Mới manh nha hình thành, nhưng số lượng các bạn trẻ yêu thích công việc làm phim độc lập hiện nay đã không hề ít ỏi. Phía trước là cả một chặng đường dài đầy khó khăn, nhưng với tình yêu phim ảnh, các nhà làm phim độc lập đang tự tìm lấy cách thức và đường đi để tới được thành công.
Liều… khi làm phim độc lập
Làm phim độc lập, nói nôm na là tự lo toàn bộ cho đứa con tinh thần của mình: khởi đầu một ý tưởng, đắp da thịt cho nó, mô tả nó thật kỹ lưỡng và hấp dẫn trong một dự án, từ đó đi chào mời nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn làm phim, thậm chí khi làm phim xong thì tự đi chào bán… Đó chỉ là những khâu cơ bản nhất mà một nhà làm phim độc lập phải làm hiện nay.
Chính vì thế, những ai dấn thân vào con đường làm phim độc lập này đều được đánh giá là liều mạng.
Hầu hết những nhà làm phim độc lập của Việt Nam hiện nay là các đạo diễn không chuyên, vì yêu thích điện ảnh mà tự mày mò đi theo con đường này. Trong hoàn cảnh điện ảnh Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn hiện nay, không dễ gì cho các nhà làm phim độc lập để tìm được vốn tài trợ cho dự án làm phim của mình. Đối với những dự án “nặng ký”, đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của công chúng, đạo diễn nổi tiếng… có thể tìm nguồn vốn đầu tư từ một vài quỹ hỗ trợ của nước ngoài như của Pháp, Thụy Sĩ… “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di là một điển hình. Còn với những nhà làm phim trẻ, mới bắt tay vào con đường gian nan này, dường như con đường duy nhất là tự cày cuốc, dành dụm tiền để làm phim. Khi xong một dự án, con đường ngắn nhất đến với công chúng là mạng Internet, với địa chỉ quen thuộc nhất là Youtube, ngoài ra còn có thêm một số trang web tải phim chào đón các nhà làm phim trẻ không chuyên như yxineff.com…
Nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi cho biết, ban đầu khi mới bắt tay vào làm phim tài liệu, chị cũng từng ấp ủ mơ ước sẽ xây dựng những dự án lớn, quy mô và dài hơi, những bộ phim mang tính điện ảnh. Tuy nhiên, hoàn cảnh thực tế và những khó khăn không nhỏ đã buộc chị phải xoay chuyển để thay đổi con đường của mình. Hiện nay, chị làm những thể loại phim mang tính thể nghiệm nhiều hơn như video art, thực hành nghệ thuật, bởi không mất nhiều thời gian, công sức và được tự do sáng tạo hơn. Nghệ sĩ cho biết: “Làm một dự án phim mất 2, 3 năm ròng, trong khi nhà làm phim vẫn phải sống. Vậy trong thời gian đó, ai nuôi mình?”
Những nơi chắp cánh cho tình yêu phim ảnh
Ở Việt Nam, từ khoảng 10 năm trở lại đây, đã có những tổ chức chuyên về đào tạo các nhà làm phim độc lập, thu hút một số lượng không nhỏ các bạn trẻ yêu thích công việc làm phim. Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng trẻ TPD, với sự tham gia giảng dạy của hai đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Phan Đăng Di, đã đào tạo hàng trăm bạn trẻ làm phim, mà không ít trong số đó đã trưởng thành và theo nghề từ cái nôi này.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, Trung tâm và dự án đào tạo phim cho các bạn trẻ được thành lập từ năm 2003, còn dự án Chúng ta làm phim khởi động từ năm 2005. Anh nói: “Mục đích của chúng tôi là đưa điện ảnh đến cho thanh niên từ rất sớm. Ở nhiều nước khác họ đều có giờ học communication, media... Ở Việt Nam, học sinh chỉ được học mỹ thuật trong trường một cách qua loa, điều đó rất dở. Trong khi đó, những đứa trẻ ở nước ngoài được đào tạo rất bài bản về âm nhạc, nghe bản nhạc thì có thể hình dung ra bản nhạc, thậm chí có thể sáng tác nhạc...” Anh cho biết, trước đây Trung tâm hoạt động từ nguồn vốn do quỹ Ford tài trợ, hiện nay Ford đã đóng cửa, cho các nhà tổ chức đang phải vật lộn đi tìm nguồn tài trợ khác.
Bùi Thạc Chuyên nói, làm phim cũng là một cách để đối thoại rất tốt. Các em nhỏ ở Trung tâm của anh muốn làm phim vì muốn được đối thoại với người khác và được họ đáp lời. Chẳng hạn như Phan Huyền My, một nhà làm phim trẻ từng thành công với bộ phim thuyết phục mẹ cho mình đi học làm phim.
Ngoài TPD, có những nơi khác tổ chức đào tạo làm phim, như các khóa đào tạo làm phim tài liệu ngắn của Varan và của một số cơ quan ngoại giao, văn hóa nước ngoài trong Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương dành cho các nhà làm phim trẻ của hãng và sinh viên chuyên ngành điện ảnh, … Nhiều nhà làm phim trẻ đã trưởng thành từ những khóa đào tạo này.
Con đường trước mắt đầy chông gai, nhưng chính những thách thức đó lại trở thành điều thú vị thu hút nhiều bạn trẻ tham gia vào những khóa học làm phim để thắp lên trong mình ngọn lửa tình yêu điện ảnh. Điều quan trọng nhất là tạo ra và lựa chọn con đường đi riêng cho mình, như nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi nói. Mỗi con đường có thể dẫn tới thành công hay thất bại, nhưng việc đi và trải nghiệm con đường đó cũng đã đem lại cho nhà làm phim được nhiều điều.