Các nghệ sĩ biểu diễn và sáng tác tại Việt Nam cho biết, họ cảm thấy như công sức của mình không hề được bảo vệ.
“Chúng tôi chưa chắc cần tiền, mà cần sự tôn trọng”
Wowy Huy - một nghệ sĩ nhạc rap Sài Gòn tham gia Liên hoan Âm nhạc Châu Á (CAMA) tại Hà Nội ngày 11.5, chia sẻ: “Để sản xuất một bài nhạc hay một album, kiếm lại được lợi nhuận từ đó và phát triển là rất khó khăn với thị trường hiện tại, bởi mọi thứ đều có thể được download miễn phí trên mạng.
Chúng tôi sẽ không còn kinh phí để tiếp tục sản xuất. Quan niệm về bản quyền chưa tồn tại trong đa số những người thưởng thức nghệ thuật. Họ nghe mà không quan tâm tới công sức mà nghệ sĩ đã bỏ ra.
Chúng tôi không muốn tác phẩm của mình bị coi rẻ như vậy nữa. Mặc dù ai cũng muốn đứa con tinh thần được mang đi khắp nơi, nhưng vấn đề là nó đi khắp nơi với một thái độ như thế nào? Một thái độ tôn trọng, hay người ta chỉ bấm nghe, xong rồi vứt nó qua một bên? Chúng tôi muốn khi khán giả quyết định chọn bài nào thì họ sẽ lắng nghe, vì đã trả một cái gì đó để đổi lại giá trị tinh thần ấy.
Thực ra, với riêng tôi, việc trả phí qua mạng dù ít dù nhiều chưa chắc đã quan trọng, quan trọng là thái độ của người nghe với người làm nhạc.Về lâu về dài, điều này cần phải thay đổi. Ở nước ngoài, luật về bản quyền đã được thực thi nghiêm khắc từ rất lâu rồi. Chỉ cần nghệ sĩ sáng tác xong thì tự động bản quyền sẽ được cho vào tác phẩm”.
Một ca sĩ của ban nhạc Pulso (Philippines) cũng có mặt tại Hà Nội tham dự CAMA, nói: “Tại Philippines hiện nay, một số nghệ sĩ sẽ tạo thành một nhóm để làm việc với đơn vị bản quyền (như là các công ty sản xuất nhạc). Nhưng tất nhiên, ngày càng nhiều nghệ sĩ muốn tiếp cận thị trường Internet. Họ hoàn toàn có quyền lựa chọn chia sẻ miễn phí hay được trả phí. Các đối tác mạng sẽ đảm bảo điều này. Nó tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng nghệ sĩ thôi”.
“Ở VN, chỉ 1% download có bản quyền”
Ông Giles Cooper - luật sư quốc tế, Cty luật Duane Morris Việt Nam, thông tin: “Chỉ có khoảng 1% lượng download và cung cấp sản phẩm trên mạng tại VN có bản quyền. Như vậy có nghĩa là 99% còn lại là không bản quyền. Số lượng download và cung cấp sản phẩm bất hợp pháp như thế này, trên thế giới khoảng 63%”.
Ông Cooper cũng cho rằng ý thức của người nghe là một khó khăn lớn: “Hầu hết mọi người mà tôi biết đều không cho đây là vấn đề lớn. Tuy nhiên khi nhìn vào các nghệ sĩ tại chính nước mình, các bạn sẽ thấy rằng họ cần được hỗ trợ như thế nào, bằng cách bảo vệ sự sáng tạo cho họ để cạnh tranh với thế giới. Nếu không sẽ cực kỳ khó để phát triển”.
Trong khi đó, nguồn tin từ ĐSQ Mỹ cho biết, các ngành nghề sáng tác và giải trí chiếm tới hơn 40% GDP và gần 60% tổng xuất khẩu của Mỹ.
18+, ban nhạc rock mới nổi của VN chia sẻ: “Hiện nay, các bài hát chúng tôi đã sáng tác chỉ dừng lại ở các video trình diễn được tải lên Youtube. Còn các bản mp3 đều không được tung ra. Nếu làm CD, chúng tôi sẽ in với số lượng vừa phải để mọi người có thể mua; còn phát hành trên mạng là chủ yếu, qua kênh iTunes hoặc các trang nhạc số có thỏa thuận trả phí. Đó là cách chúng tôi đối phó với tình trạng tải nhạc hiện giờ”.
Nếu như các ca sĩ có thể chỉ mất một phần công sức trong việc tạo nên một bản nhạc, thì các nghệ sĩ trẻ VN như 18+ hay Wowy Huy lại thiệt thòi hơn rất nhiều. Thứ nhất, bởi họ chơi các dòng nhạc ít đại chúng hơn, cũng có nghĩa là thị trường nhỏ hẹp hơn rất nhiều. Thứ hai, họ hầu như đảm nhiệm cả hai quá trình: Sáng tác và biểu diễn. Và, trong tình trạng bản quyền không được bảo vệ như hiện nay, họ càng thêm chật vật. Nếu nói họ chơi nhạc chỉ vì đam mê thì đó cũng không phải là một phát biểu sáo rỗng.