Tiểu thuyết Dòng sông mang lửa của tác giả Hồ Sỹ Hậu, NXB Hội Nhà văn năm 2012, có thể là hồi ức mà cũng là lịch sử biên niên. Hơn 600 trang sách cho thấy lai lịch và sự hình thành một kỳ tích vào loại vĩ đại nhất của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: công cuộc vận chuyển xăng từ hậu phương miền bắc vào chiến trường miền nam.
Tôi chắc nhiều người dân, ngay cả những người đã kinh qua chiến tranh chống Mỹ, cứu nước cũng không biết được rằng để chuyển xăng vào chiến trường, bộ đội dân công ta đã phải dùng ba-lô để gùi xăng đựng trong túi ni-lông. Trúng bom, đạn, túi xăng bốc cháy, nhiều chiến sĩ hy sinh. Không trúng bom đạn mà túi đựng bị rách vỡ, nhiều người bị ngộ độc xăng mà tàn phế hoặc hy sinh. Rồi xăng chuyển trong ống tre, ống cao-su... Tất cả đều bất cập. Tổn thương nhiều mà lượng xăng vận chuyển không được bao nhiêu. Hệ thống tải xăng bằng ống kim loại hình thành. Lắp đường ống, gắn máy bơm trong địa hình rừng núi sông suối cheo leo và mức đánh phá của phi pháo địch vô cùng ác liệt. Tác giả là người trong cuộc, có mặt từ buổi đầu cho đến lúc chiến tranh kết thúc. Viết, đối với ông là sống lại trong ký ức những tháng năm gian lao cao cả cùng đồng đội, là xót thương, biết ơn, khâm phục những người đã khuất, là nghiền ngẫm lại lẽ sống, chết của bạn bè và của chính mình. Ca ngợi hào hùng nhưng cũng nhiều đau đớn, xót xa. Chiến tranh lùi xa, tác giả có điều kiện bộc lộ trung thực những gì đã trải qua, đã chứng kiến. Tiểu thuyết đầy ắp tư liệu có giá trị như một cuốn thông sử biên niên, có lẽ đầy đủ và phong phú nhất về bộ đội đường ống xăng, dầu Trường Sơn năm tháng ấy. Có thể coi đây là thứ hiện vật phi vật thể của Bảo tàng chiến tranh chống Mỹ. Ðây là cống hiến của tác giả Hồ Sỹ Hậu, một nhà văn mới viết nhưng đồng thời lại là vị tướng có thâm niên trong cuộc chiến tranh này. Ngòi bút ông đã làm trọn phận sự một chứng nhân lịch sử. Thời gian càng lùi xa, những trang ký ức trung thực này càng rõ thêm giá trị một thứ quặng nguyên khai mang đầy đủ trầm tích dữ dội và bi thương của chiến tranh. Những cái chết tức tưởi, đầy ngẫu nhiên hay sự hy sinh lẫm liệt mang tính tự ý thức cao cả đều làm chúng ta nghĩ tới tính chất ác liệt và sự phi lý của bom đạn. Do độ lùi của thời gian hay do tính điềm tĩnh của sự từng trải đã tạo cho tác giả một giọng kể ôn tồn, tự kiềm chế, không cao giọng ngợi ca mà cũng không quá bi thương sầu thảm. Ông kể trong độ lắng lại của hồn mình, giúp người đọc nhận chân rõ lớp lang sự kiện, tình huống bối cảnh.
