Khu mộ cổ Đống Thếch xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) với hàng trăm hòn mộ, trong đó có những ngôi mộ uy nghi là biểu hiện quyền lực của dòng họ Lang Mường Động xưa kia. Qua vài trăm năm, Đống Thếch đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa, là tiềm năng du lịch của đất Mường Động. Tuy nhiên, tình trạng đào bới trộm cổ vật, thiếu kinh phí tu sửa khiến khu di tích đang xuống cấp.
Biểu hiện quyền lực
Đống Thếch là tên gọi khu mộ Mường cổ, thuộc xóm Chiềng Động, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi.
“Đống” theo quan niệm của người Mường dùng để chỉ những nơi mồ mả, nơi chôn cất người chết. Còn “Thếch” là địa danh chỉ vùng đất.
Ông Bùi Đức Òm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng cho biết, khu mộ Đống Thếch có niên đại sớm nhất là năm 1651. Đây là khu đất có địa thế, hình dáng miệng rồng nên từ lâu, dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm làm nghĩa địa để làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho người của dòng họ mình.
Khu mộ cổ Đống Thếch nằm ở đầu thung lũng Mường Động, xã Vĩnh Đồng, cách huyện lỵ Kim Bôi khoảng 6 km là một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng với hàng trăm hòn mồ cao thấp đứng cùng thời gian, mưa nắng. Vây quanh ba mặt khu mộ cổ là những quả đồi thấp, tạo nên một bổn địa.
Với diện tích hàng vạn m2, trải qua nhiều đời, khu mộ cổ Đống Thếch chôn cất hàng trăm ngôi mộ, trong đó có những ngôi mộ chung quanh cắm nhiều hòn đá quý cao lớn, sừng sững, uy nghi như dấu ấn quyền lực của dòng họ Lang Mường Động một thời, trở thành thánh địa riêng của nhà Lang. Đặc biệt, trong khu mộ cổ có ngôi mộ của tướng quân Chiêu Đống hầu Đinh Công Kỷ, là người có công giúp nhà Lê chống giặc và xây dựng triều chính. Dưới chế độ phong kiến thực dân, khu mộ cổ bị cây rừng phủ lên rậm rạp nên càng trở nên bí hiểm đối với người dân từ đời này sang đời khác.
Từ năm 1946 đến năm 1975, khu mộ cổ này còn tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên, từ năm 1975 đến 1984, nhân dân địa phương đã vào khai hoang, chặt cây và xâm phạm đến một số hòn mồ để lấy đá đắp đường. Cùng lúc đó, tình trạng đào bới trộm cổ vật cũng rộ lên làm khu mộ cổ đã bị phá hoại nặng nề. Sau một thời gian, khu mộ chỉ còn là bãi hoang tàn vẻn vẹn với hơn chục ngôi mộ và những hòn đá to mà kẻ đào trộm cổ vật chưa kịp đào bới.
Trước tình hình đó, tháng 12-1984, Viện Khảo cổ học phối hợp Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) tiến hành khai quật “chữa cháy” toàn bộ số mộ còn lại. Kết quả khai quật đã đem lại nhiều thông tin quý giá về một xã hội Mường cổ, về táng thức, quy mô, cấu trúc trong các mộ, cùng cách đặt hiện vật, đồ tuỳ táng. Với số lượng hiện vật phong phú, đặc biệt là đồ gốm sứ gồm nhiều loại hình mang dấu ấn kỹ thuật chế tác, đặc trưng, điển hình của nhiều thời đại khác nhau như Lý, Trần, Lê...
Tại đây cũng phát hiện một số đồ gốm sứ được chế tạo ở nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản... chiếm tỷ lệ không nhỏ, tạo nên dáng vẻ toàn diện của bộ sưu tập đa dạng với nhiều tiêu bản đặc sắc. Đặc biệt là những đồ gốm sứ được chế tác ở nước ta vào thế kỷ thứ XVII.
