Hồ Công Khanh là người khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến với nghệ thuật thạch thư độc đáo, đặc sắc. Nhưng ông còn một thú chơi tao nhã khác là niềm say mê sưu tầm đồ cổ liên quan tới văn hóa, giáo dục.
Góc lặng từ đá và chất đời trong chữ
Với sưu tập bộ đèn, sách, bút “độc” mà ông đặt tên là “Đèn sách” là một góc lặng đầy sống động trong ngôi nhà ấm cúng. Ông nói rằng văn hóa là cái gốc tích con nguời, phải có chút duyên mới đến được tận cùng niềm mê đắm ấy. Đó là niềm vui tĩnh tại từ tâm hồn và biết cách mang niềm vui san sẻ với mọi người.
Sống ở Đà Nẵng hơn năm mươi năm, ngóc ngách nào của Đà Nẵng ông cũng thuộc. Vậy mà cứ nghĩ đến văn hóa của vùng đất này, ông vẫn canh cánh trong lòng những điều chưa trọn.
Ở Đà Nẵng, thú chơi thạch thư được khởi động từ Hồ Công Khanh, và thú chơi thạch ảnh được biêt đến với người bạn chí thân của ông Khanh là Lê Nguyên Vỹ. Cả hai tâm hồn nghệ sỹ này, đồng điệu trong từng suy nghĩ, họ quan niệm nghệ thuật là cuộc chơi giàu tính nhân văn và hướng thiện.
Hồ Công Khanh từ tốn trong mỗi lời nói, ánh mắt; cẩn trọng đến chi tiết khi viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ đẹp, sắc nét. Chân dung ông chỉ giản đơn có thế, nhưng khi được trò chuyện, mạn đàm với ông về văn hóa, về lối sống thời hiện đại, mới thấy đau đáu một lối lo lắng, băn khoăn về sự khác biệt trong lối sống nhanh, sống vội, hưởng thụ của không ít bạn trẻ bây giờ.
Ngày xưa, để có được một món đồ lưu niệm, nếu tự tay làm ra phải tỉ mẩn và mất khá nhiều thời gian. Còn bây giờ, cuộc sống quá đủ đầy, có thể đáp ứng được mọi nhu cầu lớn, nhỏ. Khi ông chọn đá để giãi bày tâm sự là khi ông nhận ra, đá có linh hồn. Sau những cuộc du ngoạn lên miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, rồi sông Thu Bồn…với nhóm bạn thân và vợ ông - bà Nguyễn Thị Tuyết – Những viên đá cuội vô tri đã được mang về nhà và từ đó, Hồ Công Khanh thỏa niềm đam mê thạch thư của mình.
Nổi tiếng trong nước và thế giới với những tuyệt phẩm thạch thư, nhưng ông khá khiêm tốn với chính mình: “Cái đẹp vốn đã vĩnh cửu, mình thêm chút linh hồn cho nó sống động, vậy thôi”. Đã viết chữ, thì những giá trị văn hóa liên quan tới chữ đều lần lượt vào tầm ngắm của ông. Ông quan niệm rằng, cái đẹp sinh ra từ cuộc sống và nhờ đầu óc sáng tạo của con người, mà cái đẹp vĩnh cửu trước thời gian. Thư pháp trên đá của ông là một cách lưu giữ lại văn hóa Việt, cũng là nơi ông gửi gắm những lời hay ý đẹp về cuộc đời, tình yêu, quê hương, đất nước.
Đèn sách kết tinh tâm hồn-cuộc sống
Thời gian trôi, con người đôi khi cũng lạc bước bởi những chọn lựa, đôi khi là sự hối hận vì không thể lựa chọn lại điều đó một lần nữa. Bắt nhịp với những cái mất đi đó của cả một đời, Hồ Công Khanh đuổi theo những dự định mà ông chắc chắn rằng, nếu làm được, nó sẽ giữ lại giúp cuộc đời này một “Thời ánh sáng” từ những chiếc đèn cũ, bút cũ, sách cũ. Nói về ý tưởng, về cái duyên, ông chỉ lý giải giản đơn bằng việc nhớ lại, hình dung lại lịch sử của tri thức từ thời đèn dầu mà có. “Đó là hình ảnh các sỹ tử đi thi, đêm đêm miệt mài nghiên bút trước ánh đèn dầu… rất dễ thương, mà lịch sử sẽ không tìm lại được bằng hình ảnh nếu như không có những người vì niềm đam mê mà bỏ công sưu tập lại. Ông sợ mọi cái sẽ mất đi vĩnh viễn hoặc chỉ còn tồn tại trong những tác phẩm văn học đơn thuần hư cấu.
