Được dư luận quan tâm trong tháng qua, cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, hiện công tác tại Viện Văn học vừa được tổ chức ra mắt với nhiều thông tin thú vị.
Công trình này bao quát lịch sử trang phục Việt Nam từ triều Lý cho đến khi kết thúc triều Nguyễn (năm 1009 đến 1945), được NXB Thế giới và công ty Nhã Nam liên kết ấn hành.
Trần Quang Đức đã bắt tay thực hiện tác phẩm từ năm 2010 đến 2012, bằng việc khai thác, tham khảo, đối sánh nhiều nguồn tư liệu của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…
Qua quy mô quan sát rộng, dài và những tìm tòi tỉ mỉ, lý giải chi tiết, trình bày có hệ thống, “ngàn năm áo mũ” của Việt Nam hiện lên sinh động, đậm màu sắc tiếp biến văn hoá và tinh thần tự chủ.
Theo đó, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hoá, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo.
Với nhiều tranh, ảnh minh họa sinh động, nhiều màu sắc, nhiều bức hình được đặt cạnh nhau trong sách để người đọc tiện theo dõi và nhận thấy những nét khác biệt, độc đáo riêng của trang phục triều đình Việt Nam so với các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Nhiều tranh ảnh trang phục, đầu tóc thường dân được thể hiện chân thực qua con mắt các giáo sĩ, nhà buôn nước ngoài đến Việt Nam thời phong kiến, cũng được tác giả chọn lựa đưa vào sách cùng những kiến giải súc tích.
Và như vậy, bước vào “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức, người đọc được quan sát tỉ mỉ từ chiếc mũ cho tới tay áo bào của các vị vua, đến những kiểu loại hoa văn rồng, phượng, chim chóc, núi non… dành cho áo của hoàng hậu, công chúa, vương tôn công tử…., rồi phong tục đi chân đất, cắt tóc ngắn của người Việt một thời. Chung quanh mỗi chi tiết ấy là những lề luật, quy định, ứng xử, là cả một dòng chảy văn hoá trong triều chính, trong dân gian Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng, trong sự thiếu hụt về tư liệu, sự không chính xác và sai lệch của ngày hôm nay trong các hình dung và thể hiện các bộ trang phục xa xưa, cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” ra đời là một sự may mắn. “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hoá, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế cho đến nay”.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Được biết, năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất ĐH Quốc gia Hà Nội, anh đã đạt giải Nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ ba, dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Năm 2009, Trần Quang Đức đã tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc). Thời gian qua, anh đã dịch một số tác phẩm như “Trà kinh” (2008), “Chuyện tình giai nhân” (2011) và “Trường An loạn” (2012).