Biên kịch sân khấu: Đâu rồi tính dự báo, phát hiện?

08:08, 31/05/2013

Chưa khi nào kịch bản sân khấu lại rơi vào “khủng hoảng” như hiện nay. Việc thừa kịch bản kém chất lượng, thiếu kịch bản hay là những vấn đề đang gây nhức nhối cho người làm nghề. Điều đáng lo hơn nữa là sân khấu truyền thống như chèo, tuồng... mỗi thể loại hiện chỉ có một tác giả viết kịch bản. Tìm đâu ra những nhà biên kịch tâm huyết, say nghề... để có những tác phẩm tốt cho sân khấu vẫn đang là một dấu hỏi.

Đánh mất chức năng dự báo

 

Không khó để nhận thấy, những kịch bản hay, chất lượng đang ngày càng khan hiếm hơn trên sân khấu. Ở mỗi kì liên hoan, cuộc thi sân khấu đều cho thấy điều này, phần lớn các đạo diễn vẫn phải lựa chọn những kịch bản cũ hoặc chuyển thể từ văn học...

 

NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng: “Mỗi trại sáng tác kịch bản có hàng chục tác giả nhưng tác phẩm chất lượng thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tác phẩm sân khấu hiện nay vẫn thiếu sự hoàn chỉnh. Chỉ có ở Việt Nam, đạo diễn mới can thiệp sâu vào kịch bản của tác giả. Người viết còn lỏng lẻo, kịch bản chưa có kết cấu vững chắc. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có tới 300 tác giả nhưng vở diễn được dàn dựng mỗi năm chẳng bao nhiêu. Cái thiếu của tác giả kịch bản bây giờ là cơ sở lý luận, nhận thức về học thuật. Hiện tại, tác giả viết chỉ để kể lại một câu chuyện”.

 

NSƯT Lê Chức lại nêu ra một thực tế báo động: “Mỗi kịch bản mới của sân khấu truyền thống hiện nay được liệt vào danh sách quý hiếm. Bởi tác giả của tuồng, chèo chỉ còn duy nhất một người. Sân khấu ngày nay đánh mất dần sự lãng mạn, âm nhạc... Và hơn hết, đó là chức năng dự báo của người cầm bút, sáng tác như một thiên mệnh”.

 

Quả thực, đã lâu rồi, những vở diễn hay có chức năng dự báo nhiều vấn đề của cuộc sống xã hội không còn nhiều, thậm chí rất hiếm. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho rằng: “Chất lượng kịch bản sân khấu hôm nay phần nào chưa đáp ứng đòi hỏi của công chúng, chưa phản ánh được những biến động mang tính xã hội và nhân văn, khi sân khấu vốn được mệnh danh là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Các nhà biên kịch có phần lúng túng, khi viết đề tài đương đại chưa tìm ra được nhân vật trung tâm, đề tài lịch sử chưa khắc họa được nhân vật, bài học lịch sử...”.

 

Không riêng gì lĩnh vực sân khấu, người viết muốn có được tác phẩm của mình đòi hỏi phải có vốn sống, là sự thôi thúc của bản thân. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, người viết hiện nay còn chưa chuyên nghiệp. Nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Sáng tác kịch bản là một cái gì đó rất cụ thể nhưng cũng hết sức mơ hồ. Người viết nếu không có sự “đau” nghề thì không ra được sản phẩm đích thực. Hãy trở về cõi tĩnh, nghe lòng mình viết ra cái gì của mình mà không lệ thuộc vào vật chất”.

 

Cần phải có cái “ôm” giữa biên kịch và đạo diễn

 

Lâu nay, trên sân khấu vai trò của thầy tuồng gần như bị lu mờ bởi bàn tay của đạo diễn và diễn viên. Đạo diễn Đăng Minh thẳng thắn: “Kịch bản chỉ là cái cớ cho đạo diễn và diễn viên bày trò. Một tác phẩm sân khấu ở TP.HCM trở thành công trình của tập thể, tác giả kịch bản chỉ một phần nhỏ. Cải lương không còn chất lượng như xưa, xem xong không thấy chất cải lương. Kịch bản không hấp dẫn để thấm vào lòng người, mới giải quyết phần nhìn, giải trí qua loa”.

 

Nói như vậy để thấy có một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh và hấp dẫn đòi hỏi quan hệ đạo diễn- biên kịch phải là mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau. Mà theo nhà văn Chu Lai thì nhà biên kịch và đạo diễn phải có cái “ôm” cùng nhìn về khán giả. Nếu có lớp Lý luận phê bình biên kịch thì mỗi tác giả nên có một số hiểu biết về công việc của đạo diễn, thậm chí là diễn viên và ngược lại... Biên kịch là một nghề chông gai, phải gắn liền với đạo diễn và giữa họ như một cặp bài trùng.

 

Đạo diễn trẻ Trần Minh Bảo Quốc cho rằng: “Một thực trạng chung là có nhiều đạo diễn chưa nắm được những xung đột của thời đại, những vấn đề xã hội lớn lao. Nên khi được giao kịch bản để chỉnh sửa, biên tập, dàn dựng kịch bản lại theo quan điểm của mình. Cách làm này đã làm hạ thấp vai trò sáng tạo của biên kịch. Đạo diễn đã bỏ qua những giá trị nghệ thuật của kịch bản văn học”.

 

Vấn đề được đặt ra xung quanh kịch bản kém chất lượng như hiện nay thì nên chăng mở khoa đào tạo biên kịch? Nhà văn Chu Lai thì cho rằng: “Sáng tạo là cõi lung linh huyền ảo, không thể truyền dạy, chỉ có thể truyền lửa cho nhau”. Và người biên kịch muốn viết hay phải có vốn sống, hiểu biết thực tế. “Đó phải là sự “đau” nghề, không thể chỉ bằng lòng với kiến thức mình đã có mà phải học đến khi 2 tay buông xuôi mới thôi”- ĐD NSND Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.