Về cuốn sách được gọi là "thành ngữ sành điệu"

07:00, 15/04/2013

Hẳn mỗi người trong chúng ta đều hiểu rằng, ngôn ngữ là phần hồn, phần tinh hoa của dân tộc, cần phải giữ gìn và phát triển nó, làm cho nó ngày càng long lanh và đẹp lên như ngọc sáng. Tiếng Việt là tiếng nói của ân tình, của những âm thanh ríu rít, giàu biểu cảm; do đó được coi là ngôn ngữ của thơ ca.

Tôi tin mọi người đều xúc động và đồng tình với nhà thơ Lưu Quang Vũ khi viết về tiếng Việt: Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy/ Một tiếng "vườn" rợp bóng lá cành vươn/ Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng "suối"/ Tiếng "heo may" gợi nhớ những con đường...

 

Năm 2011, NXB Mỹ thuật xuất bản cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" ghi lại một số thành ngữ mới xuất hiện trong tiếng Việt và có minh họa bằng tranh. Như tên sách đã chỉ ra, "khoái cảm" của người làm sách nghiêng về phía "sát thủ" và "mưng mủ" và muốn truyền khoái cảm đó đến cho người đọc, nhất là giới trẻ. Sách đã bị phê phán. Sau khi điều chỉnh, năm 2013 tác giả Thành Phong, Công ty Nhã Nam và NXB Văn học lại cho xuất bản với tên mới "Phê như con tê tê", in 3.000 bản với lời quảng cáo trên bao sách khẳng định: "Tôi đã trở lại, lợi hại như xưa".

 

Ðây là một sự cố ý, thậm chí thách thức những ai phê phán nó!

 

So với các truyện tranh "ùng... oàng" nhan nhản bấy lâu nay mà nhiều bậc phụ huynh phải đem bán giấy lộn vì làm mất thì giờ và khô cằn tâm hồn trẻ nhỏ, tranh minh họa của Thành Phong không sáng tạo gì, không đem lại xúc cảm thẩm mỹ. Chẳng hạn, minh họa cho câu "Bình thường như cân đường hộp sữa", chỉ vẽ một cái túi có một gói chú thích là "đường", một hộp chú thích là "sữa". Minh họa cho câu "Chuối cả nải" là một nải chuối. Minh họa cho "Bó tay chấm com" là đôi tay bị trói và chữ ".com". Minh họa cho "Vãi tè con cá mè" là một cậu bé đứng đái xuống hồ, con cá đang bơi đến và bộ xương cá về sau. Ấy là chưa kể những hình vẽ méo mó, dị dạng  về con người. Còn về phần lời là các "thành ngữ" Ðã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm; Ðời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở; Lớn phải có lông nách, sống phải có tư cách...

 

Trong bài viết giới thiệu cho cuốn sách, PGS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định "việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - một trong những nhân tố làm nên "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc Việt Nam"; đồng thời cũng khẳng định cuốn sách này là "một nỗ lực đáng ghi nhận"; "một thành công với người làm sách mà chúng ta cần phải trân trọng".

 

Nói về sự trân trọng, tôi xin kể cho PGS Phạm Văn Tình hai chuyện: Một hôm tôi đến nhà người bạn. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau thì con anh vừa đi đá bóng về, anh hỏi: "Hôm nay con đá bóng về có vui không?". Người con không ngoái đầu lại, trả lời: "Thoải con gà mái bố ạ!". Một lần khác, nhà khác, người bố đang chỉ bảo con điều gì, giọng hơi gắt gỏng. Cậu con đỏ mặt tía tai cãi lại, khi ông bố đi rồi, cậu lẩm bẩm "cố tỏ ra nguy hiểm". Nếu đấy là chuyện trong nhà, tôi không hiểu PGS có cổ vũ cho cách sử dụng ngôn ngữ như vậy không? Còn tôi, tôi thấy đau!

 

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, không ai cấm được từ này, thành ngữ kia. Vấn đề là phải sử dụng đúng văn cảnh. Một cuốn sách được in ra, cần thiết phải là một ấn phẩm văn hóa. Vì thế mới cần có sự quản lý của Nhà nước; không thể in một cuốn sách có nội dung xấu hay cổ xúy cho những điều trái với thuần phong mỹ tục.