Để hương trà bay xa

10:00, 12/06/2013

Sau những ngày nắng như thiêu đốt, mưa bắt đầu xối xả giúp không khí dịu đi, nông dân các vùng chè hối hả hơn với công việc thu hái. Tôi tìm về xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên, vào thăm Không gian văn hóa chè để thưởng trà; để hiểu đầy đủ hơn quy trình sản xuất chè truyền thống và những nét đặc trưng văn hóa thưởng trà của người  Thái Nguyên.

Anh Ngô Trọng Kiên, Trưởng phòng Phòng Quản lý khai thác (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Trên diện tích rộng hơn 26.000m2, Không gian văn hóa chè được xây dựng bao gồm Nhà trưng bày, khu vực sân khấu biểu diễn và không gian ấm trà tri kỷ. Từ cuối năm 2011, Không gian văn hóa chè đã được xây dựng hoàn thiện, đưa vào khai thác phục vụ nhân dân và du khách trong, ngoài nước.

 

 

Đã có hàng vạn lượt du khách về Không gian văn hóa chè thăm thú, cảm phục nét đẹp tinh hoa, bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng nghề chè truyền thống Thái Nguyên. Tại phòng đón tiếp, trên trang “sổ vàng” có hàng nghìn dòng tâm bút lưu lại, trong số đó có không ít du khách nước ngoài. Ông Chu Nhật Thành, nông dân vùng Hồ Bắc (Trung Quốc) viết: Tôi tự hào là nông dân vùng chè Hồ Bắc của Trung Quốc, nhưng khi đến đây, thưởng trà Thái Nguyên, tôi thấy trong trà có vị khác, uống rồi thấy nhớ cả hương lẫn vị…

 

Theo anh Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Đơn vị đã đầu tư rất nhiều công sức để sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến nghề trồng, chế biến chè, nông cụ sản xuất, ấm chén pha, uống trà… của nông dân Thái Nguyên để trưng bày tại Không gian văn hóa chè. Hiện đơn vị đã sưu tầm và trưng bày giới thiệu với du khách 525 hiện vật. Nổi bật là 60 ảnh giới thiệu về các làng nghề chè truyền thống; 42 tài liệu hiện vật là các bản trích, tài liệu, cup, Bằng chứng nhận về chất lượng chè; 16 hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của nông dân vùng chè; 5 mẫu đất chè; 138 mẫu sản phẩm chè qua các thời kỳ; 54 hiện vật là dụng cụ trồng, chăm sóc, chế biến chè; đặc biệt có 179 hiện vật là dụng cụ pha và uống trà qua các thời kỳ.

 

Nhâm nhi chén trà, nhẩn nha nghĩ suy mới thấy được sự tinh túy, sâu sắc của người dân vùng chè Thái Nguyên. Trong tâm trạng sảng khoái, dìu dịu, tôi cũng như rất nhiều người thấy trào dâng một cảm giác tự hào, rằng mình đã được đặt chân đến đây, được thưởng trà ngay giữa cái nôi quê hương chè. Hơn thế, Không gian văn hóa chè còn như một bảo tàng về cây chè, về sản phẩm chè và các loại ấm, chén sành sứ được làm từ cách nay hàng trăm năm. Bên bàn trà, mọi người dễ thành tri kỷ, nguôi đi những đắn đo, nghĩ suy trong cuộc đời. Bởi một lẽ giản đơn, Không gian văn hóa chè gói ghém vào đó một phần dòng chảy văn hóa, lịch sử, truyền thống của người dân trên các vùng chè ViệtNam. Điều đó phản ảnh qua từng tấm ảnh ghi lại hoạt động lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc trên nhiều miền đất nước và thế giới. Đó là những chiếc cuốc, xẻng làm đất; thùng gành nước tưới; thạ, dậu đựng chè; phên phơi, thúng, nong, nia, máy quay, quạt bễ chế biến chè… và dao quắm đốn tạo tán chè. Bằng sự khéo bài trí, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác ở Bảo tàng Thái Nguyên, các hiện vật, tài liệu được trưng bày tại Không gian văn hóa chè trở lên sống động hơn.

 

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về thăm Không gian văn hóa chè có dòng lưu bút: Đây là mô hình tổ chức rất có ý nghĩa về văn hóa, kinh tế… của Bảo tàng tỉnh. Mong các đồng chí Bảo tàng tỉnh phát huy tốt mô hình để góp phần gìn giữ và nâng cao hơn nữa thương hiệu trà  Thái Nguyên ở trong nước và trên thế giới… Đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo để Không gian văn hóa chè và Bảo tàng tỉnh phát huy các giá trị và hiệu quả.

 

Tuy mới đưa vào khai thác sử dụng được gần 2 năm nay, nhưng Không gian văn hóa chè đã thật sự phát huy hiệu quả tuyên truyền, quảng bá về thương hiệu sản phẩm. Song để Không gian văn hóa chè thật sự là một “bảo tàng chè”, là chốn cho du khách trong, ngoài nước đến thăm quan, nghiên cứu về chè, anh Kiên tâm sự: Năm nay (2013), Không gian văn hóa chè sẽ có thêm một số công trình liên quan được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhưng để Không gian văn hóa chè phát huy hiệu quả hơn nữa, chúng tôi mong các cấp, ngành liên quan của tỉnh quan tâm, cấp kinh phí để đơn vị tiếp tục làm công tác sưu tầm hiện vật về chè để trưng bày bổ sung; đồng thời trồng cây xanh bóng mát trong khuôn viên sân; tường rào bảo vệ bao quanh và có biển báo chỉ dẫn tại tại trung tâm thành phố và Khu du lịch Hồ Núi Cốc đi đến Không gian văn hóa chè. Được như thế, du khách trong, ngoài nước cũng như các thương nhân ngành chè thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương. Hương chè Thái Nguyên cũng vì thế được lan tỏa xa hơn.