Biên độ của sự "văng tục"

09:04, 22/04/2013

Chủ nhân giải thưởng văn học dịch Hội Nhà văn Hà Nội 2007, 9 năm trước từng rung hồi chuông cảnh báo “một thảm họa dịch thuật” với bản dịch best seller “Mật mã Da Vinci”, giờ đang gây tranh cãi với chính bản dịch của mình.

Có thể nhờ thế mà cuốn sách sẽ được nhiều người biết đến hơn, trong khi nó xứng đáng được biết sớm hơn bằng chính giá trị văn chương của nó. 

 

“Những thứ họ mang” - ảnh (tập truyện ngắn của nhà văn Mỹ nổi tiếng Tim O’Brien, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ, Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành) - cuốn sách vừa bị cho là “dịch tục, khiến độc giả la ó” thực ra đã lặng lẽ xuất hiện trên kệ sách từ giữa năm 2011, với lượng bản in khiêm tốn: 2.000 bản, cho một đầu sách biết trước là khó bán. Cuốn sách là bức tranh hiện thực nặng nề cùng rất nhiều suy tư, triết lý không hề thông thường để mà có thể hiểu theo cách thông thường. Đến nay, đây vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến ở VN, một “Nỗi buồn chiến tranh” phiên bản Mỹ.

 

Trên cái nền hiện thực khốc liệt của cuộc chiến, truyện ngắn “Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh” xuất hiện những từ ngữ bị cho là tục tĩu và người dịch đã quyết định đối diện cũng như biết trước sẽ phải đối mặt với dư luận. Ngôn từ tục đó được đặt trong ngữ cảnh: Một tay lính viết cho em gái của đồng đội đã hy sinh mà anh ta hết sức yêu quý một bức thư mà người viết tự thấy “rất hay, rất riêng tư và cảm động”, thậm chí khóc hu hu khi viết. Sự chờ đợi đầy ức chế kéo dài hai tháng mà tuyệt nhiên không nhận được hồi âm đã khiến anh ta phát điên.

 

Lại là một câu chuyện không mới, nhưng chưa bao giờ dễ dàng với những người dịch: Đi đường thẳng hay đường vòng - ít ra, là bằng những từ viết tắt?

 

Phải, an toàn thì là viết tắt (hoặc... lờ đi). Nhưng gần đây, một thái độ ứng xử khác đã được lựa chọn, không chỉ trong văn học mà ngay cả trên sân khấu kịch - là kênh tiếp xúc khán giả trực diện hơn cả. NSND Lê Khanh từng tâm sự: “Xem tôi diễn hài trong “Đời cười 8” chưa? Tôi thậm chí còn cả gan... văng tục trên sân khấu cơ mà! Trông nhẹ hều thế thôi, nhưng văng tục trên sân khấu là khó lắm đấy, bởi nói ra thì dễ, nhưng làm cho khán giả nghe được thì lại là một nhẽ khác. Muốn vậy, phải làm rõ cơn cớ của nó chứ không thể tùy hứng và phải biết cách cài cắm, nhấn nhá sao cho khéo để chữ không bị thô, ý không bị tục...”.

 

Nhưng văn học chỉ có thể trông cậy vào ngôn từ. Điều đáng nói, bên cạnh những từ ngữ bị cho là “dịch tục” ấy (mà chúng tôi tin là dịch giả có tiếng nghiêm ngắn như Trần Tiễn Cao Đăng đã cân nhắc kỹ lưỡng khi có đến 4 chỗ nó được nhắc lại và chắc chắn không hề với mục đích câu khách tầm thường), thì ngay chính trong truyện ngắn đó, cũng như toàn bộ tập truyện, lại có những trang văn đẹp lặng người, trong chính phép đối lập với cái vẻ trần trụi thô ráp kia, để làm nên một trong những trang viết hay nhất về chiến tranh. 

 

 

Nhà văn Chu Lai: “Tôi chưa được đọc cuốn sách cũng như chưa có đủ điều kiện để đối chiếu với bản gốc, nhưng quan điểm của tôi khi cầm bút là: Bất cứ từ ngữ thô ráp nào (không loại trừ những “khẩu ngữ tính dục”) nếu được đặt đúng văn cảnh và phù hợp với logic tâm lý của nhân vật thì đều đắc địa. Tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của tôi vì thế cũng không ngại ngần né tránh những từ kiểu đó. Có lần, tôi còn được xem nhân vật của NSND Hoàng Dũng (Nhà hát Kịch Hà Nội) văng tục ngay trên sân khấu mà vẫn không hề thấy phản cảm. Vấn đề là anh ta có một hoàn cảnh thích hợp, một cơn cớ đầy tràn để có thể “trớ” ra. Bằng không, thì tốt nhất là nên “chùi” đi để giữ lại sự sang trọng của văn hóa đọc!”. 

 

Dịch giả Dương Tường: “Viết tắt những từ nhạy cảm? Tôi nghĩ là cũng chả cần, một khi trên thực tế đó đúng là cách văng tục của đám lính, trong văn cảnh cụ thể và chấp nhận được của nó, như chính tác giả của nó đã  mô tả trung thực. Cũng không nên hiểu đường đi của cái đẹp (cũng như cái xấu) trong văn học một cách đơn giản thế. Có cái đẹp mượt mà, óng ả, thì cũng có cái đẹp dữ dằn, gồ ghề, miễn sao không khiên cưỡng, gượng ép. Theo tôi, nếu không thực sự nhất thiết thì tốt nhất hãy để người dịch chọn đi đường thẳng, hơn là đường vòng. Và Trần Tiễn Cao Đăng, theo tôi, là một dịch giả nghiêm túc, đáng tin cậy!”.