Trong một số vở diễn có đề tài đấu tranh với tham nhũng trước đây, những thế lực đen tối liên kết cùng chung hưởng các quyền lợi kinh tế từng được đề cập, nhưng chưa thật lộ diện đầy đủ.
Lần này, với vở diễn Tai biến vừa ra mắt, Nhà hát kịch Việt Nam đã lần đầu đưa lên sân khấu, vạch mặt, chỉ tên một cách rõ ràng các "nhóm lợi ích" đã và đang tìm cách thâu tóm, lũng đoạn nền kinh tế đất nước, bòn rút tiền của ngân sách. Phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, vở diễn cũng chuyển tải đến người xem những thông điệp mang đậm tính nhân văn.
Nội dung vở Tai biến xoay quanh câu chuyện về ba người bạn chí cốt: Thiếu tướng Công an Trần Tiến, Thứ trưởng Vũ Lân và Tổng Giám đốc công ty Hoàng Ðạo, "ba chàng ngự lâm quân" từng có một thời vào sinh ra tử cùng nhau, là bạn chiến đấu chung tiểu đội, sau này lại cùng được Nhà nước cử đi du học ở Nga. Những hoài bão dựng xây đất nước một thời tuổi trẻ đã không trở thành hiện thực bởi mỗi người trong họ đều có một lối rẽ riêng trong sự nghiệp, khi họ dấn thân vào thực tế khắc nghiệt của cuộc sống muôn mầu muôn vẻ thời kinh tế thị trường với những cám dỗ của tiền tài danh vọng và quyền lực, của lợi ích phe nhóm. Cuộc sống quay cuồng trong những tính toán để rồi một số người trong họ đánh mất chính bản thân mình và nhận lãnh hậu quả cay nghiệt. Số phận đã buộc những người bạn phải đối mặt nhau ở hai chiến tuyến thời bình: Thiếu tướng Trần Tiến, nhà báo Trần Lâm - con ông và Lưu - một Trung úy ngoại tuyến, những người đang đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và phía bên kia là "nhóm lợi ích" của Thứ trưởng Vũ Lân và vợ, Tổng Giám đốc Hoàng Ðạo, nữ doanh nhân "Ðại gia" Hàn Nguyệt cùng thế lực "trong bóng tối" Hai Chính. Chịu trách nhiệm điều tra về việc làm khuất tất của "nhóm lợi ích" trong đó có hai người bạn của mình, Trần Tiến đã cảnh báo, khuyên can, nhưng không được. Khi biết cơ quan công an đang điều tra, "nhóm lợi ích" dưới sự chỉ đạo của Hai Chính đã tìm cách tiêu hủy chứng từ, thủ tiêu kế toán Mẫn, con gái một người bạn chiến đấu đã hy sinh của nhóm bạn "ngự lâm quân". Bản thân Hoàng Ðạo cũng bị chính vợ Vũ Lân và tay chân Hai Chính "hạ độc thủ" diệt khẩu bằng một vụ dàn dựng tai biến đột quỵ.
Ở vở diễn này, hai tuyến nhân vật tốt - xấu là rõ ràng bên cạnh một tuyến nhân vật khác là nạn nhân và cũng là nhân chứng bất đắc dĩ cho những mưu mô quỷ quyệt như cô kế toán Mẫn, như Cẩm Ly - vợ Hoàng Ðạo. Các giá trị cao đẹp, tưởng như không gì có thể thay thế được một thời như tình bạn, nghĩa vợ chồng bị lãng quên, bị lấn át, trở nên lạc lõng giữa các thủ đoạn, mánh lới và sức mạnh cuốn hút ma mị từ đồng tiền. Thế lực phía sau các nhóm lợi ích không hiện rõ như hình hài con người trên sân khấu, người ta chỉ biết đến sự hiện diện mờ ảo đầy quyền lực của nó qua âm sắc giọng nói, qua những chỉ đạo quyết liệt và tàn độc, qua sự kiểm soát đến từng người. Dù không xuất hiện nhưng luôn luôn ám ảnh không gian sân khấu và như một nhân vật chính, xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn. Ông Hai Chính là ai, không nói rõ, nhưng ai cũng biết, cũng hiểu và cũng sợ. Người nào cần phải ra đi vĩnh viễn và ở lại cũng từ chỉ đạo của "ông Hai Chính".
Tuy nhiên, trong mỗi nhân vật trung tâm của sự kiện, có sự mong manh, không thể phân minh được giữa những giá trị tốt - xấu. Tác giả và đạo diễn vẫn để lưu lại trong họ, chứ không làm mất hẳn, ở một lúc nào đó, từ cõi sâu tâm hồn, còn đọng lại một chút về tình bạn, tình người. Nhưng rồi chính họ đã không thể đứng lên, không thể làm cho cái tốt đẹp, cái phần Người ấy có thể lên tiếng và cuối cùng để cho cái xấu, cái ác chiến thắng. Dường như khi niềm tin về phần Người le lói ấy bị đánh mất cũng là lúc cái tốt rời xa con người, có chăng chỉ là một chút day dứt, tạo nên những rối loạn tâm trí của Vũ Lân khi phải quyết định xuống tay với bạn bè.
Trong cuộc đấu tranh khốc liệt với các thế lực "nhóm lợi ích", không phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng, bởi nhiều khi nó vượt quá sức chịu đựng của con người, nhất là với những người quá tốt, thậm chí đã từng trải trong chiến tranh, từng đối diện nhiều loại tội phạm trong các cuộc đánh án như Thiếu tướng Trần Tiến, khi ông không thể chịu được nỗi đau đời và sự thật phũ phàng, phải chứng kiến sự tàn bạo của các thế lực tội phạm mà ở đây chính là những người một thời được gọi là bạn. Không có giá trị nào cao hơn "lợi ích nhóm", vì nó mà họ có thể chà đạp lên tất cả. Cái hay của vở diễn là hồi kết để mở sau khi Thiếu tướng Trần Tiến ra đi vì tai biến và vụ án vẫn còn dang dở. Những thế lực đen tối đầy quyền lực phía sau các "nhóm lợi ích" chưa bị phanh phui, vạch mặt. Nhưng tiếp nối cuộc đấu tranh, vẫn còn đó đồng đội của ông, những người như Trung úy trinh sát ngoại tuyến Lưu và nhà báo trẻ Trần Lâm. Họ sẵn sàng đi đến tận cùng sự thật, sẵn sàng cống hiến và hy sinh như cha anh họ trước đây, để truy đuổi và tiêu diệt cái xấu, cái ác, không để nó có thể lộng hành.
Dưới bàn tay đạo diễn NSƯT Anh Tú, vở Tai biến của nhà văn Xuân Ðức, do các nghệ sĩ, diễn viên Ðoàn I - Nhà hát kịch Việt Nam thể hiện, đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem, với những mảng miếng, chi tiết khá chắt lọc, trong một diễn tiến nhanh gọn. Sân khấu được dàn dựng đơn giản, chỉ có ba mầu chủ yếu: mầu đỏ là sự dữ dội, khốc liệt trong những va chạm, đấu tranh, mầu đen - trắng là những ám ảnh của các âm mưu, thế lực đen tối mang đến tai ương. Không gian sân khấu được thay đổi mầu sắc tùy theo bối cảnh diễn biến cao trào sự kiện và sự xuất hiện của các nhân vật với những biến đổi liên tục trong suy nghĩ và hành động của họ. Có thể nói, vở diễn đã cho thấy sự đổi mới trong hoạt động của nhà hát, mang đến cho người xem các vở diễn hay, bám sát và phản ánh hiện thực cuộc sống hôm nay.