“Thơ Việt chúng ta hoàn toàn không kém, nhưng để làm sao ra được với thế giới?” - đó là trăn trở của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ông tham dự Liên hoan thơ ca vùng Val de Marne tại Pháp từ 23/5 - 2/6/2013. Việt Nam là một trong những nước được Hiệp hội thơ vùng Val de Marne mời tham dự đông đảo nhất, với hai đại biểu là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nữ nhà thơ Bảo Chân.
Liên hoan thơ ca vùng Val de Marne được thành lập từ năm 1991, là liên hoan thơ lâu đời nhất tại Pháp và đến nay là một trong những hoạt động thơ ca có uy tín của thế giới. Trong 20 năm tồn tại, Liên hoan thơ ca vùng Val de Marne đã mời khoảng 500 nhà thơ trên khắp thế giới tham dự.
Năm nay, đích thân Giám đốc của Liên hoan thơ ca, ông Francis Combes, đã gửi lời mời đến nhà thơ Trần Đăng Khoa – tác giả của những bài thơ mà ông Francis Combes đã biết đến từ khi còn rất trẻ.
Trong gần 2 tuần, hai nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Bảo Chân cùng với hơn 20 nhà thơ đến từ các châu lục Á, Phi, Mỹ La tinh trình bày một số bài thơ tiêu biểu của mình đến với những người yêu thơ của Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới tham dự Liên hoan.
Cũng trong khuôn khổ tham dự Liên hoan thơ ca vùng Val De Marne, hai nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Bảo Chân đã có buổi đọc thơ và trò chuyện với bà con người Việt và bạn bè Pháp tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn giới thiệu trong Liên hoan thơ và tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp một số bài thơ ông làm thời trẻ như: “Trăng ơi từ đâu đến”, “Nói với cháu”, “Bến đò”; hay sáng tác sau này như “Mat-xcơ-va – mùa Đông năm 1992” và đặc biệt có những bài sáng tác ngay trong liên hoan đợt này là “Trăng Paris”, “Đêm trắng”…
Cùng tham dự liên hoan, nữ nhà thơ Bảo Chân thì chọn hình thức ngâm thơ rất tình cảm, đặc sắc riêng của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè Pháp và bà con người Việt tại Pháp.
Phát biểu tại Liên hoan thơ, cũng như trong buổi trò chuyện với cộng đồng người Việt và bạn bè Pháp, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã giới thiệu về thơ Việt qua các giai đoạn phát triển. Và việc làm sao đưa thơ Việt ra với thế giới nhiều hơn là điều khiến ông trăn trở. Để làm được như thế, theo ông, chúng ta cần có những “bản dịch” chuẩn chuyển tải được cả ý thơ lẫn “cái hồn” của bài thơ đến với bạn bè thế giới. Và thứ hai là bản thân bài thơ phải mang những giá trị nhân loại để người yêu thơ trên khắp thế giới có thể hiểu và đồng “cảm”.
Đưa thơ Việt ra được với thế giới rộng lớn, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, là một vấn đề cấp bách. Ông nhấn mạnh thêm rằng: “Qua những nhà thơ lớn thế giới, chúng ta thấy những tác phẩm còn lại được với thời gian, thành di sản văn hoá của nhân loại, đều rất giản dị, trong sáng, mang những buồn vui, khát vọng của nhân dân và của nhân loại”.
Trong khuôn khổ Liên hoan thơ ca vùng Val de Marne, đáng chú ý, năm nay, Ban Tổ chức trân trọng mời nhà thơ Trần Đăng Khoa đại diện cho các nhà thơ tham dự Liên hoan khởi đầu hoạt động trồng cây vào ngày 31/5 để đánh dấu năm 2013 – kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris lịch sử và cũng là để tưởng nhớ những gì mà đất nước, người dân Việt Nam đã, đang phải chịu đựng vì chiến tranh./