Cuộc chuyển dịch của “Cái cầu thang” thành “Chín bậc tình yêu”

14:06, 02/04/2013

“Chín bậc núi rừng, chín bậc nghiêng nghiêng, tuổi ấu thơ ta lớn lên từ đó, cây muỗm xanh quả hồng quân chín đỏ, đầu cầu thang chờ đón mẹ về…”, giai điệu bài hát “Chín bậc tình yêu” vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là một trong những bài hát được nhiều người yêu thích và có sức sống bền vững bất chấp thời gian. Nhưng đằng sau tên Nhạc sĩ An Thuyên là câu chuyện về phần lời của bài hát có lẽ nhiều người chưa biết.

Năm 1987, tôi giã từ nghề dạy học về làm biên tập viên của Sở Văn hóa Thông tin Bắc Thái và là một trong những người đầu tiên đọc bài “Cái cầu thang” của tác giả Triệu Doanh. Tác phẩm được in trên Tạp chí số 1- Văn hóa – Văn nghệ Bắc Thái năm 1987. Tôi thích bài viết này vì nó ngắn, gọn, tình cảm chan chứa, lại phác họa khá đầy đủ những nét văn hóa của người Tày. Một số đoạn rất hay như: “Cái cầu thang chín bậc nghiêng nghiêng từ mặt đất lên sàn của ngôi nhà sàn người miền núi. Chín bậc để đi chín bước khoan thai lên xuống. Cái thang là cái cầu nối liền khoang nhà ấm cúng với mặt đất bao la”; “Em bé hai tuổi đã đứng giữa cầu thang leo lên, tụt xuống, hai bàn chân đưa dò dẫm, hai bàn tay bám run run nhưng ánh mắt đầy kiêu hãnh”; “Đi làm dâu, em dùng dằng bước xuống chín bậc cầu thang nhà mình để ngập ngừng bước lên chín bậc cầu thang nhà người”;  “Cỗ thọ đường cùng cỗ xe tang đè nặng vai người thân qua chín bậc cầu thang đưa người khuất núi tới nơi an nghỉ cuối cùng…”.

 

Chỉ có gần 500 chữ nhưng tác giả chủ ý ngắt ra làm 9 đoạn văn ngắn, tượng trưng cho 9 bậc cầu thang. Đặc biệt, trong bài, tôi rất thích hình ảnh đặc sệt miền núi này: “Đầu cầu thang em ngồi đợi mẹ đi gặt lúa về, mẹ mở kim băng cài túi áo cho em con muồm muỗm, quả bồ quân”.

 

Phải nói một chút về tác giả, Triệu Doanh là người Tày, ông sinh ra, lớn lên ở bản Khuổi Huân, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Em bé trong bài chính là ông, nhân vật “em” đi làm dâu, chính là em gái ông, người mẹ để dành muồm muỗm, quả bồ quân cho con, chính là mẹ ông. Ông kể: Cứ đến Tết là mẹ tôi lại bảo các con ra vườn lấy hoa mận, hoa đào buộc vào hai bên cầu thang cho đẹp, vì thế trong bài mới có đoạn kết: Như thường lệ, sáng mùng một Tết, hoa đào, hoa mận được cắm hai bên chín bậc cầu thang để đón mùa xuân, đón sức sống mới, niềm vui mới vào mỗi nhà.

 

Hình ảnh chín bậc cầu thang còn trở lại nhiều lần trong các sáng tác của Triệu Doanh, tiêu biểu như bài thơ “Ngày em đi làm dâu”: Em cúi đầu đi qua cửa/ Vịn vai bạn thời chăn trâu/ Buông chân rơi từng bước/ Nước mắt nhòe chín bậc cầu thang.

 

Bài viết trên sau khi ra mắt bạn đọc đã được nhiều người thích. Trong đó, có ông Trần Văn An (cán bộ Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam). Ông An vốn là người đi sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc. Khi đọc “Cái cầu thang”, Trần Văn An như “nhập” vào cảm xúc của Triệu Doanh và viết ra bài thơ “Chín bậc cầu thang”.

 

Được sự giúp đỡ của nhà văn Ma Trường Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi đã có trong tay cuốn Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bắc Thái số 2-1987 in bài thơ nói trên của ông Trần Văn An với lời đề tặng Triệu Doanh. Bài thơ đã kế thừa sâu sắc cảm xúc, kết cấu, hình ảnh của “Cái cầu thang”. Năm 1989, ông Trần Văn An cho xuất bản tập thơ “Chờ em” gồm 23 bài, trong đó có bài “Chín bậc cầu thang”, nhưng không còn để lời đề tặng Triệu Doanh như trước. Cũng trong năm này, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản tuyển tập thơ, và tên của bài thơ này đã trở thành tên của tuyển tập.

 

Lại một sự chuyển động quan trọng nữa. Nhạc sĩ An Thuyên cho ra đời bài hát nổi tiếng “Chín bậc tình yêu” như chúng ta đã biết. Tìm hiểu trên mạng internet, tôi chỉ thấy ghi bài hát sáng tác của An Thuyên, không thấy ghi phần lời của tác giả nào, nhưng rõ ràng “Cái cầu thang” của Triệu Doanh, “Chín bậc cầu thang” của Trần Văn An đã hiển hiện ở phần lời của bài hát này.

 

Đôi điều dông dài với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin có thể bạn chưa biết, ngoài ra tôi không có mục đích gì khác.

 

 

Cái cầu thang

 

Cái cầu thang chín bậc nghiêng nghiêng từ mặt đất lên sàn của ngôi nhà sàn người miền núi. Chín bậc để đi chín bước khoan thai lên xuống. Cái thang là cái cầu nối liền khoang nhà ấm cúng với mặt đất bao la.

