỉ tưởng nhớ mà còn biết ơn sâu sắc, bởi đó là hai người thầy dạy tôi những khái niệm đầu tiên về kịch học điện ảnh. Ðó là hai Nhà biên kịch Bành Châu và Bành Bảo. Các ông, những người nổi tiếng với toàn bộ sự nghiệp sáng tác và đào tạo đã thành danh ở hầu hết mọi kịch bản được làm phim. Ðó là kịch bản phim tài liệu nổi tiếng như Lũy thép Vĩnh Linh, Ðầu sóng ngọn gió, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Một ngày trực chiến..., kịch bản phim truyện Ðường về quê mẹ, Ai giận ai thương, Thằng Bờm, Thằng Cuội, Câu chuyện làng dừa (Bành Châu); Ðến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp (Bành Bảo, viết chung với đạo diễn Trần Vũ), Người chưa biết nói (viết chung cùng đạo diễn Bạch Diệp)... Gắn liền với những bộ phim truyện thành công của nhà biên kịch Bành Bảo và nhiều người khác như nhà biên kịch Vũ Lê Mai, đạo diễn Bạch Diệp, là tên tuổi đạo diễn Trần Vũ, nhà quay phim Nguyễn Ðăng Bảy là những đại thụ của Ðiện ảnh Việt Nam cùng những chuẩn mực về nghề. Cũng trở thành các cặp bài trùng, hoặc bộ tam, bộ tứ sáng tạo nhiều tác phẩm danh giá trong điện ảnh như thế đối với đạo diễn Nguyễn Hải Ninh, họa sĩ thiết kế mỹ thuật Ðào Ðức, Trần Kiềm đã cho ra đời các bộ phim truyện Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Ðất mẹ, Ðêm hội Long Trì...; nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư và đạo diễn Phạm Kỳ Nam với phim Chị Tư Hậu; với đạo diễn Huy Vân, Nguyễn Hải Ninh trong phim Một ngày đầu thu. Sau này, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư còn nổi tiếng với bộ phim truyện Mẹ vắng nhà, Cây xương rồng trên cát, Không có đường chân trời... Một đạo diễn nữa cũng đã từ giã bè bạn từ khoảng ba năm nay mà tên của ông gắn liền với một trong số các bộ phim truyện ghi dấu ấn kinh điển của điện ảnh Việt Nam đó là đạo diễn Nguyễn Văn Thông và bộ phim Con chim vành khuyên (ông là tác giả kịch bản và đồng đạo diễn Trần Vũ). Ông còn là đạo diễn các bộ phim trữ tình như Rừng xà nu, Bài ca không quên, Cuộc gặp gỡ bất ngờ, Nữ thần Laksmi...
Và còn rất nhiều, nhiều những tên tuổi khác nữa của nền ÐACMVN đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp điện ảnh dân tộc. Dù đã đi xa như nhiều nghệ sĩ tôi đã nhắc đến (và chưa thể nhắc đủ) trong bài viết này, nhưng những tác phẩm của các ông vẫn đi cùng năm tháng như: Ga, Sao Tháng Tám, Bài ca ra trận, Thời hiện đại của đạo diễn Trần Ðắc; đạo diễn Nguyễn Hồng Sến với phim Cánh đồng hoang và là nhà quay phim của phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải; các phim tài liệu Ðường dây lên sông Ðà, Trở lại Ngư Thủy của đạo diễn Lê Mạnh Thích; Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh của đạo diễn Nguyễn Thanh An; Ðiện Biên Phủ, Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trở lại Ðiện Biên, phim khoa học Ong mắt đỏ của nhà quay phim Nguyễn Như Ái; phim tài liệu Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Diệt dốt của nhà quay phim Nguyễn Ngọc Quỳnh, Một ngày trực chiến, Lúa trên đất lửa, Tội ác tột cùng, trừng trị đích đáng, Hà Nội lập công mừng thọ Bác Hồ... của nhà quay phim Phan Trọng Quỳ. Tôi cũng muốn được tưởng nhớ nhà lý luận phê bình điện ảnh Phạm Ngọc Trương. Ông là một trong số không nhiều người làm công tác nghiên cứu phê bình điện ảnh lão thành của ÐACMVN, là Tổng Biên tập cuốn sách Sơ thảo lịch sử Ðiện ảnh cách mạng Việt Nam do Cục Ðiện ảnh xuất bản năm 1983 và là tác giả của toàn bộ các phần viết về phim tài liệu, thời sự, khoa học trong cuốn sách này...
Xin được thành kính tưởng nhớ tất cả những thế hệ đi trước của ÐACMVN, nhiều người trong số họ đã được trao tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; nhưng cũng còn những người nghệ sĩ dù chưa được chính thức trao tặng giải thưởng nào, nhưng cống hiến của các ông đã được lịch sử xây dựng điện ảnh và đồng nghiệp ghi nhận; họ đã và sẽ còn mãi trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ điện ảnh nước nhà.