Năm nay châu Á có 3 đại diện đầy tiềm năng dự tranh giải Cành cọ Vàng. Thậm chí, 3 bộ phim còn được đánh giá là "nặng ký" nhất tại Liên hoan Cannes năm nay.
“Like Father, Like Son” (Hổ phụ sinh hổ tử) - Phim Nhật Bản
Theo bình luận của tờ Telegraph: “Like Father, Like Son” là bộ phim hay nhất dự tranh Cành cọ Vàng năm nay. Phim mang lại hiệu ứng mạnh đối với khán giả tại Cannes: Những tiếng cười rộ lên ở những tình huống hài hước, những tràng pháo tay không ngớt khi phim kết thúc và những giọt nước mắt của khán giả trong suốt quá trình xem phim.
Phim kể về Ryota, một kiến trúc sư giàu có và tài giỏi. Điều khiến anh thất vọng nhất chính là cậu con trai 6 tuổi Keita. Cậu bé không có một tư chất nào đáng để anh mong đợi, kỳ vọng. Anh luôn tự hỏi tại sao con mình lại kém vậy.
Cho tới một ngày, bệnh viện gọi đến báo cho anh biết con đẻ của Ryota đã bị trao nhầm cho một gia đình lao động bình dân và đứa bé anh đang nuôi là con của họ. Lúc này, Ryota phải lựa chọn giữa việc nhận lại cậu con trai ruột hay tiếp tục nuôi đứa trẻ mà mình đã gắn bó 6 năm nay.
Sự lựa chọn nào cũng bộc lộ những điều không hoàn hảo khiến Ryota day dứt. Một câu hỏi khó có lời đáp thỏa đáng được đặt ra: Tình mẫu tử, phụ tử được định nghĩa bằng dòng máu hay bằng khoảng thời gian mà cha mẹ ở bên con cái?
“Like Father, Like Son” đã đưa ra một chân lý rằng chính từ sự hiện diện của những đứa trẻ mà những người cha mới học được cách làm cha và trở thành người đàn ông thực thụ.
“The Past” (Quá khứ) - Phim Iran
Bộ phim của Iran - “The Past” (Quá khứ) được thực hiện bởi vị đạo diễn tài danh Asghar Farhadi. Ông cũng chính là người đã đạo diễn phim “A Separation” - bộ phim giành giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất năm 2012 và giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 2011.
Lần này, Farhadi mang “The Past” tới Cannes - một câu chuyện khắc họa những biến động chua xót trong đời sống gia đình. Trong “The Past”, Farhadi lấy bối cảnh ở Paris với dàn diễn viên chủ yếu là người Pháp.
Chủ đề của “The Past” là sự đan xen, ràng buộc giữa quá khứ và hiện tại, “Ta cố gắng để giải thoát bản thân khỏi quá khứ nhưng quá khứ sẽ bủa vây, không cho ta làm vậy”.
Chuyện phim kể về một người đàn ông Iran quay về Pháp hoàn tất các thủ tục ly hôn để vợ cũ đi lấy chồng mới.
Trước khi về, anh đã chuẩn bị tâm lý để đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra, nhưng lạ kỳ thay, người vợ cũ ra tận sân bay đón cha con anh và nhất nhất đòi hai cha con phải về nhà cô ở thay vì thuê phòng trong khách sạn.
Trong căn nhà chật chội, anh và con riêng, vợ cũ và chồng mới, cùng các con riêng của vợ ở chung. Mỗi ngày có biết bao câu chuyện lớn bé xảy ra. Bối cảnh phim trở nên phức tạp bởi nhiều mối quan hệ đan xen, chồng chéo, những khác biệt về thế hệ và văn hóa, những mâu thuẫn giữa quá khứ và hiện tại…
Các nhà phê bình khen ngợi cái nhìn chi tiết, tỉ mỉ nhưng không định kiến trong “The Past”. Giữa ngổn ngang những mối quan hệ, xúc cảm của người lớn và trẻ nhỏ đều được quan tâm khắc họa kỹ càng và tinh tế.
