Về làng cổ Đường Lâm: "Có phải trò trẻ con đâu mà bảo trả là trả"!

07:38, 14/05/2013

Chiều 10.5, thông tin cho biết UBND thị xã Sơn Tây, HN đã nhận được đơn xin trả lại danh hiệu “Làng cổ Đường Lâm” của một số hộ dân thuộc địa bàn làng cổ Đường Lâm. Phía sau lá đơn “chưa từng có” này, chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi nhiều chiều của chính những người dân Đường Lâm, chủ thể của di sản.

Chuyện bé xé ra to

 

Trở lại với làng cổ Đường Lâm, thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, HN vào ngày 11.5, ghi nhận ban đầu của chúng tôi nơi làng quê được mệnh danh “đất hai vua” này là đã không còn cảnh người dân tụm năm, tụm bảy xôn xao, bàn tán xung quanh lá đơn “vô tiền khoáng hậu”.

 

Khách du lịch người ra người vào tấp nập, người dân ai lo việc người nấy... Đường Lâm hiện nguyên hình dáng của một làng quê yên bình. Đình Mông Phụ, nơi được xem là “hồn cốt” của Đường Lâm lại trải dài những luống thóc phơi nắng vụ mùa, rất thi vị. Cụ từ Đình Mông Phụ Hà Văn Mài có mặt đỏ đèn Đình từ sáng sớm.

 

Vốn người thôn Mông Phụ, năm nay đã 92 tuổi nhưng hết mực minh mẫn, nói năng đâu ra đấy, cụ Hà Văn Mài chậm rãi: “Tôi chẳng biết chuyện một vài người dân trong làng cổ Đường Lâm làm đơn từ xin trả lại danh hiệu này.

 

Đây có lẽ là chuyện riêng của một vài người không hài lòng về chuyện riêng tư của gia đình họ thôi, chứ không phải là ý kiến chung của toàn bộ người dân làng cổ Đường Lâm. Nhà nước công nhận danh hiệu cho làng cổ Đường Lâm là vinh dự cho cả người Đường Lâm nhiều thế hệ, đời này sang đời khác.

 

Đừng vì chuyện bé tí, bức xúc cỏn con mà đụng đến chuyện lớn làm mất hay đi lẽ phải, lẽ sống của người Đường Lâm. Nói thật là chuyện nhỏ của vài người này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cả làng. Nếu vì chuyện xây dựng hay cơi nới nhà cửa thì nên chấp hành theo Luật pháp, tự khống chế nhà mình sao cho phù hợp với cảnh quan, làng xóm xung quanh thôi, chứ làm gì mà ầm ĩ cả lên”.

 

Thực tế, có những hộ gia đình ở làng cổ Đường Lâm có những nỗi lòng riêng, thậm chí là bức xúc quanh việc xây dựng, cơi nới nhà cửa để dựng vợ, gả chồng cho con cái (Xem Báo Văn Hóa số ra 2312 ra ngày 10.5).

 

Thế nhưng, đấy không phải là hoàn cảnh chung của cả làng Đường Lâm. Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2013, có 22 hộ gia đình thuộc địa bàn xã Đường Lâm có nhu cầu xây dựng, cơi nới, sửa chữa nhà cửa và chỉ có 2 hộ xây dựng sai quy định và 1 hộ không xin phép.

 

Điều đáng ngạc nhiên là đa số hộ gia đình có nhu cầu xây dựng, cơi nới, sửa chữa nhà cửa trong những năm qua tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, HN đều sai phép hoặc không phép? Thông tin của một vị lãnh đạo địa phương khiến chúng tôi giật mình bởi trong khoảng 5 năm qua với khoảng 200 trường hợp xây dựng, cơi nới, sửa chữa nhà cửa ở làng cổ Đường Lâm thì chỉ có… một gia đình là có xin phép theo đúng quy trình, thủ tục!

 

Về trường hợp gia đình nhà bà Hà Thị Khanh, chủ nhân ngôi nhà hai tầng vừa làm xong được hai tháng thì có quyết định cưỡng chế vào năm 2010, theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong Đơn đề nghị của bà Khanh ký ngày 10.7.2010 ghi rõ: “Ở trên đổ 1 mái, phía trên tôi cam kết sẽ lợp mái ngói để đảm bảo mỹ quan làng cổ” và đơn đề nghị Cấp phép xây dựng mới của bà gửi các cơ quan chức năng cũng xác định là “Sửa lại nhà cấp 4”.

