Phải đông vui và chu đáo hơn nữa !

10:38, 21/04/2013

Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đang diễn ra tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Bên cạnh niềm vui giao lưu, đoàn kết vẫn là kỳ vọng về sự hoàn thiện cơ sở vật chất và đa dạng trong các hoạt động.  

Chợ miền núi mở về trung du

 

Khoảng 150 người gồm đại diện già làng, trưởng bản, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của tám dân tộc thuộc sáu tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hòa Bình đã tham gia phiên chợ vùng cao tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam. Đây là một trong các hoạt động chào mừng Ngày VH các dân tộc Việt Nam 19-4. Sáng hôm qua 19-4, phiên chợ đã khai mạc với các tiết mục nghệ thuật dân gian độc đáo tại một không gian chợ nhỏ mới hoàn thành. Nhiều sản vật từ các địa phương được đồng bào giới thiệu, bày bán.

 

Hiếm có dịp các nhóm đồng bào dân tộc lại tụ hội về khu vực đồi đất Đồng Mô. Nhiều người dân các địa bàn lân cận đã đến phiên chợ, hỏi han, ngắm nghía, mua và dùng thử đặc sản của đồng bào như thổ cẩm, đồ đan, các cây thuốc, xôi màu, rau cải, thịt khô, và cả thắng cố. Nhóm anh em người Mông, Dao từ Hà Giang, chuẩn bị nhiều xương, thịt bò cùng đủ những hành, xả, ớt… để nấu thổ cẩm, thu hút mọi người đến quây quần, dùng với mèn mén và rượu ngô.

 

Cụ Đàm Thị Hội người Cao Lan ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đến dự ngày vui ở làng. Ngồi bán một số cây thuốc, cụ cho biết, vẫn thường bán ở nhà, đã 87 tuổi rồi, nhưng đi thế này rất thích nên theo đoàn đến tận nơi. Được biết, đoàn của cụ còn “chào hàng” đặc sản xôi năm màu, xôi trứng kiến, mật ong rừng, mỳ Chũ, bánh đa kế, nấm lim xanh.

 

Anh La Bảo Duy cùng 20 đồng bào Tày ở Bắc Cạn xuống với phiên chợ, giới thiệu rau rừng, củ quả địa phương và dân ca của dân tộc mình. Anh cho biết, ở quê hương anh trước kia còn có chợ phiên truyền thống, nhưng giờ thay bằng chợ mới rồi. Mong sao tỉnh cũng khôi phục mở phiên chợ như thế này!

 

Phiên chợ vùng cao sẽ tiếp tục mở đến chiều mai 21-4 với mong muốn, đồng bào có dịp giao lưu, tìm hiểu nét văn hóa của các dân tộc anh em. Đồng thời, đây cũng là cơ hội làm quen với một sự kiện văn hóa, giới thiệu với đồng bào nơi khác về bản sắc của dân tộc mình.

 

Làm gì để đông đảo hơn?

 

Nhưng để đạt đến những mong muốn ý nghĩa thì hiệu quả quảng bá, giao lưu, quy mô, chương trình hoạt động cần phải nâng cao hơn nữa. Cũng có nhận xét cho rằng, những gì đã thể hiện còn hơi sơ sài và có phần đơn điệu. Bà Đặng Thị Đức Thịnh – Phó phòng VHTT huyện Lục Ngạn nhận xét, tôi đã tham gia ngày hội ở làng một số lần rồi, tổ chức cho đồng bào giao lưu, gặp gỡ là tốt, nhưng phải có nhiều hoạt động hơn như thi trình diễn người mặc trang phục dân tộc đẹp nhất, tổ chức nhiều trò chơi dân gian, giới thiệu thêm nhiều món ẩm thực đặc sắc… Như ở Lục Ngạn chúng tôi tổ chức ngày hội cho các dân tộc thì nhiều nội dung lắm, lại cắm cả trại, thi hát giao duyên. Cả huyện chúng tôi đã có đến 21 CLB hát dân ca của đồng bào các dân tộc.

 

Cũng góp ý với hoạt động tại làng, chị Nguyễn Bích Hường – Trung tâm VH tỉnh Hòa Bình nói: Nên phát triển thêm nhiều nội dung để xem, nghe được nhiều hơn, và phải có nhiều người tham gia hơn nữa.

 

Chị Hường cũng đề nghị phải hoàn thiện cơ sở vật chất tại làng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đồng bào đến đây. Các nhà dân tộc phải đảm bảo điện, nước, nhất là nước vẫn thiếu.

 

Theo chị Hường, cần khắc phục, có quan tâm đầu tư hơn nữa, để lần sau khi chúng tôi mời các cộng tác viên là các nghệ nhân, quần chúng ở cơ sở đi tham dự, họ cũng nhiệt tình hơn.

 

Đầu tư công sức và kinh phí không nhỏ để tổ chức cho đồng bào tham gia ngày hội, hy vọng BTC, BQL làng lắng nghe nhiều hơn nữa kiến nghị, đề xuất của các cán bộ, nghệ nhân, quần chúng tại các địa phương nhằm phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho đồng bào khi lưu trú, trình diễn, giao lưu tại làng. Đồng thời cần nghiên cứu để kết nối, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân sở tại và các xã, huyện lân cận. Đặc biệt, nên hướng tới huy động sự hưởng ứng của sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, PT trên địa bàn Hà Nội.