Gần đây, rộ lên hiện tượng một số người trông nom di tích muốn tự động sửa sang, tu bổ di tích vượt qua sự quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước. Ðiển hình là chùa Trăm Gian đã bị tháo dỡ và làm mới một cách tùy tiện, xâm hại tới di tích lâu đời hàng trăm năm. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy ?
Nước ta có tới hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa. Trải qua những năm tháng chiến tranh và sự tác động của thiên nhiên như mưa nắng, gió bão, thời tiết ẩm ướt... nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Hằng năm, Nhà nước đã đầu tư một khoản kinh phí lớn để tu bổ, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, sự đầu tư đó vẫn là chưa đủ, nhiều di tích vẫn nằm trong tình trạng xuống cấp, có nguy cơ đổ nát.
Trong khi đó, một số di tích có nguồn thu khá lớn qua các lễ hội, qua sự cung tiến, đóng góp của nhân dân, từ đó nảy sinh nhu cầu sửa sang tôn tạo di tích. Muốn làm được điều đó phải thực hiện những quy định chặt chẽ của Luật Di sản Văn hóa, phải chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng để bảo đảm việc tôn tạo giữ được giá trị nguyên gốc của di tích. Thế là người ta nảy ra ý muốn "vượt rào", tự động sửa sang, tu bổ di tích.
Tâm lý chung của những người trông nom di tích là muốn làm mới thật lộng lẫy, hoành tráng theo cách suy nghĩ của họ. Ðã từng có nơi người ta đem tất cả các pho tượng trong chùa ra sơn phết lại lòe loẹt, xây mới những ngôi nhà khang trang với kiểu cách hoàn toàn mới, có nơi còn đặt và trưng bày các hiện vật trong khuôn viên không ăn nhập với nội dung và cảnh quan di tích...
Nhưng họ có biết đâu rằng di tích lịch sử, văn hóa chỉ có ý nghĩa khi giữ được giá trị nguyên gốc của nó. Mỗi di tích đều kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, ghi đậm dấu ấn kiến trúc, tài năng sáng tạo nghệ thuật của cha ông. Ở đó thể hiện tâm hồn, khối óc và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tiền bối qua từng viên gạch, từng nét hoa văn, từng đường chạm khắc...
Nếu phá bỏ những chi tiết vô cùng quý giá đó thì vô hình trung đã phá bỏ những giá trị của di tích. Những giá trị nguyên gốc mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được, cho dù có "đắp vàng" lên nó. Cho nên vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất trong việc sửa sang, tu bổ di tích là phải giữ bằng được những giá trị nguyên gốc. Ðiều này cần được thấm sâu trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người quản lý và trông nom di tích để tránh những hành động, việc làm gây tổn hại di tích.
Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, cần có cái nhìn từ hai phía. Một số người trông nom di tích đại diện cho cộng đồng dân cư không hiểu hết công việc và phận sự của mình, chưa thấy hết sự hệ trọng trong công việc tu bổ di tích, khi gặp khó khăn do phải qua nhiều thủ tục, giấy tờ, chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý, đã chọn cách làm dễ dàng hơn là tự động "vượt rào", nhất là khi trong tay có kinh phí. Còn các cơ quan chức năng lại xa rời thực tế, buông lỏng quản lý chỉ khi xảy ra sự cố mới vào cuộc, sự chậm trễ nhiều khi đã gây ra những hậu qủa đáng tiếc.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý di tích ngày càng trở nên cấp thiết. Các di tích cần được phân loại, có đầy đủ hồ sơ, đánh giá hiện trạng rõ ràng. Các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát di tích, khảo sát, điều tra, phát hiện kịp thời những chỗ hư hỏng, xuống cấp, cùng bàn bạc với cộng đồng tìm cách khắc phục, không phải chờ đến lúc dư luận "kêu cứu" mới quan tâm tới, ấy là chưa kể còn gây nhiêu khê, phiền hà khi làm thủ tục, giấy tờ, tạo ra những bức xúc trong xã hội không đáng có.
Trong lúc kinh phí của Nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, tu bổ di tích là rất quan trọng. Thời gian qua, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được thể hiện rõ nét nhất và hiệu quả nhất trong lĩnh vực lễ hội và tôn tạo di tích.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần kết hợp chặt chẽ với cộng đồng để xử lý minh bạch, đúng mục đích, có hiệu quả nguồn thu từ di tích. Bên cạnh việc giải quyết vấn đề kinh phí, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tổ chức được lực lượng nghệ nhân và thợ chuyên nghiệp trong việc sửa sang, tu bổ di tích. Ðó phải là những nghệ nhân, những người thợ giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có khả năng phục hồi, tái tạo những giá trị nguyên gốc của di tích bị lu mờ qua thời gian.
Công tác nghiên cứu cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Muốn sửa sang, tu bổ di tích mà vẫn giữ được nguyên giá trị của nó không thể thiếu sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, những bậc cao niên giàu kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư.