Nữ họa sĩ Line Hoven: Có thể dung hoà văn hoá truyện tranh Đức-Việt

09:08, 18/05/2013

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng chương trình “Những Ngày Châu Âu 2013” tại Việt Nam, Viện Goethe đã mời nữ họa sĩ trẻ xuất sắc của Đức Line Hoven tới tham dự buổi trao đổi với các họa sĩ trẻ Việt Nam.

Buổi trao đổi nhằm tạo điều kiện cho các họa sĩ trẻ Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phong cách cũng như kỹ thuật vẽ truyện tranh hiện đại từ lớp họa sĩ mới của Đức, mà đại diện là nữ họa sĩ Line Hoven. Tham gia buổi trao đổi có rất nhiều họa sĩ trẻ như Nguyễn Thành Phong, Hà Dũng Hiệp, Nguyễn Ngọc Quân, cùng nhiều gương mặt triển vọng khác trong làng hội họa Việt Nam.

 

Nữ họa sĩ Line Hoven sinh năm 1977 tại Bonn. Tốt nghiệp đại học Hamburg, một trong những “cái nôi” nghệ thuật tại Đức, cô từng làm việc tại Sân khấu Quốc gia Kassel của Đức. Hiện tại, Line đã tìm thấy đam mê trong việc truyền tải những thông điệp và triết lý cuộc sống qua những khung tranh truyện. Chùm tác phẩm của cô tại cuộc triển lãm lần này là những mẩu truyện với hai tông màu đen trắng, tiêu biểu là tác phẩm “Ngoảnh mặt đi” với phong cách tự truyện, mà theo cô “là một cách rất tốt để các họa sĩ đi trước truyền kinh nghiệm cho lớp họa sĩ trẻ”.

 

Chia sẻ với phóng viên NDĐT, Line bày tỏ “mong muốn được giới thiệu sự đa dạng của truyện tranh Đức tới các bạn Việt Nam”. Cô chia sẻ: “Truyện tranh Đức đã từng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các tác phẩm của Pháp và Mỹ, nhưng sau khi nước Đức thống nhất, các họa sĩ Đức đã tìm được cho mình lối đi riêng, thậm chí đã tạo ra một phong cách mới trên thế giới.”

 

Theo cô, chính những bước đi mới mẻ đó đã thay đổi nếp nghĩ “truyện tranh chỉ dành cho trẻ em”. Từ đó, nữ họa sĩ trẻ bày tỏ tin tưởng vào khả năng dung hòa của truyện tranh Đức với văn hóa truyện tranh tại Việt Nam, vốn bị ảnh hưởng nhiều từ truyện tranh manga Nhật Bản.

 

Họa sĩ Nguyễn Thành Phong cho biết đây là lần đầu anh tham dự một buổi triển lãm truyện tranh Đức. Theo anh thì “phong cách của các họa sĩ Đức, cho dù đa dạng nhưng rất tập trung sử dụng các kỹ thuật truyền thống hoặc giả truyền thống như khắc gỗ, chì pha”, khiến các tác phẩm “trở nên rất thú vị với những người như tôi và rất có giá trị trong thời hiện đại”. Nguyễn Thành Phong nhận xét các tác phẩm tại triển lãm “rất lạ lẫm” và “cho thấy sự khác nhau giữa truyện tranh Đức và các tác phẩm của châu Á, vốn đậm phong cách manga Nhật”.

 

Cùng suy nghĩ đó, họa sĩ Nguyễn Ngọc Quân, giám đốc trung tâm luyện vẽ 360 Family cho rằng “phong cách truyện tranh Đức khá thú vị và không giống các loại truyện tranh thường thấy”. Anh chia sẻ cảm nhận: “Các tác phẩm ở đây sâu sắc và đậm màu sắc triết học, dù không cần nhiều lời thoại nhưng người đọc vẫn có thể hiểu được ngay.”