 

Mọi vui buồn của đời người đi qua chín bậc cầu thang. Em bé hai tuổi đã đứng giữa cầu thang leo lên, tụt xuống, hai bàn chân đưa dò dẫm, hai bàn tay bám run run nhưng ánh mắt đầy kiêu hãnh. Chín bậc cầu thang làm cho em bé thêm cứng đôi chân, khỏe đôi tay và can đảm thêm ý chí. Đầu cầu thang em ngồi đợi mẹ đi gặt lúa về, mẹ mở kim băng cài túi áo cho em con muồm muỗm, quả bồ quân.

 

Đầu cầu thang là nơi ta ngồi tập hát dân ca, nơi ta ngồi tình tự. Ai đi rồi, chín bậc cầu thang để lại trong lòng ta chín nỗi nhớ, dâng lên trong lòng ta chín nỗi thương. Cái buổi đầu tiên đi học lớp vỡ lòng, chín bậc cầu thang em nhảy làm năm bước. Đi làm dâu, em dùng dằng bước xuống chín bậc cầu thang nhà mình để ngập ngừng bước lên chín bậc cầu thang nhà người.

 

Cỗ thọ đường cùng cỗ xe tang đè nặng vai người thân qua chín bậc cầu thang đưa người khuất núi tới nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Cô sinh viên ở giảng đường đại học, anh lính ở biên giới xa xôi vẫn nhớ từng vết dao chém ở cầu thang nhà mình.

 

Cầu thang có thể yếu ớt mảnh mai bằng vầu, bằng hóp níu buộc vào nhau, có thể bằng gỗ lim, gỗ táu đóng xẻ vuông vức vững chãi. Dầu cao hay thấp, dầu thấp hay thoải, cầu thang lên nhà sàn của người Tày cũng đủ chín bậc.

 

Chín bậc cầu thang là chín tháng người mẹ nuôi lớn trong mình giọt máu thiêng liêng: đứa con. Mỗi tháng đi qua, người mẹ bước lên thêm một bậc cầu thang, từng bậc ngập tràn hạnh phúc lẫn lo âu. Lần trở dạ là khi người mẹ bước lần từ bậc thứ chín trở xuống. Khi tiếng con “oa oa” cất tiếng khóc chào đời là khi Người đã đặt chân đến mặt đất yên lành đầy hoa tươi.

 

Cái cầu thang chín bậc bắc từ mặt đất lên ngôi nhà sàn như người mẹ một đời chịu khó, chịu thương, sẻ chia mọi vui buồn giữa đời.

 

Như thường lệ, sáng mùng một Tết, hoa đào, hoa mận được cắm hai bên chín bậc cầu thang để đón mùa xuân, đón sức sống mới, niềm vui mới vào mỗi nhà.

 

 

 

 Lời bài hát “Chín bậc tình yêu”

 

  Chín bậc núi rừng chín bậc nghiêng nghiêng

  Tuổi ấu thơ ta lớn lên ở đó

  Cây muỗm xanh quả bồng quân chín đỏ

  Ðầu cầu thang ngồi đón mẹ về

  Chúng mình lớn rồi tính tẩu so dây

  Cùng hát then trao vòng tay bẽn lẽn

  Mai cách xa anh ra đi bộ đội

  Ðầu cầu thang dấu chân anh vẫn còn

  Chín tháng mẹ hiền

  Từng bậc lo âu và thương nhớ

  Chín tháng mẹ hiền

  Nhà sàn đơn sơ mẹ sinh con

  Những bước đi đầu tiên

  Mẹ dìu lên từng bậc

  Chín cung đàn, chín cung đàn bên nôi mẹ ru

  Chín khúc đợi chờ

  Ngày hội vui anh về thăm quê

  Bắc chiếc cầu vồng

  Về nhà anh em làm dâu

  Những bước đi đầu tiên

  Từng bậc thang nhà người, bước ngập ngừng,

  Bước ngập ngừng chín bậc tình yêu.

 

Chín bậc cầu thang

 

Chiếc cầu thang chín bậc nghiêng nghiêng

Nối mặt đất với ngôi nhà miền núi

Lên - xuống khoan thai hay bước vội

Mọi vui buồn qua chín bậc cầu thang

 

Đầu cầu thang đợi mẹ xốn xang

Cây muỗm xanh, quả hồng quân chín đỏ

Tuổi ấu thơ ta lớn lên từ đó

Chiếc cầu thang chênh chếch chín bậc thang

 

Chín bậc thang chín nhớ chín thương

Đầu cầu thang ta ngồi tình tự

Cây đàn tính so dây anh đánh thử

Cho em hát lượn, hát then

 

Qua cầu thang chúng mình lớn lên

Anh vào bộ đội chốt trên  biên giới

Vẫn nhớ từng dấu chân em chờ đợi

Nơi cầu thang chín bậc nhà mình

 

Những bậc thang níu buộc chân tình

Bằng tre mai nhà mình mảnh dẻ

Hay gỗ lim của rừng ra quý thế

Dù thấp cao cũng đủ chín bậc lên.

 

Chín bậc thang - như chín tháng mẹ hiền

Nuôi trong mình giọt máu yêu trăn trở

Hạnh phúc, lo âu, chịu thương, chịu khó

Chiếc cầu thang nhắc nhở nỗi vui buồn.

 

Cảm ơn mẹ cho em nét hoa tươi

Đi làm dâu cũng dùng dằng từng bước

Và ngập ngừng đi lên phía trước

Chiếc cầu thang chín bậc nhà người.