Tối nay (22/6), Festival Di sản Quảng Nam sẽ chính thức khai mạc tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Đây là ngày hội của các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và các nước ASEAN, với nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư, giới thiệu ẩm thực Quảng Nam và Việt Nam.
Kết nối di sản
Festival Di sản Quảng Nam 2013 do UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO VN tổ chức, diễn ra từ 22-26.6 tại Quảng Nam. Đây là sự kế thừa và phát triển của lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2003 đến nay.
Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Tổ chức Festival cho biết: “Festival là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa VN và và đặc trưng văn hóa Quảng Nam, quảng bá hình ảnh của VN và tỉnh Quảng Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào Quảng Nam và VN, đồng thời để kỉ niệm 10 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hướng đến cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Do vậy, trong khuôn khổ Festival này sẽ diễn ra nhiều hoạt động mang tầm quốc gia và quốc tế, với sự tham gia của nhiều địa phương, đơn vị trong nước cũng như các quốc gia ASEAN và các tổ chức quốc tế”.
Festival sẽ có sự tham dự của đông đảo quan khách, ngoại giao đoàn của 73 quốc gia, gần 700 thí sinh dự thi hợp xướng quốc tế, cùng hàng trăm diễn viên đến từ các nước ASEAN, và sự tham gia của các tỉnh, thành có di sản được UNESCO công nhận, những địa phương đang lập hồ sơ trình công nhận di sản và hàng trăm hãng lữ hành…
Lễ khai mạc Festival sẽ diễn ra tối 22.6 tại nhà hát Hội An với chương trình nghệ thuật hội tụ sắc màu văn hóa các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV và VOV. Đặc biệt là sự góp mặt của các nghệ nhân dân gian trình diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điểm nhấn của Festival là triển lãm “Không gian di sản văn hóa các nước ASEAN”, “Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ III tại Việt Nam” và “Chung kết cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013”.
Hội thi hợp xướng quốc tế là những cuộc trình diễn đầy âm thanh, màu sắc của 16 đoàn nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia. Bên cạnh hội thi, các đoàn hợp xướng quốc tế cùng các đoàn nghệ thuật ASEAN và VN sẽ trình diễn chương trình nghệ thuật đường phố trong phố cổ Hội An và nhiều địa phương trong tỉnh. “Không gian di sản văn hóa VN và ASEAN” bày ra bên bờ sông Hoài thơ mộng của di sản Hội An hình ảnh những di sản văn hóa và thiên nhiên đặc trưng của VN và các nước ASEAN, khởi sự cho chương trình quảng bá, gắn kết ASEAN qua văn hóa, kinh tế và ngoại giao. Vòng chung kết cuộc thi hoa hậu các dân tộc VN với 64 gương mặt đại diện cho 54 dân tộc anh em cộng cư trên đất Việt.
Nâng tầm lễ hội
Không gian Festival được mở rộng từ hai trung điểm là di sản đô thị cổ Hội An (TP.Hội An) và di sản đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đến các vùng Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành và ngược lên các huyện núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang...
Một Hội An vừa dịu dàng với “đêm phố cổ” mơ màng vừa rộn ràng với lễ hội carnaval đường phố, liên hoan hô hát bài chòi miền Trung và festival di sản văn hóa phi vật thể các nước ASEAN, với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật và những cuộc trưng bày, triển lãm không gian văn hóa ASEAN, di sản văn hóa biển Việt Nam và các cuộc hội thảo về văn hóa, liên kết du lịch, bảo tồn, quản lý di sản. Ngoại vi đô thị cổ cũng sẽ bày biện rất nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật chất liệu đá, liên hoan nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam. Một Mỹ Sơn không chỉ đền tháp cổ kính mà giờ còn có hội làng Chăm, homestay tại các làng quê quanh thung lũng Mỹ Sơn, hoặc các nghệ nhân chế tác sản phẩm “độc đáo” làng nghề.
Rồi hội chợ làng nghề truyền thống Quảng Nam tại Điện Bàn. Những người yêu thiên nhiên có thể qua đò ngang vào Duy Vinh (Duy Xuyên) để gặp Trà Nhiêu hoang sơ hoặc làng quê Cẩm Thanh (Hội An) thanh bình như trong ca dao. Còn ai có máu lãng du thì vượt dặm trường đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ngược đường rừng để tìm gặp làng dân tộc Đờ Hôông, Bờ Hôồng (Đông Giang), lênh đênh trên hồ Phú Ninh (Phú Ninh) xanh thẳm…
Kết thúc những chuyến phiêu du, du khách có thể chọn những món ngon “đặc sản” truyền thống của miền Trung - Tây Nguyên tại liên hoan ẩm thực bày ở khu giải trí Đồng Hiệp (Hội An) hoặc những món quà lưu niệm, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo tại hội chợ công thương Miền Trung -Tây Nguyên tại T.P Tam Kỳ…
Điểm mới của Festval là xã hội hóa tối đa trong việc tổ chức các lễ hội. Không đổ hết kinh phí hay nguồn lực vào lễ hội để góp phần đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mà huy động sự tham gia của cộng đồng người dân, doanh nghiệp, tổ chức, kể cả du khách cũng là “nhân vật chính” của lễ hội. Festival đã nhận được sự tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp và Bộ VH-TT-DL về kinh phí, hiện vật, hỗ trợ tổ chức các hoạt động… với tổng trị giá đến nay là 34,5 tỉ đồng.
Ông Đinh Hài - GĐ Sở VH-TT-DL Quảng Nam cho biết, Festival di sản là cơ hội lớn để Quảng Nam quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc hiệu “văn hóa và di sản”. Điều này sẽ tạo tiền đề để Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, phấn đấu tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm tăng 20% (năm 2012 đã đón hơn 2,8 triệu lượt khách) và sau năm 2015 sẽ đón từ 4 đến 6 triệu lượt khách mỗi năm.
“Lễ hội Hành trình Di sản-Festival di sản Quảng Nam” là sự tôn vinh nhân dân đã sáng tạo ra vô vàn những giá trị nhân văn đang ẩn tàng dưới lớp bụi thời gian. Dựa trên văn hóa dân gian truyền thống và cộng đồng cư dân để tổ chức lễ hội là kinh nghiệm quý báu, đặc thù và xuyên suốt của lễ hội trước đây và Festival hiện nay. Ngay tại lễ hội “Hành trình di sản Quảng Nam” đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã đưa ra thông điệp: “Cuộc trở về này là khám phá sự bí ẩn sâu xa nằm trong lòng hai di sản (Mỹ Sơn, Hội An) và cả vùng đất, vùng trời và biển đảo Quảng Nam”.