 

Về vấn đề này, ngày 12.7, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã có công văn số 91/BQL - TH khẳng định: “Trong đơn, gia đình chỉ xin phép sửa chữa lại ngôi nhà cấp 4 với diện tích 70m2 tại thửa đất số 434 tờ bản đồ số 08 thuộc thôn Mông Phụ, tuy nhiên qua xác định hiện trạng, hiện nay gia đình đã tiến hành phá bỏ toàn bộ ngôi nhà cấp 4 cũ, công trình hiện đang xây dựng là công trình xây mới: đã xây dựng xong phần móng, đổ xong cột chịu lực tầng 1...”.

 

Thế là đã rõ phần sai thuộc về người xin phép một đằng lại làm một nẻo.

 

"Ký đơn đa số là những người xây dựng trái phép..."

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân của ngôi nhà cổ có niên đại khoảng 400 năm khẳng định: “Xung quanh câu chuyện lá đơn gây xôn xao làng cổ mấy ngày qua, tôi được biết những người ký vào đơn đa số là những gia đình xây dựng trái phép sau khi Đường Lâm đã được công nhận là di tích quốc gia. Họ là những đối tượng không tuân thủ quy chế về xây dựng trong làng cổ. Từ đó mới ra nhiều câu chuyện khác. Tuy nhiên, đó không phải là ý chí của cả làng cổ Đường Lâm”.

 

heo báo cáo của UBND xã Đường Lâm, hiện 5 thôn thuộc vùng quy hoạch làng cổ Đường Lâm có gần 1.500 hộ với 6.000 nhân khẩu nhưng ký chung trong lá đơn “nghịch lẽ thường” chỉ có khoảng vài chục cái tên mà không phải ai trong số người ký tên này cũng được tính là hộ gia đình. Đơn cử như gia đình bà Hà Thị Khanh có những 4 người ký tên...

 

Vốn là làng cổ, được sử sách ghi danh từ lâu như trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư phần ghi chép về năm 1117 có đoạn nhắc đến “người giáp Cam Giá”, vốn là tổng Cam Giá Thịnh ngày xưa, nay là làng cổ Đường Lâm. Việc ghi nhận, tôn vinh làng cổ Đường Lâm vì thế như một suy tôn của thế hệ ngày nay với tiền nhân, chứ chẳng riêng người Đường Lâm bây giờ. Nói về chuyện trả danh hiệu của một số người, ông Hà Nguyên Huyến, chủ nhân của 1 trong 12 ngôi nhà được công nhận là nhà cổ của làng Đường Lâm hiện nay cho biết: “Câu chuyện lá đơn, thiết nghĩ là sự “bất khả kháng” của một nhóm người. Tuy nhiên, trả lại hay không trả lại danh hiệu này cũng là chuyện thật buồn cười. Có phải trò trẻ con đâu mà bảo trả là trả, mà nói thật là trả làm sao được”.

 

Nhìn chung, người dân làng cổ Đường Lâm không quá bức xúc quanh chuyện một số người làm đơn xin trả lại danh hiệu “Làng cổ Đường Lâm” và đa số người dân trong làng không biết hoặc không ký vào lá đơn nghịch lẽ thường này. Nhưng họ ít nhiều cũng ngẫm để tìm căn nguyên phía sau lá đơn phi lý đó và tự đưa ra những kiến giải.

 

Ông Hà Nguyên Huyến cho rằng cần tìm giải pháp phù hợp, hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển. Ông Hà Nguyên Mão, Bí thư Chi bộ thôn Mông Phụ lý giải: “Bức xúc của một số người dân là có thật. Để giải quyết bức xúc đó cần một quy hoạch tổng thể cho làng cổ Đường Lâm, chỗ nào cần bảo tồn, cần tôn tạo, tu bổ thì có kế hoạch và biện pháp giữ gìn, còn ngoài ra thì nới lỏng cho người dân”.

 

Trong khi ông Phan Văn Tư, chủ nhân của một ngôi nhà cổ của làng Đường Lâm nhìn nhận: “Muốn được người dân ủng hộ thì chính quyền phải có những giải pháp đảm bảo được quyền lợi và cuộc sống của họ. Nhưng dường như, từ ngày có danh hiệu Làng cổ thì mạnh ai người nấy làm. Người dân Đường Lâm xưa nay chân lấm tay bùn, chỉ quen làm ruộng, đùng cái bắt họ làm du lịch thì hình như... hơi khó!”.