Hơn hai mươi năm sưu tập đèn, hiện tại, ông Khanh đã có hơn 150 cây đèn “độc” các loại, trong đó có nhiều cây đèn có tuổi trên năm trăm năm, thời Lý Trần, thời Chăm Pa. Với ông, mỗi cây đèn là một kỷ niệm, được sưu tập ở nhiều nơi và nhiều nước, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Việt Nam. Có cả những chiếc đèn được những người bạn cùng niềm đam mê sưu tầm rồi gửi tặng. Chiếc đèn đầu tiên ông lượm được trên vỉa hè đường Bạch Đằng, Đà Nẵng năm 1992, và đến bây giờ, ông vẫn say mê sưu tập đèn để làm phong phú thêm niềm đam mê của mình.
Ông chỉ gọi đơn giản là bộ sưu tập đèn sách. Mọi cái đều vô giá, không định lượng được, bởi vì, nếu đưa bất cứ một cây đèn nào đó lên và khẳng định nó là quý nhất, thì hẳn nhiên những chiếc đèn còn lại sẽ không “bị xáo trộn”. Ông phân biệt các cây đèn dưới dạng niên đại, sắp xếp một cách ngẫu hứng nhưng đầy ý tưởng và chiều sâu văn hóa. Và cả bộ sưu tập là một chân giá trị bền vững chứ không mang ý nghĩa đơn lẻ. Những cái đèn có linh hồn, có một sức lôi cuốn kỳ lạ, tạo nên một bộ sưu tập có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nó khai mở một thế giới ánh sáng bằng hình ảnh thực và chứa đựng cả cái tâm của người đã cất công hàng chục năm sưu tầm, lưu giữ. Như cái duyên để ông nhìn lại ánh sáng chứ không phải là động cơ để ông sưu tập nó.
Trong ngôi ấm cúng của mình, ông chia nhỏ không gian cho đá, đèn, sách, bút. Mỗi góc nhà được bày biện tinh tế đến ngạc nhiên và thể hiện được chiều sâu văn hóa của chủ nhân. Từng chiếc đèn được giữ gìn, lau chùi sáng bóng. Những cuốn sách về lịch sử Việt Nam qua các triều đại, sách về văn hóa, văn minh nhân loại, sách văn học, sử thi…được cẩn trọng ghi tên, đánh số. Bên cạnh đó, là một góc dành trọn cho những cây bút, hộp mực, và cả những chiếc ngòi bút qua từng thời kỳ phát triển. Ông chia sẻ với chúng tôi rằng, phải nỗ lực ở rất nhiều khía cạnh khác nhau mới tìm được niềm đam mê và giữ được lửa cho niềm say mê đó. “Nếu không lo được tiền cho vợ đi chợ hằng ngày thì làm sao thỏa được chí đam mê này”, ông dí dỏm nói về mình bằng một lý thuyết sống thực sự như vậy.
Bây giờ ông đã đào tạo được một lớp học trò trẻ cùng niềm đam mê thạch thư, cùng chiêm nghiệm thời gian qua ánh sáng của đèn, sách, bút. Với nghệ thuật, tuổi tác không biên giới. Ông muốn hướng cho lớp trẻ cái khí chất của một người nghệ sỹ có văn hóa từ những nét bút đầu tiên, cũng như khi đứng trước chân giá trị của một tác phẩm.
“Tôi muốn xây dựng một bảo tàng văn hóa sống ngay trong gia đình mình. Tôi muốn kéo con người chậm lại một chút trước dòng chảy thời gian để nhận ra một chút đời còn lại. Hy vọng đây sẽ là điểm dừng chân cho những ai có cùng niềm đam mê văn hóa như tôi”, ông nhắn gửi.