Nhân vật nhiều và đồng phẩm chất. Yếu tố phản diện trong tính cách con người ít thấy khai thác ở đây. Họ là lớp thanh niên Hà Nội vừa rời trường đại học, thông minh, giàu ý chí, có lý tưởng sống cao đẹp. Họ là lứa con trai, con gái vừa lớn lên ở các miền quê dưới xuôi hay vùng núi, ý thức được trách nhiệm với đất nước lại vẫn giữ nét hồn nhiên tươi xanh mà ra trận. Họ là những chiến sĩ đã qua kháng chiến chống thực dân Pháp, có kinh nghiệm chỉ huy và lòng yêu thương chiến sĩ như tình cha với con. Vài nét phản diện tiêu cực thấp thoáng mờ nhạt đâu đó. Có, nhưng không phải là mạch khai thác của câu chuyện. Hồ Sỹ Hậu say đắm quan sát vẻ đẹp của hy sinh, của lòng vị tha, của tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy. Ngay một trường hợp đào ngũ cũng được kể trong cõi lòng cảm thông, độ lượng. Một tố cáo oan khuất cũng được nhìn nhận trong thế bao dung. Những mối tình, khi đơn phương u uẩn, khi khát khao hồn nhiên, tất cả đều trong sáng vị tha. Hồ Sỹ Hậu có cách nhìn và lý giải chuyện đời trong thế thuận, trong vẻ tốt đẹp "nhân chi sơ tính bản thiện". Thế giới nhân vật của Dòng sông mang lửa là một thế giới đồng nhất trong phẩm chất hy sinh cao cả, hoài bão lớn lao. Tiểu thuyết không tìm vào những mâu thuẫn tính cách. Kịch tính của câu chuyện không hình thành từ những xung đột cá nhân mà hình thành từ ý chí con người trước tính ác liệt của chiến tranh. Hồ Sỹ Hậu có dành bút lực để cá thể hóa đôi ba tính cách thanh niên trí thức Hà Nội như Ngọc, như Quang, như Thục... Ông có khắc họa một số tính cách nhưng không nhiều và cũng chưa sâu sắc, chưa phong phú. Sức lôi cuốn của tiểu thuyết vẫn là ở sự kiện hơn là từ tâm tư, số phận những con người. Có cảm giác, ngòi bút tác giả chưa dứt khoát giữa vai trò nhà văn, khám phá vào tâm hồn nhân vật và nhà chép sử, lưu lại đầy đủ các sự kiện của bộ đội đường ống Trường Sơn. Tất cả nhân vật của ông đều hoạt động trong mặt cắt của không gian Trường Sơn, của nhiệm vụ chiến đấu. Mọi tính cách nhân vật chủ yếu được bộc lộ trong không gian ấy, trong công việc ấy. Tác giả tự kiềm chế chính mình: mỗi khi nhân vật hoặc tâm trí nhân vật có điều kiện vượt ra ngoài không gian ấy, ông cũng nhanh chóng thu xếp để họ quay trở lại, nhanh chóng gắn họ vào những sự kiện của Trường Sơn, cứ như sợ hãi một sự lạc đề. Nhưng có điều này, muốn lưu ý tác giả, chính những trang "ngoài Trường Sơn" lại là những trang cảm động. Ấy là cảnh Lan trở về gặp bố mẹ, ấy là lúc Ngọc có công việc trở ra Hà Nội và nhất là ở phần cuối truyện. Người đọc có nhu cầu thấy phần con người xương thịt của đời thường trong những tính cách cao cả, những ý chí sắt thép của Trường Sơn. Và cũng chính từ đấy, người đọc có dịp thấy rõ hơn những số phận con người, những trớ trêu của chiến tranh...
Một vốn sống phong phú, một nhập cuộc tích cực ở tung thâm ác liệt của cuộc chiến, một từng trải nhiều cung bậc từ người lính lên vị tướng, một sức nhìn và nghĩ của một cán bộ khoa học và nhất là sự nhạy cảm và tinh tế đã bộc lộ trong tác phẩm này khi miêu tả những rung động tình yêu, những tình huống hy sinh của người lính, Hồ Sỹ Hậu có đủ những tiền đề để tạo dựng những tác phẩm bề thế đủ rộng bao quát những giai đoạn chiến tranh và đủ sâu nhân tình thế thái của thời cuộc.