Việc vén bức màn bí mật của khu mộ cổ Đống Thếch đã mở ra diện mạo di tích cùng đồ tùy táng, cách thức chôn cất người chết, những văn tự khắc trên bia mộ một phần cho thấy sự phát triển khá hưng thịnh của chế độ Lang đạo dưới thời phong kiến. Những chiếc trống đồng cổ được phát hiện ở khu mộ cổ càng khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Hòa Bình trên vùng đất Vĩnh Đồng qua các thời kỳ lịch sử.
Xuống cấp và hư hỏng
Năm 1994, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định bảo vệ khu di tích. Năm 1996, Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học. Tháng 1-1997, khu mộ cổ Đống Thếch được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia. Năm 2000 và năm 2001, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thông tin, di tích đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo với các hạng mục: làm cổng, xây tường rào cho khu A, khu B, làm cống thoát nước, biển báo, đường vào di tích, đường nội bộ, xây nhà thường trực, sưu tầm lại các hòn mồ và phục đắp lại một số ngôi mộ. Sau đó, di tích được bàn giao cho UBND xã Vĩnh Đồng trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, đến nay, công tác trông coi bảo vệ khu di tích gặp nhiều khó khăn, một số hạng mục cửa sắt, nhà trông coi được tu bổ đã bị xuống cấp, hư hỏng. Nghĩa địa uy nghi, sừng sững một thời đã không còn nguyên vẹn, giờ chỉ còn hơn chục ngôi mộ nằm lọt trong cánh đồng ngô, lạc do xã cho người dân địa phương canh tác để vừa sản xuất, vừa trông coi. Điều đáng nói, do không có kinh phí thuê người trông coi, ngôi nhà dùng để trực bảo vệ khu mộ cũng bị bỏ hoang nhiều năm. Cổng sắt bị tháo ra đem đi bán, biển báo khu di tích khảo cổ học cấp quốc gia cũng bị mờ nhạt.
“Tỉnh và huyện đã giao cho UBND xã quản lý, nhưng không có quy chế cụ thể cũng như không có kinh phí thuê người trông coi, tu sửa. Từ đó, xã cũng lúng túng trong khâu quản lý. Khắc phục tình trạng này, xã đã cho một số hộ dân địa phương vào sản xuất tại đây để họ vừa có thu nhập vừa trông coi khu mộ”, ông Bùi Đức Òm chia sẻ.
Trước tình trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Hoàng Việt Cường đã về thị sát, lắng nghe huyện Kim Bôi và xã Vĩnh Đồng đề xuất xây dựng quy hoạch cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phục vụ khách du lịch với các hạng mục như: xây dựng miếu thờ, phòng trưng bày, sưu tập các bia mộ, làm đường, bãi đỗ xe, xây cổng vào khu di tích… Đồng thời, đề nghị với tỉnh cho thành lập Ban Quản lý khu di tích, có kế hoạch đào tạo cán bộ làm công tác thuyết minh, giới thiệu và đề nghị tỉnh có kinh phí hỗ trợ cho những người làm công tác bảo vệ, trông coi…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã thống nhất đề xuất xây dựng nhà lưu niệm, làm đường vào bằng đường bộ, mặt cứng; làm bãi đỗ xe; xây dựng cổng khu mộ, trồng cây xanh, trồng hoa; tuyên truyền, huy động sức dân tham gia bảo vệ, giữ gìn khu di tích và đồng ý với đề nghị trình UBND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cho những người làm công tác trông coi các khu di tích.
Tôn tạo khu di tích mộ cổ Đống Thếch xứng tầm khu di tích cấp Quốc gia là vinh dự, tự hào không chỉ của người Mường Hòa Bình mà của cả dân tộc Mường.
Vì vậy, việc giữ gìn, bảo quản, có định hướng tạo thành tour du lịch cũng như có kế hoạch trùng tu, tôn tạo là việc làm cần thiết để phát huy hết giá trị của khu mộ cổ hàng trăm năm tuổi này.