Đúng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2013, cuốn sách mang tên Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của tác giả Phạm Bá Khiêm đã được giới thiệu đến người đọc...
Cuốn sách dày hơn 300 trang do nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành đem lại nhiều thông tin hữu ích về Đền Hùng cũng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những cuốn sách đầu tiên đã đến tay bạn đọc vào ngày 25-3. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương kể từ khi nó được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sách gồm năm phần. Trong đó, phần thứ nhất và phần thứ hai chấm phá những nét cơ bản về khu di tích lịch sử Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng, bao gồm Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng do Trực học sĩ Nguyễn Cố soạn năm 1470 thời Hồng Đức (Hậu Lê).
Phần tiếp theo gồm một số bài nghiên cứu công phu của tác giả Phạm Bá Khiêm về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ năm 1993 đến nay.
Phần thứ tư mô tả một số đền thờ Hùng Vương tiêu biểu của các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, như đình thờ Lạc Long Quân ở Thanh Oai (Hà Nội), miếu Lịch Đại Đế Vương ở Thừa Thiên - Huế, đền thờ Hùng Vương ở Thành phố Hồ Chí Minh, đền thờ Hùng Vương ở Biên Hòa (Đồng Nai) …
Phần cuối của cuốn sách công bố 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật trong thời đại Hùng Vương trên phạm vi toàn quốc. Căn cứ khảo sát của tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, các tỉnh có số di tích nhiều nhất là Thủ đô Hà Nội: 525 di tích, tỉnh Phú Thọ: 326 di tích, tỉnh Bắc Ninh: 168 di tích, tỉnh Hà Nam 143: di tích…
Để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNECO công nhận là di sản của thế giới, công việc điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ học đã được thực hiện từ năm 1964. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp này.
Người biên soạn và giới thiệu cuốn sách Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ông Phạm Bá Khiêm, nguyên Trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng, hiện là Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ.
Là người con của đất Phú Thọ, ông Khiêm gắn bó cả đời mình với khu di tích lịch sử Đền Hùng và sự nghiệp văn hóa của vùng Đất Tổ. Do có nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa, cho nên ông có điều kiện nghiên cứu sâu và toàn diện về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đến nay, hàng trăm cuốn sách, bài báo của ông viết về văn hóa Đất Tổ, về lễ hội, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, các thủ lĩnh, tướng lĩnh và vợ con vua Hùng đã được xuất bản. Không ít người hành hương về thăm Đền Hùng, viếng mộ Tổ đã quen thuộc với các tác phẩm viết về Đền Hùng của Phạm Bá Khiêm, như Bảo tàng Hùng Vương (1995), Đền Hùng di tích và cảnh quan (1998), Truyền thuyết Hùng Vương trên vùng Đất Tổ (in chung với Lê Tượng, 2002) …
Ông Khiêm thực sự là “kho báu sống” về di sản văn hóa Đất Tổ khi đang lưu giữ hàng chục nghìn tài liệu quý về Đền Hùng và lịch sử - văn hóa thời đại Hùng Vương.