“The Past” cũng giống như “A Separation”, đề cao yếu tố cảm xúc và diễn xuất nội tâm của diễn viên. Đạo diễn Farhadi chia sẻ anh cảm thấy hài lòng vì mình vẫn có thể tiếp tục tìm ra những khía cạnh mới khốc liệt trong mối quan hệ gia đình.
“Đối với một gia đình không hạnh phúc, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều nỗi đau và luôn sống trong tâm thế chịu đựng. Câu chuyện của mỗi gia đình bất hạnh là rất riêng bởi họ bất hạnh theo những cách khác nhau. Tôi có thể dành cả sự nghiệp của mình để khai thác đề tài này mà không thấy chán”.
“A Touch of Sin” (Chạm vào tội ác) - Phim Trung Quốc
Đạo diễn Trung Quốc - Giả Chương Kha qua bộ phim “A Touch of Sin” đã khắc họa những lát cắt chân thực trong đời sống xã hội Trung Quốc đang thay đổi quá nhanh. Những đề tài ông đề cập đến bao gồm nạn tham nhũng, lối sống vật chất, tội ác bạo lực và khoảng trống ngày càng gia tăng giữa người giàu - người nghèo.
“A Touch of Sin” mang đậm màu sắc chính trị. Chuyện phim gồm 4 câu chuyện nhỏ được kết nối với nhau, tập trung khai thác cuộc sống của những con người ly hương lên thành phố lập nghiệp:
Một công nhân trẻ liên tục nhảy việc những mong thay đổi cuộc đời mình nhưng cuối cùng nhận thấy tương lai dù ở đâu vẫn là một màu u ám nên đã quyết định tự vẫn. Một nữ nhân viên làm việc tại một tiệm mát-xa bị khách hàng cưỡng hiếp đã dùng dao chống trả gây nên một vụ án giết người chấn động dư luận.
Một công nhân quanh năm đi làm xa, đến dịp Tết trở về nhà cố gắng hâm nóng tình cảm vợ chồng vốn đang dần nguội lạnh, rạn nứt, cuối cùng đã để câu chuyện kết thúc bằng một phát súng săn. Một người dân sống ở quê quyết định phải dùng tới bạo lực để đáp trả tên “quan” tham nhũng, hách dịch.
Đạo diễn Giả Chương Kha cho biết ông thực sự bị ám ảnh bởi những câu chuyện bạo lực ngày càng xuất hiện nhiều trên mặt báo Trung Quốc. Trong đó con người đối xử với nhau vô cùng tàn nhẫn. Ông muốn khắc họa những câu chuyện như thế trong kịch tính cao trào để người xem thực sự thấm thía về những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay.
“Ở Trung Quốc, những câu chuyện bạo lực rùng rợn vẫn thường xảy ra nhưng người dân nghe xong, đọc xong lại rất nhanh quên. Tôi không muốn người dân nước mình quay lưng hờ hững với những câu chuyện khốc liệt như vậy.
Đó cũng có thể là cách mà họ chọn để trốn tránh khỏi những câu chuyện bi thảm đang diễn ra. Những chuyện mà tôi đề cập đến thực chất không có gì đụng chạm hay nhạy cảm bởi ở nước tôi chúng đã xuất hiện trên mặt báo khá nhiều rồi.
Nếu hỏi tôi rằng câu chuyện này xảy ra ở thời nào, nó có phải là hậu quả của một thời kỳ hiện đại hóa không. Tôi sẽ nói rằng con người sống ở những thế kỷ trước cũng đã có những hành vi bạo lực rồi.
Cuộc sống luôn có những lý do, những tồn tại vượt quá sức chịu đựng của một số người khiến họ phải hành động để đáp trả. Dù ở thời phong kiến hay trong thời hiện đại, bản chất con người vẫn vậy thôi”.