Vấn đề xây dựng cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa tại Hà Nội đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện, mỗi người có một lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng liệu đã có ai thử nhìn vấn đề từ vị trí của cha ông?
Ở một đô thị lịch sử như Hà Nội, những câu chuyện như trên luôn cũ, mà cũng luôn mới. Bảo tồn hài hoà với sự phát triển luôn là một bài toán khó. Cách đây mấy năm, khi Hà Nội làm tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây, khi đi ngang qua đoạn đường này, chúng tôi đã chắc mẩm: Thế nào khi đào đường Hoàng Hoa Thám, cũng đụng cổ vật. Quả tình không sai. Bởi đường Hoàng Hoa Thám thực chất là con đường được làm trên phế tích của Hoàng thành Thăng Long. Việc khai quật khảo cổ "chữa cháy" sau đó đã được tiến hành.
Hà Nội là một đô thị lịch sử. Bởi thế, hễ thi công là đào được các di vật, cổ vật, dấu tích kiến trúc... Còn nhiều câu chuyện khác như đào được mộ cổ khi xây dựng Khu đô thị Ciputra, hay gần đây là mộ cổ khi xây dựng nút giao thông Đào Tấn... Mỗi phát hiện khảo cổ “bất đắc dĩ” ấy có những giá trị khác nhau. Nhưng điểm chung là sự lúng túng trong cách xử lý. Bên muốn phá bỏ, người muốn bảo tồn.
Có lẽ, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển bộc lộ rõ nét hơn cả khi thành phố Hà Nội dự định xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa, nơi có di tích đàn Xã Tắc. Việc xây dựng cầu vượt là cần thiết, bởi tuyến Xã Đàn - Hoàng Cầu chính là đường vài đai 1. Khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc bởi lưu lượng giao thông rất lớn. Song vấn đề giải quyết nút giao thông này thế nào để bảo đảm không xâm phạm di tích đàn Xã Tắc mới thực sự là vấn đề làm nóng dư luận.
Thành phố Hà Nội dự kiến nhiều phương án, nhưng phương án dự định triển khai là sẽ xây cây cầu có bề mặt 14,5m, 4 làn xe có chiều dài 632m tại nút giao thông này. Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn, nếu tính về hình chiếu từ mép cầu vượt thì cầu vượt sẽ chờm vào khu vực thảm cỏ xanh nơi đặt tảng đá dấu tích đàn Xã Tắc ở trên không khoảng 1,5m. Nói cách khác, một phần mặt cầu rộng 1,5m sẽ "trùm" vào khu vực là thảm cỏ xanh hiện nay. Cũng theo ông Tuấn, cột và mố cầu đều không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ cấp một của khu vực có dấu tích đàn Xã Tắc.
Nhưng thực tế không đơn giản như thế. Bởi chúng ta biết, những hố khai quật hồi năm 2006-2007 không phải toàn bộ di tích đàn Xã Tắc. Ngày ấy, chúng ta đã khai quật, rồi lấp lại để đợi khi có điều kiện sẽ khai quật, tìm hướng bảo tồn, phát huy. Hơn nữa, theo GS. Phan Huy Lê, chỉ giới được bảo vệ (mà ta gọi là vùng lõi, vùng trung tâm của di sản) không hoàn toàn trùng với đảo giao thông Xã Tắc hiện nay. Theo bản đồ của các nhà khảo cổ, đảo giao thông Xã Tắc chỉ chứa chưa tới một nửa số hố khai quật nằm trong chỉ giới bảo vệ. Vì thế, không thể coi tránh khu vực thảm cỏ xanh là tránh vùng lõi của di tích. Hơn nữa, ngay cả nếu coi khu vực thảm cỏ xanh hiện nay là vùng lõi, thì việc cầu vượt "trùm" lên khu vực này 1,5m cũng ảnh hưởng đến không gian di tích.
Giá trị của đàn Xã Tắc không còn phải tranh cãi. Đàn Xã Tắc phát lộ khi Hà Nội xây dựng đường Xã Đàn ngày nay vào cuối năm 2006. Một năm sau, đàn Xã Tắc được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đàn Xã Tắc không chỉ là một kiến trúc. Đàn Xã Tắc thờ thần Đất và thần Nông ("xã" là đất và "tắc" là ngũ cốc). Trong các nghi lễ do triều đình chủ trì ngày xưa, cúng đàn Xã Tắc và cúng đàn Nam Giao có ý nghĩa thiêng liêng bậc nhất. Bởi thế, đàn Xã Tắc có giá trị văn hóa và tâm linh rất đặc biệt. Hai từ "xã tắc" trong nhiều trường hợp được nhà nước trước kia dùng với ý nghĩa tượng trưng cho quốc gia, dân tộc. Di tích đàn Xã Tắc còn là một bộ phận cấu thành của di tích Hoàng thành Thăng Long. Có lẽ, tầm quan trọng của nó chỉ đứng sau phát hiện khảo cổ về khu trung tâm của Cấm Thành Thăng Long, tại khu vực số 18 Hoàng Diệu.
Thêm một lần xảy ra tình trạng bên muốn xây, người đề nghị tìm giải pháp khác. Ở một đô thị lịch sử như Hà Nội, trong tương lai không xa, chắc chắn "kịch bản" của nút giao thông Ô Chợ Dừa sẽ lặp lại. Bảo tồn cái gì, không bảo tồn cái gì để phục vụ cho phát triển? Lựa chọn phương án bảo tồn thế nào? Thực tế, có những trường hợp di sản buộc phải hy sinh. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, bảo tồn là cần thiết. Chủ đầu tư có cách nhìn của chủ đầu tư, nhà khoa học có cách nhìn của nhà khoa học. Nhưng liệu chúng ta đã bao giờ thử nhìn vấn đề từ vị trí của cha ông?
Chúng ta không thể mời tổ tiên lên để cật vấn. Nhưng chúng ta thử hình dung: Những công trình quan trọng bậc nhất của chúng ta hôm nay, gồm cả những công trình tâm linh một vài ngàn năm nữa có thể cũng thành phế tích, chôn vùi dưới những lớp đất sâu. Con cháu chúng ta tình cờ đào lên. Chúng ta sẽ mong muốn con cháu chúng ta ứng xử thế nào với những di tích là mà hiện giờ đang là những thứ quan trọng bậc nhất của chúng ta? Nếu trả lời được câu hỏi này, hẳn câu hỏi cho giải pháp xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa sẽ cũng tìm được câu trả lời.